(Baothanhhoa.vn) - Một buổi sáng giá lạnh và đầy nắng. Tạm dẹp sang một bên những lo toan thường trực cứ ngổn ngang và bó chặt lấy đầu óc, tôi quyết tâm “xách ba lô lên và... đi” theo tiếng gọi của rừng. Nói cho văn vẻ vậy thôi, chứ thật ra đi chỉ là để đáp lại lời mời thiết tha của người bạn lớn tuổi, mà gần 10 năm nay tôi chưa gặp lại. “Trở lại đi, bản nay đã khác lắm rồi”...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch sinh thái – cộng đồng xứ Thanh

Một buổi sáng giá lạnh và đầy nắng. Tạm dẹp sang một bên những lo toan thường trực cứ ngổn ngang và bó chặt lấy đầu óc, tôi quyết tâm “xách ba lô lên và... đi” theo tiếng gọi của rừng. Nói cho văn vẻ vậy thôi, chứ thật ra đi chỉ là để đáp lại lời mời thiết tha của người bạn lớn tuổi, mà gần 10 năm nay tôi chưa gặp lại. “Trở lại đi, bản nay đã khác lắm rồi”...

Du lịch sinh thái – cộng đồng xứ Thanh

Pù Luông hấp dẫn ở vẻ hoang sơ và những nếp nhà sàn lọt giữa thung lũng.

Bản Nủa (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) đón tôi trong cái rét tê tái giữa ngày đông đậm đặc và gió lạnh thổi từng hồi sàn sạt trên những dãy núi xám bạc sương sớm. Đại ngàn Pù Luông mùa này thiếu vắng những thửa ruộng bậc thang vàng trĩu lúa chín. Lúa giờ đã nằm im thin thít trong bồ nơi góc nhà sàn, chỉ trơ lại từng mảng gốc rạ xám đi trong giá rét và sương muối. Thế nhưng, sự khoáng đạt của bầu trời buổi sáng, pha loãng bầu không khí trong lành của núi rừng, vẫn đủ khiến ta khoan khoái không thôi. Trong căn nhà sàn rộng rãi, chắc chắn và sạch sẽ, vừa được khánh thành cách đây chưa lâu, bạn tôi – người đàn ông cao gầy, chất phác, miệng luôn thường trực nụ cười – vừa thăm hỏi, vừa kể tôi nghe việc bản, việc mường. Dẫu rằng, vẫn thường xuyên liên lạc, lại thêm zalo, facebook đã “phủ sóng” tận bản, nhưng bấy nhiêu công nghệ cũng chẳng thể nào sánh nổi với cái bắt tay thật chặt và lời hỏi thăm sức khỏe đường xa, đủ làm ấm dạ lữ khách ngày đông. Vậy đấy, ấm áp và dễ chịu là điều tôi tìm được từ đất và người nơi đây. Và cũng chỉ cần có bấy nhiêu là đủ cho một chuyến đi dài.

Cũng như nhiều bản làng người Thái, người Mường trong vùng, bản Nủa lọt thỏm giữa thung lũng tứ bề chỉ núi là núi. Cách đây chừng chục năm, khi tôi lần đầu đến bản, Nủa trông cũ kĩ và trầm trầm như biết mấy bản làng vùng cao tôi từng qua và chẳng thể nhớ nổi tên. Nhưng tôi còn nhớ rõ đó là một chiều mùa đông, khi chúng tôi chạy xe từ thị trấn Cành Nàng vào bản, thì lớp sương bàng bạc cuối ngày kéo xuống từ vô số sóng núi đã che khuất hết mấy chục nóc nhà. Ngủ lại một đêm ở Nủa chờ sáng sớm lên đường đi Cao Sơn (Son-Bá-Mười), tôi đã gặp người bạn tôi bây giờ và được vợ chồng anh thết đãi mấy món ăn bản địa. Thú thật là tôi chẳng nhớ nỗi đó là món gì, nhưng tôi biết lúc ấy chúng tôi đã xúc động biết chừng nào trước lòng mến khách của những con người vừa quen biết. Từ chuyến đi đó, tôi có quay trở lại Nủa thêm đôi lần nhưng không nán lại lâu. Lần này trở lại, Nủa đúng là khác thật. Không chỉ khác do bản có thêm nhiều nếp nhà sàn mới và đường ngõ cũng sạch sẽ phong quang hơn; mà nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân dường như cũng rộn hơn, vui hơn chứ không phải cái không khí trầm trầm, lặng lặng ngày trước.

