(Baothanhhoa.vn) - Xu hướng tìm về các giá trị văn hóa xưa, thông qua việc tìm hiểu, khám phá quá trình sản xuất ra một sản phẩm thủ công đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Và, như một lẽ tự nhiên, sự phát triển của sản phẩm du lịch làng nghề sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào các làng nghề truyền thống, vốn đang khá trầm lắng hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch làng nghề: Cần “cú hích” để phát triển

Xu hướng tìm về các giá trị văn hóa xưa, thông qua việc tìm hiểu, khám phá quá trình sản xuất ra một sản phẩm thủ công đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Và, như một lẽ tự nhiên, sự phát triển của sản phẩm du lịch làng nghề sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào các làng nghề truyền thống, vốn đang khá trầm lắng hiện nay.

Hàng thủ công mỹ nghệ từ vỏ trai, ốc của người dân Sầm Sơn.

Tiềm năng lớn

Các làng nghề truyền thống không đơn thuần là một tổ hợp kinh tế, mà là sự hội tụ các giá trị tinh hoa của kỹ thuật, nghệ thuật, nơi nuôi dưỡng nên những nghệ nhân tài hoa và những sản phẩm mang đậm bản sắc, sự tinh tế, khéo léo và độc đáo. Bởi vậy, việc gìn giữ các nghề và làng nghề không chỉ là gìn giữ một phương thức sản xuất truyền thống được hoàn thiện qua nhiều thế hệ; gìn giữ một chất keo giúp gắn bó và cố kết cộng đồng làng xã; gìn giữ vốn tri thức dân gian được đúc kết trong các sản phẩm tinh xảo vốn là sự hiện thực hóa của bàn tay và khối óc người thợ...; mà còn là gìn giữ nếp sinh hoạt truyền thống của lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán... vốn đã gắn chặt với sự hình thành, tồn tại và phát triển của một làng nghề qua hàng trăm năm. Có thể nói, với những gì được bảo lưu, gìn giữ trong bản thân nó, mỗi làng nghề là một bức tranh thu nhỏ về văn hóa làng Việt – vốn là giá trị hạt nhân, tiêu biểu của văn hóa dân tộc – với đầy đủ những giá trị tích cực và cả những bất cập cần mạnh dạn thay đổi cho phù hợp xu thế và nhu cầu phát triển.

Dù không thể so sánh với các mảnh đất trăm nghề vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, song Thanh Hóa cũng là địa phương có hàng chục làng nghề truyền thống nổi tiếng, trong đó, có những làng nghề đã xuất hiện trong “chỉ dẫn địa lý dân gian” từ rất sớm. Với cư dân vùng cửa biển Nga Sơn, câu ca dao quen thuộc “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng, vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông” luôn là niềm tự hào của biết mấy thế hệ người đã quần tụ sinh sống và làm nên những làng quê trù mật. Nghề làm chiếu cói không chỉ là nghề tạo việc làm và thu nhập, mà chính lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển đến giai đoạn rực rỡ nhất của nó đã biến cái nghề tưởng chừng đơn thuần ấy trở thành một loại “tín ngưỡng”, thể hiện sự biết ơn của con người với tự nhiên và nhất là với loài cây dẻo dai, đã cùng con người chiến đấu và bám trụ nơi mảnh đất đầu sóng ngọn gió. Ngày nay, khi thói quen tiêu dùng thay đổi và nhất là khi nhiều sản phẩm cùng loại ra đời, mà yếu tố rẻ, bền, đẹp, tiện dụng được ưu tiên hàng đầu, thì chiếu cói cơ hồ đã mất đi vị thế của nó trong đời sống. Để xoay xở với thời cuộc, chính quyền huyện Nga Sơn và hàng chục làng nghề làm chiếu đã phải tìm hướng đi mới cho cây cói, với việc đa dạng hóa các sản phẩm từ cói và tìm kiếm thị trường cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Dẫu gặp không ít khó khăn, song tinh thần, ý thức và nhiều hành động thiết thực nhằm gìn giữ nghề tổ truyền đã có thương hiệu từ xa xưa của cư dân nơi đây luôn là điều rất đáng trân trọng.

Cùng với chiếu cói Nga Sơn, Thanh Hóa còn nhiều làng nghề truyền thống đã tạo được tiếng vang, nhờ chất lượng các sản phẩm và sự kỳ công, sáng tạo của người thợ. Đó là các sản phẩm mỹ nghệ từ đồng, đá, gỗ, mây tre và các nghề làm nước mắm, rượu, bánh, nem chua... đã góp phần tạo dựng nên địa danh xứ Thanh - với tư cách một vùng văn hóa đa dạng và giàu bản sắc. Nhưng rồi, cùng với quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế và các hàng hóa ngày càng dồi dào, phong phú về chủng loại, đa dạng về chất lượng; và, như một lẽ tất yếu, các sản phẩm làm ra từ các làng nghề đã phải trải qua quá trình “đào thải tự nhiên” để giữ lại những nghề và làng nghề đáp ứng yêu cầu mới. Đó cũng đồng thời là quá trình tự lực cánh sinh với đầy chật vật, mà sự biến mất của nhiều nghề hay sự tồn tại một cách yếu ớt của không ít làng nghề đã đặt ra câu hỏi với các địa phương, đó là làm thế nào để duy trì và phát triển một cách hiệu quả và bền vững các làng nghề trong bối cảnh hiện nay? Trong nhiều giải pháp đã được đề cập, thì du lịch là một hướng tiếp cận nhận được nhiều sự quan tâm và kỳ vọng. Bởi, xu hướng tìm về các giá trị văn hóa xưa, thông qua việc tìm hiểu, khám phá quá trình sản xuất ra một sản phẩm thủ công đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Và, như một lẽ tự nhiên, sự phát triển của sản phẩm du lịch làng nghề sẽ thổi một luồng sinh khí mới vào các làng nghề truyền thống, vốn đang khá trầm lắng hiện nay.

