(Baothanhhoa.vn) - Sự xáo trộn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì việc giải quyết những vướng mắc về tâm tư, nguyện vọng của cán bộ dân số cũng được xem là giải pháp quan trọng, cần thiết trong thời gian tới!

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Vùng trống” công tác dân số

Sự xáo trộn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới, ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì việc giải quyết những vướng mắc về tâm tư, nguyện vọng của cán bộ dân số cũng được xem là giải pháp quan trọng, cần thiết trong thời gian tới!

“Vùng trống” công tác dân số

Nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng về can thiệp mắc bệnh thalassemia cho người dân xã Tam Chung (Mường Lát).

Nhiều cán bộ dân số “bỗng dưng” mất việc

Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những thành tựu quan trọng: Quy mô dân số trong tầm kiểm soát, cơ cấu dân số chuyển dịch theo hướng tích cực, chất lượng dân số được nâng lên đáng kể. Nhiều chỉ tiêu về dân số năm 2019 được cải thiện so với năm 2015: Tuổi thọ trung bình tăng từ 73,5 tuổi lên 74 tuổi, tỷ số giới tính khi sinh giảm dần về mức cân bằng tự nhiên từ 116 bé trai/100 bé gái xuống 114 bé trai/100 bé gái, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân dưới 1% mỗi năm, tổng tỷ suất sinh giảm từ 2,75 con/phụ nữ xuống 2,54 con/phụ nữ; số người được cung cấp dịch vụ KHHGĐ ngày càng tăng, đặc biệt là khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; phân bố dân cư gắn với quá trình đô thị hóa đã dần hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Đạt được kết quả khả quan trên, một phần rất quan trọng là nhờ vào hệ thống cán bộ dân số tương đối đầy đủ từ tỉnh đến huyện, xã, đặc biệt là đội ngũ cán bộ dân số xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cán bộ dân số xã) và cộng tác viên dân số thôn, bản, tổ dân phố.

Giai đoạn trước năm 2019, hệ thống cán bộ dân số được kiện toàn tương đối đầy đủ: Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dân số trên địa bàn tỉnh, 27 trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố; 635 cán bộ dân số xã; 7.435 cộng tác viên dân số tại thôn, bản, tổ dân phố (mỗi thôn, bản, tổ dân phố có 1 cộng tác viên dân số).

Đến năm 2019, trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố được sáp nhập vào trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố theo Quyết định số 1683/QĐ-UBND ngày 7-5-2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức lại trung tâm y tế cấp huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ và trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở Y tế; thành lập phòng dân số - truyền thông giáo dục sức khỏe, mỗi phòng có 5 - 6 cán bộ.

Trước năm 2019, toàn tỉnh có 7.435 cộng tác viên dân số tại thôn, bản, tổ dân phố, trung bình mỗi cộng tác viên phụ trách từ 100 - 300 hộ, được hưởng phụ cấp 100.000 đồng/người/tháng. Đến năm 2019, theo Quyết định số 3508/QĐ-UBND ngày 19-9-2018, giao chức năng, nhiệm vụ công tác dân số do các cộng tác viên dân số đang đảm nhiệm sang cho nhân viên y tế thôn, bản đảm nhiệm chỉ còn 3.887 nhân viên y tế thôn, bản kiêm nhiệm công tác dân số; tại các khu phố không có nhân viên y tế thì cũng không có cán bộ theo dõi công tác dân số. Đến năm 2020 chỉ còn 288 nhân viên y tế (kiêm nhiệm công tác dân số) tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn, không còn chức danh cán bộ dân số xã theo Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Theo đó, 635 cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ trước năm 2020 (sau khi sáp nhập thôn, xã còn 559 người) hầu hết có thời gian công tác hơn chục năm cũng “bỗng dưng” mất việc.

Anh Phạm Văn Công, 37 tuổi, cán bộ dân số xã Giao Thiện, cho biết: Tôi học trung cấp y. Năm 2008, Bộ Y tế có Thông tư số 05 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương. Do đó, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã sắp xếp, bố trí cán bộ dân số xã là viên chức trạm y tế, vì thế tôi đã gắn bó, cống hiến cho công tác dân số của xã đã được 10 năm nay. Trong suốt quá trình công tác, ngoài bằng cấp chuyên môn theo quy định, tôi còn được cử đi học, tập huấn các lớp nghiệp vụ do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa đào tạo, cấp chứng chỉ. 10 năm qua, tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng những người làm công tác dân số như chúng tôi, bỗng nhiên cuối năm 2019 lại cắt chức danh này khiến chúng tôi mất luôn việc làm.

Còn chị Lữ Thị Hiền, 32 tuổi, cán bộ dân số xã Tam Văn, đã có 12 năm công tác trong ngành, nói: Từ khi có Thông tư số 05 của Bộ Y tế, đã có rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước sắp xếp, bố trí cán bộ DS-KHHGĐ xã là viên chức trạm y tế. Thế nhưng, đến nay tỉnh vẫn không bố trí, sắp xếp cho chúng tôi, mà chỉ giao làm cán bộ không chuyên trách mà thôi. Trong khi đó, phụ cấp từng tháng qua các năm, chúng tôi chưa bao giờ được nhận quá 1 triệu đồng. Mặc dù phụ cấp ít ỏi như vậy, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, chính quyền và ngành dân số giao.