“Cảm giác như bản được khoác lên tấm áo mới”, đó là điều tôi rút ra sau một hồi đi vòng vòng quanh bản. “Thành quả” tôi đúc kết được khiến anh bạn tôi tâm đắc vô cùng. Tôi hỏi lý do, anh cười: “Tất cả là nhờ làm du lịch cộng đồng cả đấy”. Câu chuyện anh kể ngược lại thời gian cách đây chừng bảy, tám năm, khi dự án du lịch sinh thái Pù Luông (hay dự án xây dựng tổ chức cộng đồng trong phát triển và quản lý các hoạt động du lịch dựa vào thiên nhiên, hỗ trợ người nghèo trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông) được triển khai. Buổi đầu bắt tay làm du lịch, những người chỉ quen với ruộng rẫy nào đã biết gì đến “hello”, “goodbye”, “thank you” để giao tiếp với khách tây; càng không biết cái gì là văn hóa du lịch và làm thế nào để thu hút du khách. Được sự hỗ trợ từ phía Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, các hộ dân tham gia dự án tại bản Nủa và các bản Hin, Kịt, Son (xã Lũng Cao), bản Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Hiêu (xã Cổ Lũng), đã sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh, bếp lò cải tiến, di dời khu chăn nuôi..., tạo điều kiện thiết yếu nhất để đón và phục vụ khách du lịch.

Khi Chi hội du lịch cộng đồng Pù Luông được thành lập, anh bạn tôi được bầu là chi hội trưởng. Vậy là công việc mới, cộng thêm trách nhiệm nặng nề đã buộc anh biến cuộc “thử nghiệm” này thành việc làm nghiêm túc. Sau nhiều lần được tập huấn, bồi dưỡng để trang bị phần nào kiến thức cùng kỹ năng làm du lịch cộng đồng, những người quanh năm bám lấy nương rẫy như anh đã bắt đầu biết chế biến các món truyền thống sao cho cầu kỳ, đẹp mắt và ngon miệng hơn; có ý thức hơn trong giữ gìn vệ sinh sạch sẽ từ nhà ra ngõ; biết cười khi đón khách, thể hiện sự biết ơn và tình cảm chân thành khi chia tay; biết làm sống lại điệu xòe Thái hay câu hát tình tứ quanh bếp lửa nhà sàn... Từ số lượng ít ỏi buổi đầu, nay Pù Luông đã có gần 70 hộ làm du lịch cộng đồng homestay. Việc thu hút đầu tư cũng bước đầu mang lại kết quả, khi có nhiều điểm du lịch đẹp đã và đang đưa vào khai thác, trong đó, điển hình nhất là Pù Luông retreat và Pù Luông Eco Garden.

Bỏ lại nhiều khó khăn và bỡ ngỡ buổi đầu, những người làm du lịch như anh bạn tôi giờ đã nhiều kinh nghiệm lắm. “Ngày trước, đụng đâu cũng sợ sai, sợ thiếu, sợ không làm được. Giờ thì quen lắm rồi, chỉ cần khách gọi trước một vài tiếng là mình đã xoay được thực phẩm để làm đủ món ngon từ lợn quay, vịt quay, cá hấp, gà đồi, rau rừng đến cơm lam, rượu ngô, rượu gạo, nước ngọt...”, anh kể. Đặc biệt, hầu hết thực phẩm đều do các hộ trong bản nuôi, trồng được để cung cấp cho các hộ làm homestay. Vậy là, không chỉ các hộ trực tiếp làm du lịch có lợi, mà du lịch cũng đang mang lại nguồn lợi cho nhiều đối tượng. Chưa hết, vì muốn khách hài lòng và sẽ còn quay lại, nên các hộ làm homestay đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, cũng như chú ý nhiều hơn đến lời ăn tiếng nói trong khi giao tiếp, phục vụ. Đặc biệt, thay vì thụ động chờ khách đến, anh bạn tôi và nhiều người làm du lịch đã biết tự quảng bá cho mình thông qua mạng xã hội và thông qua du khách để tạo thêm một kênh “chào bán” sản phẩm. Ngoài ra, nhiều người trong số họ đã biết tiếp thu các ý kiến đóng góp từ phía khách du lịch để làm tốt hơn; cũng như biết đặt sự an toàn của du khách lên hàng đầu khi chú trọng nhiều hơn đến công tác bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm...

