(Baothanhhoa.vn) - Sầm Sơn là vùng đất có vốn văn hóa phi vật thể phong phú, mang đậm sắc thái văn hóa biển. Ở đó, mỗi một hòn núi, rặng cây đều gắn liền với những sự tích, huyền thoại do nhân dân sáng tạo nên. Mỗi di tích, danh thắng gắn liền với những huyền thoại, những thiên tình sử hay những lễ nghi dân gian độc đáo...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một không gian văn hóa phi vật thể đặc sắc

Một không gian văn hóa phi vật thể đặc sắc

Lễ hội bánh chưng – bánh dày.

Sầm Sơn là vùng đất có vốn văn hóa phi vật thể phong phú, mang đậm sắc thái văn hóa biển. Ở đó, mỗi một hòn núi, rặng cây đều gắn liền với những sự tích, huyền thoại do nhân dân sáng tạo nên. Mỗi di tích, danh thắng gắn liền với những huyền thoại, những thiên tình sử hay những lễ nghi dân gian độc đáo...

Lễ hội bánh chưng – bánh dày là một trong những lễ hội lớn nhất của Sầm Sơn, được tổ chức vào ngày 12-5 âm lịch hàng năm. Lễ hội được bắt đầu với những đoàn rước kéo dài trên khắp các cung đường chính và nổi bật với sắc đỏ - vàng rực rỡ của võng lọng, cờ, kiệu, trống chiêng. Theo sau các đoàn rước là các đoàn diễn trò dân gian, những mâm sơn trang, ngũ quả và đặc biệt là mâm lễ vật bánh chưng - bánh dày được các làng làm kỳ công để dâng lên thần linh. Các đoàn rước sẽ tập trung tại điểm cuối là sân đền Độc Cước, để thực hiện các nghi thức tế lễ. Đồng thời, tổ chức thi làm bánh chưng, bánh dày, thi đi cà kheo, thi hát dân ca, hội vật, cờ người... Trong đó, đặc sắc và sôi động nhất là thi làm bánh dày.

Để tham gia thi, mỗi làng thường sẽ chọn ra 7 người có sức khỏe, có kinh nghiệm làm bánh và chuẩn bị các vật dụng cần thiết như cối đá, chày gỗ, mâm đồng đặt bánh, nước sạch, củi lửa, một thúng nếp đã được ngâm sẵn. Tất cả các bước để làm ra một chiếc bánh theo quy định cuộc thi, đều được thực hiện ngay dưới sân đền, bao gồm việc đồ xôi, giã xôi, nặn bánh. Cuộc thi diễn ra giữa những thanh âm náo nhiệt của trống hội và tiếng reo hò cổ vũ của các làng cùng du khách. Khi thời gian đã hết, làng nào có bánh mịn, đẹp, đúng kích thước sẽ đạt giải nhất. Lễ hội bánh chưng – bánh dày là sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng đặc sắc của cư dân ngư nghiệp Sầm Sơn. Tất cả các nghi thức hay hội thi diễn ra trong lễ hội đều nhằm hướng đến cầu cho biển lặng gió êm, mùa màng tươi tốt, làng xóm bình yên và ngư dân vào lộng ra khơi tôm cá đầy thuyền.

Sầm Sơn là mảnh đất của những huyền thoại, mà nổi tiếng hơn cả là huyền thoại thần Độc Cước, huyền thoại Trống Mái, sự tích Bà Triều gắn liền với các di tích. Đền Độc Cước được lập từ thời Trần, dựng lại vào thời Lê và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Di tích này được người đời “thiêng hóa” xuất phát từ câu chuyện về vị thần được thờ phụng: Thần Độc Cước – vị thần bảo vệ bình yên cho cư dân vùng cửa biển này. Đồng thời, ẩn sâu bên trong sự huyền bí được thêu dệt ấy là khát vọng chinh phục tự nhiên, chống lại thiên tai địch họa của cha ông ta để gây dựng cuộc sống. Đền thờ Thần Độc Cước từ lâu đã rất quen thuộc với nhiều người dân xứ Thanh. Gắn với quan niệm “mẹ Phủ Na, cha Độc Cước”, đây là điểm đến tâm linh hấp dẫn của khách thập phương vào các dịp lễ, tết.

Với địa thế là vùng đất mở, cho nên tôn giáo, tín ngưỡng cư dân vùng biển Sầm Sơn vừa mang đậm yếu tố bản địa, vừa có sự giao lưu, tiếp nhận các yếu tố văn hóa mới. Quá trình khai phá đất đai và lấn biển lâu dài, đã hình thành trong niềm tin tín ngưỡng tâm linh của cư dân bản địa vào những lực lượng siêu nhiên. Đó là thần Độc Cước, thần Núi, thần Biển, thần Mặt Trăng... Đồng thời, Phật giáo cũng xuất hiện đậm nét tại chùa Khải Minh, chùa Lương Trung và Chùa Ải; Đạo Lão, Đạo Nho trong các đền Tô Hiến Thành, đền Hoàng Minh Tự, đền Đô Đốc; Đạo Mẫu ở đền Cô Tiên, đền Bà Triều và một số đền, chùa khác.

Sống nơi cửa biển, cho nên quá trình vật lộn với sóng gió biển cả, cư dân nơi đây đã nắm bắt được quy luật của thời tiết, của triều cường, con nước, đá ngầm, vực xoáy... Từ đó, tích lũy nhiều tri thức và kinh nghiệm sống, lao động sản xuất để truyền lại cho các thế hệ. Họ vẫn thường nhắc nhau rằng: “Tốt gió ta chạy buồm ba/ Nhược bằng không gió chúng ta cầm chèo/ Gió Nam phảng phất thẳng lèo/ Anh em ta lại gác chèo nghỉ tay...”; hay “Tháng tám rung trên/ Tháng năm rung dưới, nồm lên ào ào/ Dòm ra thấy sóng ngả vào/ Cá lớn cá nhỏ, cá nào cũng đi...”. Cũng bởi “ăn sóng nằm gió” nên cư dân ngư nghiệp Sầm Sơn đã sáng tạo nên một kho tàng dân ca, dân vũ gắn với sinh hoạt và sản xuất. Tiêu biểu trong đó là các điệu hò kéo thuyền, hò kéo lưới (rùng), hò vá lưới, hò ra khơi, hò đi cấy, hò đi cày, hò đi chợ... thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời và vượt lên gian khó của con người. Ngoài ra, còn phải kể đến hệ thống ca dao, tục ngữ phản ánh đời sống sinh hoạt của cư dân vùng biển, với nhiều cung bậc tình cảm: “Nực tháng ba, nồm hoa tháng tám/ Tháng giêng, tháng bảy kề tà.../ Hai lăm, mười một cũng hồi nước sinh/ Bao giờ cho đến tháng mười/ Thì con đi lộng, ra khơi mặc lòng...”.

Kho tàng văn hóa phi vật thể độc đáo ấy, là thành quả của một quá trình đấu tranh sinh tồn lâu dài, của những cư dân vùng cửa biển Sầm Sơn. Di sản ấy được tích lũy, vun đắp và trao truyền để làm phong phú cũng như nâng đỡ đời sống tinh thần cho con người nơi đây. Đồng thời, góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị của phức hợp di sản – danh thắng Sầm Sơn.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]