Anh Lê Văn Hoàng, 32 tuổi, cán bộ bán chuyên trách dân số xã Tân Phúc, chia sẻ: Năm 2013, anh chị em chúng tôi còn được tổ chức đi học lớp nghiệp vụ DS-KHHGĐ để chuẩn vào viên chức. Lớp học này do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa đào tạo và đã được cấp chứng chỉ nghiệp vụ dân số. Nhưng đến nay, chúng tôi không những không được tuyển dụng, mà còn bị bãi nhiệm, hoặc cho thôi việc.

Khó khăn trong triển khai công tác dân số ở cơ sở

Trước thực trạng đội ngũ cán bộ dân số ngày càng bị tinh giản, hoạt động của công tác dân số và cung cấp dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn: Công tác truyền thông bị gián đoạn, thông tin dữ liệu dân số cập nhật chậm và không đầy đủ... Trong khi đó nhiều mục tiêu về dân số chưa đạt như: tình trạng mất cân bằng giới tính, mức sinh cao và chưa đồng đều ở một số khu vực, phân bố dân cư còn thiếu hợp lý, chất lượng dân số chưa cao. Kết quả giảm sinh chưa bảo đảm được tính bền vững, tỷ suất sinh còn chênh lệch giữa các vùng, miền: Vùng ven biển, vùng đồng bào công giáo mức sinh còn cao (17-18% ), tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng sinh trở lại. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng. Số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ còn cao: 2,54 con/phụ nữ, sẽ mất một thời gian dài để đạt được mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ. Theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28-4-2020 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”, Thanh Hóa là một trong 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao. Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở nhóm cao trong cả nước. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn nặng nề trong Nhân dân một số vùng, miền trong tỉnh... Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, tuổi thọ người dân ngày càng cao, vì vậy mặc dù vẫn đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” nhưng tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh: người trên 60 tuổi và trên 65 tuổi trong tổng dân số ngày càng tăng. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ phụ nữ nhiễm khuẩn đường sinh sản cao; tỷ lệ nạo phá thai tuổi vị thành niên, thanh niên khó kiểm soát. Di dân có xu hướng gia tăng từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp gây áp lực đối với đô thị, thiếu hụt lao động nơi đi, khó quản lý nơi đến...

Nguyên nhân được chỉ ra đó là: Một số cấp ủy, chính quyền buông lỏng quản lý, chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được của công tác giảm sinh, chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân số và phát triển dẫn đến thiếu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa thường xuyên, việc phát hiện và xử lý các vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Chính sách dân số chuyển trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, tuy nhiên tư tưởng đông con, phải có con trai nối dõi tông đường vẫn còn nặng nề trong một bộ phận quần chúng Nhân dân đặc biệt là vùng biển, miền núi và công giáo, có cả một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên.

Vì sao không làm rõ chức danh dân số?

Trước thực trạng việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức cán bộ, các cơ quan chuyên môn có nhiều biến động, thiếu sự đồng bộ ở các địa phương, ngày 8-5-2018, Bộ Y tế đã có Văn bản 2509/BYT-TCDS gửi sở y tế các tỉnh, thành phố có hướng xử lý về vấn đề này. Đến ngày 3-8-2018, Bộ Y tế ban hành Công văn số 4480/BYT-TCDS gửi UBND các tỉnh, thành phố về ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở. Công văn số 4480 nêu: Tại tuyến xã giao cho trạm y tế thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Ở những nơi đã tuyển dụng viên chức dân số xã, có thể giao cho trạm y tế quản lý. Những nơi chưa tuyển dụng được viên chức dân số xã, thì cử viên chức trạm y tế hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Ngày 17-3-2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2048 về việc bổ sung biên chế sự nghiệp y tế cho Thanh Hóa, tổng số 2.911 biên chế. Theo đó, yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh thống kê, làm rõ chức danh cán bộ chuyên trách dân số tại trạm y tế xã. Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (biên chế sự nghiệp y tế) để thực hiện việc chuyển đổi nhân viên y tế hợp đồng lao động tại các trạm y tế cấp xã thành nhân viên chính thức. Đến ngày 22-5 vừa qua, Bộ Y tế có Công văn số 2822/BYT-TCDS, về việc ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ, trong đó có nội dung nêu rõ: Tại tuyến xã, đối với viên chức chuyên trách dân số xã, giao cho trạm y tế thực hiện nhiệm vụ về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Những tỉnh/thành phố đã tuyển dụng viên chức chuyên trách dân số xã thì giao cho trạm y tế quản lý. Đối với những tỉnh/thành phố chưa tuyển dụng được viên chức chuyên trách dân số xã thì chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyển dụng hoặc bố trí cán bộ không chuyên trách xã thực hiện nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã. Nhiệm vụ của viên chức chuyên trách dân số xã thực hiện theo Công văn số 4480/BYT-TCDS ngày 3-8-2018 của Bộ Y tế.

Trao đổi với ông Đoàn Nam Hưng, Trưởng Phòng Tổ chức Sở Y tế được biết, ngày 15-6, Sở Y tế đã có báo cáo, đề xuất với tỉnh về tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ. Theo đó, Sở Y tế đề xuất đối với cán bộ dân số xã giao cho trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện công tác dân số.

Ngày 23-6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 8227/UBND-VX, về việc tham mưu ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 2822/BYT-TCDS. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, chỉ đạo của Bộ Y tế và các văn bản có liên quan, xem xét đề nghị của Sở Y tế tại Công văn số 1707/SYT-TCCB ngày 15-6-2020, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp ổn định tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ; bảo đảm phù hợp tình hình thực tế của địa phương, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Hy vọng, sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, “vùng trống” công tác dân số ở tỉnh ta sẽ được “lấp đầy”.

Bài và ảnh: Tô Hà


Bài Và Ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]