(Baothanhhoa.vn) - Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong phát triển du lịch hiện nay, là hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, môi trường là nhân tố cần được chú trọng trước tiên, bởi đây là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả phát triển du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ môi trường cho du lịch bền vững

Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong phát triển du lịch hiện nay, là hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, môi trường là nhân tố cần được chú trọng trước tiên, bởi đây là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả phát triển du lịch.

Bảo vệ môi trường cho du lịch bền vững

Biển Sầm Sơn thu hút đông du khách những ngày hè.

Cứ mỗi dịp hè, Sầm Sơn thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, do lượng khách lớn, đặc biệt là khi diễn ra các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Tính riêng năm 2019, thành phố đã đón 4,95 triệu lượt khách và phục vụ được 9,75 triệu ngày khách. Đây đều là những con số phản ánh kết quả tăng trưởng du lịch ấn tượng của Sầm Sơn. Song, nếu nhìn ở góc độ môi trường, thì những con số này quả thực cũng gây ra không ít áp lực cho chính quyền thành phố. Bởi khách đổ về đông đúc không chỉ gây sức ép lên các cơ sở lưu trú, ăn uống, vui chơi, thăm thú, các bãi tắm; mà còn là một tác nhân làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên khi lượng rác thải, nước thải đều tăng cao. Để hạn chế tối đa những tác động không mong muốn, thành phố đã tích cực triển khai nhiều biện pháp. Trong đó có việc tổ chức tổng vệ sinh môi trường toàn thành phố để chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội du lịch. Bên cạnh đó, việc thu gom rác thải trên các tuyến phố được Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn thực hiện thường xuyên. Đặc biệt vệ sinh môi trường khu vực bãi biển được Công ty FLC - BOT và Công ty CP Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn duy trì tốt. Nhờ đó, các bãi biển luôn sạch đẹp và nhận được nhiều lời khen của du khách.

Song song với vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên; chính quyền thành phố cũng quan tâm đến việc cải thiện và nâng cao môi trường xã hội – văn hóa. Năm 2019, thành phố đã tổ chức khai trương tuyến phố đi bộ kết hợp với kinh doanh các mặt hàng lưu niệm, giải khát tại tuyến đường Thanh Niên. Qua đó, thành phố du lịch có thêm không gian để du khách có thể đi bộ, thưởng thức các chương trình nghệ thuật, kết hợp với mua sắm hàng lưu niệm, ăn uống. Thành phố cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để triển khai nhiều dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông đô thị và các dự án quan trọng khác, như dự án Quảng trường biển, Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ, học sinh, sinh viên miền Nam tập kết ra Bắc... Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn cũng đã đầu tư trên 360 tỷ đồng để xây mới, nâng cấp các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai hiệu quả một số lễ hội đặc sắc như lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái, lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, lễ hội bánh chưng – bánh dày... phục vụ phát triển du lịch.

Ngày nay, khách du lịch không chỉ tìm kiếm niềm vui từ những chuyến đi thoải mái; mà còn mong muốn được trải nghiệm các nền văn hóa, để làm phong phú thêm kiến thức, vốn hiểu biết. Do đó, môi trường tự nhiên và nhân văn phải được bảo vệ, cộng đồng dân cư bản địa phải được tôn trọng. Trong khi đó, du lịch tác động đến môi trường ở cả 2 chiều hướng, có mặt tích cực và cả mặt tiêu cực. Đồng thời, môi trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng du lịch. Cho nên, giữa môi trường và du lịch có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ và cần được quan tâm thỏa đáng. Mặt khác, du lịch mang lại nhiều nguồn lợi lớn, đóng góp cho nền kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Cho nên, các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương càng cần quan tâm đến những tác động tiêu cực phát sinh từ du lịch đến kinh tế, xã hội và nhất là môi trường.

Có một thực tế là, tăng trưởng nhanh cũng thường đi kèm với những hệ lụy không mong muốn. Trong đó, “gánh nặng” môi trường là một hệ lụy nhãn tiền, nhất là tại các khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng biển. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Song không thể phủ nhận, một số chính quyền địa phương và doanh nghiệp thường quan tâm nhiều hơn đến việc làm thế nào để thu hút càng nhiều khách càng tốt; chứ chưa tập trung vào chất lượng khách. Đồng thời, cũng chưa quan tâm đến yếu tố sức chứa của điểm đến du lịch. Trong khi, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, việc bảo vệ môi trường cần được nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu khả năng sức chứa của điểm đến. Bởi lẽ, chỉ khi xác định được khả năng thực tế của điểm đến (ở mọi khía cạnh từ không gian, thời gian, quy hoạch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, năng lực quản lý điều hành, nguồn nhân lực và năng lực cung cấp dịch vụ, hàng hóa), có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho một lượng khách du lịch nhất định, ở một thời điểm nhất định; thì khi ấy mới có thể “điều tiết” được lượng khách phù hợp với khả năng cung ứng dịch vụ. Từ đó, tránh quá tải và gây áp lực cùng những ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường tự nhiên và văn hóa.

Ngược lại, nếu các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp không tự mình biết được khả năng của mình và “chạy đua” theo các con số tăng trưởng, thì hệ quả trước mắt là làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch. Còn hệ quả lâu dài có thể làm triệt tiêu động lực, mong muốn quay trở lại của du khách. Đồng thời, ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu du lịch địa phương. Thậm chí, có người còn so sánh rằng, những hệ lụy từ tăng trưởng nóng du lịch có thể khiến cho nhiều địa phương có khi chỉ thu được 1 đồng từ du lịch, nhưng phải bỏ ra 3 đồng để làm sạch môi trường.

Bảo vệ môi trường góp phần thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Đây vừa là phương châm hành động, vừa là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển du lịch. Muốn vậy, không thể dừng lại ở những khẩu hiệu tuyên truyền chung chung, hay những giải pháp mang tính trước mắt để giải quyết tình thế. Hơn hết, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và khách du lịch cần nhìn nhận đúng tính cấp bách và cần thiết của vấn đề bảo vệ môi trường trong du lịch. Từ đó, xây dựng được các giải pháp chính sách phù hợp và có những hành động quyết liệt hơn, nhằm mang lại kết quả thiết thực hơn.

Bài và ảnh: K.N


Bài Và Ảnh: K.N

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]