(Baothanhhoa.vn) - Vai trò quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến đối với sự phát triển du lịch là điều đã được nhấn mạnh. Tuy nhiên, quảng bá du lịch hiện đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quảng bá du lịch:

Những vấn đề đặt ra

Những vấn đề đặt ra

Đoàn doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa khảo sát và kết nối sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Bình.

Vai trò quan trọng của công tác quảng bá, xúc tiến đối với sự phát triển du lịch là điều đã được nhấn mạnh. Tuy nhiên, quảng bá du lịch hiện đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch.

Một điểm đến du lịch – hiểu ở cả nghĩa rộng ví như một tỉnh/thành phố và nghĩa hẹp ví như một khu, điểm du lịch cụ thể - luôn thực hiện hai chức năng là “sản xuất hàng hóa” và “kinh doanh dịch vụ”. Hàng hóa ở đây có thể hiểu đơn giản là đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng các tour, tuyến nhằm giới thiệu và chào bán đến khách hàng. Cũng chính đặc trưng ấy mà công tác tiếp thị hay quảng bá, xúc tiến du lịch cũng có những yêu cầu, cách thức riêng. Trong đó, việc nắm bắt nhu cầu và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của du khách, được xem là vấn đề trọng tâm nhất. Nói cách khác, để công tác quảng bá du lịch đạt được hiệu quả cao nhất thì cần xác định được thị trường mục tiêu. Đồng thời, đưa ra các thông điệp, sản phẩm, dịch vụ và lắng nghe, tiếp nhận phản hồi từ thị trường khách để có sự điều chỉnh phù hợp.

Có một vấn đề đã đưa ra bàn thảo ở nhiều diễn đàn, nhiều cấp độ liên quan đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Rằng, quảng bá du lịch không chỉ là “việc riêng” của ngành du lịch. Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Đồng thời, việc xây dựng được một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh sẽ liên quan đến nhiều ngành, nhiều vùng, cho nên cần sự phối hợp từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp. Trong đó, nguồn lực từ Nhà nước đóng vai trò quan trọng, mang tính định hướng lâu dài. Còn sự tham gia của doanh nghiệp là rất cần thiết vì quyền lợi và kết quả hoạt động của chính doanh nghiệp đó khi thực hiện tốt công tác quảng bá du lịch. Chẳng hạn, kinh phí từ ngân sách thực hiện quảng bá du lịch có thể được sử dụng thông qua việc “đặt hàng” quảng cáo với các kênh truyền thông lớn, có tầm bao phủ và sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng. Từ đó, thu hút và góp phần định hướng thị trường khách. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho việc quảng bá các sản phẩm dịch vụ của mình như nghỉ dưỡng, tham quan, ăn uống, làm đẹp và dịch vụ bổ trợ khác... để thu hút khách hàng.

Du lịch là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, xu hướng, cách thức, nhu cầu du lịch của con người cũng đã có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như xu hướng tìm đến những khu, điểm du lịch tích hợp đầy đủ các yếu tố của một kỳ nghỉ như nghỉ dưỡng, tham quan, mua sắm, giải trí... Đồng thời, con người cũng ngày càng mong muốn được trải nghiệm những điều khác biệt, mới lạ như khám phá thiên nhiên, hay “du lịch 3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với cộng đồng địa phương). Chính vì lẽ đó, trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm thì càng cần chú trọng đến yếu tố đặc thù, khác biệt, nhằm tạo giá trị cạnh tranh. Đồng thời, xác định và quảng bá các giá trị cốt lõi, đặc trưng ấy đến du khách, nhằm khơi gợi nhu cầu, mong muốn và dẫn dắt, truyền cảm hứng du lịch cho họ.

Thêm một vấn đề đặt ra cho công tác quảng bá du lịch hiện nay, đó là cách thức thực hiện sao cho hiệu quả. Các phương thức quảng bá truyền thống như quảng bá trực quan bằng hệ thống biển quảng cáo; tham gia các hội chợ, sự kiện văn hóa, thể thao; xây dựng hệ thống ki-ốt thông tin du lịch tại các sân bay, nhà ga, cửa khẩu quốc tế; quảng bá trên báo chí và các kênh truyền hình... vẫn cần được duy trì. Song, hình thức quảng bá này đang cho thấy những hạn chế và nhất là sự “lép vế” của nó trước các phương tiện truyền thông hiện đại. Cho nên, quảng bá du lịch hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, không cách nào khác là phải sử dụng hiệu quả công cụ truyền thông số, nhất là sức mạnh của mạng xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm quảng bá du lịch trên nhiều nền tảng để tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều thị trường khách.

Những thách thức trong công tác quảng bá du lịch hiện nay cũng là vấn đề đang đặt ra đối với du lịch Thanh Hóa. Để từng bước khắc phục những khó khăn đó, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án “Truyền thông du lịch Thanh Hóa đến năm 2020”, làm định hướng cho công tác tuyên truyền phát triển du lịch. Theo đó, việc quảng bá du lịch được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức như xây dựng và phát sóng các chuyên đề, chuyên mục, phim tài liệu, phóng sự, ký sự, bản tin, bài viết, chương trình truyền hình thực tế về du lịch xứ Thanh. Xây dựng các ki-ốt cung cấp thông tin du lịch tại Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và Cảng Hàng không Thọ Xuân. Sản xuất gần 60.000 ấn phẩm các loại, đĩa DVD phim tư liệu, sách ảnh song ngữ và 10.000 tờ bản đồ du lịch Thanh Hóa, các loại tập san, tập gấp tuyên truyền du lịch. Lắp đặt 675 biển chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch, tạo thuận lợi cho hoạt động tham quan của du khách. Thường xuyên tham gia nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đón tiếp các đoàn đại sứ, báo chí truyền hình lớn của nước ngoài đến tham quan, quảng bá về Thanh Hóa (Đài BBC của Vương Quốc Anh, Đài NHK của Nhật Bản, China Daily của Trung Quốc...). Xây dựng và triển khai kế hoạch liên kết phát triển với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổ chức các đoàn khảo sát của báo chí, doanh nghiệp để nối tour tuyến và quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các mạng xã hội facebook, youtube cũng đã và đang góp phần đổi mới cả nội dung và hình thức quảng bá du lịch.

Cùng với việc chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước, vài năm gần đây, Thanh Hóa cũng đã quan tâm đến việc quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài. Điển hình là phối hợp với tỉnh Hủa Phăn tổ chức “Tuần lễ văn hóa Hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn năm 2017”. Phối hợp với tỉnh Seongnam (Hàn Quốc) tổ chức cho Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa cùng Đài Truyền hình ABN Seongnam, ký kiên bản ghi nhớ hợp tác tuyên truyền về hình ảnh hai địa phương. Tổ chức các đoàn công tác khảo sát, xúc tiến, kêu gọi đầu tư, trong đó có lĩnh vực du lịch tại thị trường các nước trong khu vực Asean, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo và châu Âu (Liên bang Nga, Đức)... Đồng thời, tổ chức các đoàn Farmtrip, Presstrip của Hàn Quốc về khảo sát, tuyên truyền các điểm đến du lịch của Thanh Hóa...

Trong định vị điểm đến, Thanh Hóa đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Đồng thời, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, đẳng cấp và chuyên nghiệp, nhằm mang đến sự hài lòng cho du khách. Đây cũng chính là thông điệp truyền thông mà Thanh Hóa muốn truyền tải đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Lê Dung


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]