Du lịch sinh thái hay sinh thái – cộng đồng lấy thiên nhiên làm yếu tố căn bản. Để rồi, vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều bí ẩn, cùng sự bình yên và nhịp sống chậm rãi của những làng bản lọt giữa các thung lũng, chính là “đặc sản” riêng có của sản phẩm này. Và, nếu lấy các yếu tố ấy làm căn cứ thì có thể khẳng định, Thanh Hóa đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch sinh thái vô cùng phong phú. 11 huyện miền núi đang chiếm tới 3/4 tổng diện tích toàn tỉnh và đây cũng là khu vực có khí hậu mát mẻ, trong lành, hệ sinh thái rừng nguyên sinh, núi đá vôi, hang động, sông hồ phong phú. Cùng với đó là văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, được thể hiện qua tập tục sinh hoạt, ẩm thực, âm nhạc, nghề cổ truyền... vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn trong các bản làng. Để khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, nhằm góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững; vài năm gần đây, trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, tỉnh Thanh Hóa đã có sự quan tâm và ưu tiên đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực... phục vụ du lịch sinh thái – cộng đồng.

Trong thực tế, một số huyện có tiềm năng lớn như Thường Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh cũng đã xác định được vai trò của du lịch đối với tương lai phát triển địa phương. Do đó, nhiều dự án, đề án liên quan đến lĩnh vực này đã và đang được xây dựng và từng bước triển khai thực hiện. Điển hình là suối cá Cẩm Lương đã được đưa vào khai thác từ khá sớm và gần đây nhất đã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch sinh thái – cộng đồng tại Pù Luông, Pù Hu, Xuân Liên, Bến En cũng từng bước được đưa vào khai thác, phát triển. Tuy thời gian khai thác chưa dài, nhưng với những kết quả bước đầu khả quan - ví như năm 2018 đón được 38.050 lượt khách - Pù Luông đang nổi lên như một điểm sáng mới của du lịch Thanh Hóa. Và nếu trong thời gian tới, Pù Luông tiếp tục nhận được sự quan tâm của tỉnh trong kêu gọi, thu hút đầu tư và xúc tiến, quảng bá, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn và có thể khẳng định được thương hiệu riêng. Cùng với Pù Luông, Xuân Liên cũng là một “kho vàng xanh” đang chờ được khám phá và Bến En ví như viên ngọc thô quý chờ tay người mài dũa để tỏa sáng.

...

Có lẽ không quá khi nói, năm 2018 là năm mà du lịch sinh thái - cộng đồng có sự lên tiếng khá mạnh mẽ, để từng bước khẳng định chỗ đứng trong cơ cấu sản phẩm du lịch Thanh Hóa. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, để loại hình du lịch này phát triển và có thể trở thành một “mũi nhọn”, thì những thách thức trước mắt là không ít. Một trong những khó khăn lớn nhất và dễ thấy nhất trong phát triển của du lịch sinh thái, sinh thái - cộng đồng ở các huyện miền núi hiện nay là hệ thống hạ tầng và các dịch vụ phục vụ du lịch vừa thiếu lại vừa yếu. Trong đó, đường giao thông kết nối nội vùng và ngoại vùng chưa đồng bộ; các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện nước... tại các điểm đến rất ít hoặc chưa có. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế về trình độ và kỹ năng nghề, đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động du lịch cộng đồng. Sản phẩm du lịch và dịch vụ vẫn khá nghèo nàn, chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là khách quốc tế. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch mới còn hạn chế...

Những khó khăn kể trên, thiết nghĩ, có thể được giải quyết một cách căn bản bằng các giải pháp chính sách và nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển du lịch sinh thái, du lịch sinh thái - cộng đồng, vốn lấy thiên nhiên và văn hóa bản địa làm điều kiện “cần”, thì nguồn lực lại không phải là tất cả. Bởi, làm “du lịch xanh” cũng giống như trò chơi đi trên dây vậy và do đó, nó đòi hỏi người đi phải giữ được sự cân bằng tốt nhất. Giá trị mang lại từ loại hình du lịch này là không thể phủ nhận. Song, phải làm sao cho “khéo” để du lịch không trở thành nhân tố hủy hoại môi trường tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái và gây biến dạng văn hóa bản địa.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]