Cần “cú hích”

Thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng, khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch làng nghề cho thấy, sản phẩm này đang có nhiều tác động tích cực đến việc duy trì và phát triển của làng nghề. Trong đó, đáng kể nhất là nó góp phần thôi thúc các nghệ nhân tích cực cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người làm nghề. Đồng thời, giúp nâng cao ý thức giữ gìn cảnh quan tự nhiên, bảo vệ môi trường và nếp sinh hoạt văn hóa cổ truyền của cư dân bản địa. Là địa phương có nhiều làng nghề lâu đời, Thanh Hóa đang có điều kiện thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề. Xuất phát từ cơ sở thực tiễn đó, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Quyết định số 3136/QĐ-UBND, ngày 25-9-2014 về phê duyệt quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 15 làng nghề đã được chọn để đầu tư phát triển trở thành điểm du lịch làng nghề trong giai đoạn 2016 - 2020, như làng nghề bánh gai Tứ Trụ (xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân); làng nghề sản xuất chiếu cói (Cụm công nghiệp liên xã thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn); làng nghề Đúc đồng (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa); làng nghề dệt thổ cẩm (xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy); làng nghề nước mắm Ba Làng (xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia)...

Cùng với đó, Quyết định số 3136 cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, 15 làng nghề này sẽ thu hút được 57.000 lượt khách quốc tế và 1,3 - 1,5 triệu lượt khách nội địa. Từ đó, từng bước khai thác các sản phẩm đặc trưng của làng nghề, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa; kết hợp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử gắn với các thương hiệu, sản phẩm truyền thống của địa phương, đưa du lịch làng nghề trở thành điểm nhấn và là sản phẩm du lịch đặc sắc của du lịch Thanh Hóa. Ngoài ra, phát triển du lịch làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới của các địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, đến năm 2020, 15 làng nghề sẽ có 3.274 cơ sở sản xuất (trong đó có từ 65 - 70% là doanh nghiệp, HTX); tạo việc làm cho 12.400 lao động; tổng doanh thu đạt 670 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 5 triệu USD; xây dựng 4 khu trưng bày - giới thiệu sản phẩm tại TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn.

Quyết định số 3136 có thể xem là định hướng cho việc xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề. Vấn đề còn lại là đầu tư để sản phẩm này được định hình và hoàn thiện. Song, nhìn vào thực trạng khai thác và phát triển du lịch làng nghề ở tỉnh ta hiện nay, rất khó để đánh giá mức độ hay hiệu quả của nó, nếu không nói là phần lớn các mục tiêu hiện vẫn đang dừng lại ở bước... chủ trương hay định hướng mà thôi! Đa số các làng nghề trong quy hoạch hầu như chưa tiếp cận đến khái niệm “du lịch”; trong khi, một số làng nghề (đúc đồng, chiếu, bánh gai), dù đã được quảng bá khá nhiều và đưa vào giới thiệu trong các tour, tuyến du lịch của một số đơn vị lữ hành, song lượng tìm đến vẫn còn rất khiêm tốn. Đây là điều có thể lý giải được, bởi để hình thành và hoàn thiện sản phẩm du lịch này, các làng nghề cần được đầu tư toàn diện, với hàng chục hạng mục như khu đón tiếp khách, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, khu sản xuất tập trung và cải tạo, sắp xếp sản xuất các cơ sở làm nghề; hệ thống hạ tầng điện, thoát nước, xử lý môi trường.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng không thể không chú trọng đến việc vinh danh các nghệ nhân dân gian; đào tạo nghề cho người lao động và đào tạo năng lực quản trị doanh nghiệp cho lãnh đạo các HTX, doanh nghiệp; quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu; đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch, xúc tiến thương mại cho các nghệ nhân và người dân bản địa. Ngoài ra, các địa phương còn phải bổ sung quy hoạch sử dụng đất, cũng như bố trí đủ đất cho nhu cầu phát triển làng nghề; hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong làng nghề du lịch. Đồng thời, quan tâm đến xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề; chú trọng vấn đề sở hữu trí tuệ, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng và đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm... Để hoàn thành các yêu cầu trên, cần hàng trăm tỷ đồng - một con số không nhỏ đối với địa phương. Cũng chính vì lẽ đó mà sản phẩm du lịch làng nghề, dù được đánh giá cao về tiềm năng, song vẫn chưa thể khai thác và mang lại kết quả như kỳ vọng, nếu không có một “cú hích” thực sự mạnh mẽ, cùng cách làm du lịch phù hợp.


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]