(THo) - Ngày 26-4-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương (gọi tắt là Quyết định 29). Đây là chính sách nhân văn có ý nghĩa quan trọng đối với các đối tượng lầm lỡ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, thế nhưng cho đến nay việc triển khai Quyết định 29 chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín dụng cho những đối tượng lầm lỡ - chính sách giàu tính nhân văn nhưng khó đi vào cuộc sống

(THo) - Ngày 26-4-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương (gọi tắt là Quyết định 29). Đây là chính sách nhân văn có ý nghĩa quan trọng đối với các đối tượng lầm lỡ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, thế nhưng cho đến nay việc triển khai Quyết định 29 chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Một tiểu phẩm trong lễ phát động tháng cao điểm phòng chống ma túy – HIV/AIDS tại huyện Tĩnh Gia.

Giàu tính nhân văn...

Nhằm giúp người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng, vươn lên phát triển kinh tế, Chính phủ đã ban hành chính sách vay vốn ưu đãi riêng cho họ. Quyết định 29 quy định rõ: Các cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay vốn nhằm mục đích mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc, gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh, buôn bán; đầu tư làm nghề thủ công trong hộ gia đình; góp vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác. Riêng với người có HIV muốn vay vốn phải có phiếu trả lời kết quả dương tính với HIV của cơ sở xét nghiệm đủ điều kiện, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế có thời gian điều trị ổn định từ 3 tháng trở lên, có xác nhận của cơ sở điều trị; đồng thời, đang cư trú hợp pháp và sinh sống ổn định tại địa phương nơi vay vốn, có phương án sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ vay theo cam kết... Quyết định cũng nêu rõ, mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình, không phải thế chấp nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/cá nhân, 30 triệu đồng/hộ gia đình. Người vay có thể vay vốn nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định trên. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay tối đa là 60 tháng.

Chính sách trên thực sự là niềm vui lớn đối với người nhiễm HIV/AIDS và các đối tượng khác theo Quyết định 29. Khi được hỏi đã được biết về quyết định này chưa, chị N.L.A. (người nhiễm HIV/AIDS) tại xã Xuân Tín (Thọ Xuân) cho biết: Tôi và các anh, chị em trong xã đã được nghe nói, đồng thời tìm hiểu chi tiết về quyết định cho vay vốn ưu đãi của Chính phủ đối với những người có HIV. Đây chính là niềm vui lớn của những người cùng cảnh như tôi. Bởi, với nhiều người, 20 hay 30 triệu đồng là số tiền nhỏ nhưng với những đối tượng nhiễm HIV như tôi thì đó là một số tiền rất lớn. Nó có thể giúp chúng tôi thực hiện được những dự định phát triển kinh tế.

Có thể nói, Quyết định 29 chính là một cú hích giúp xã hội giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và gần gũi với nhóm người này hơn, góp phần tạo điều kiện, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

... nhưng khó đi vào cuộc sống

Thanh Hóa là một trong 15 tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chọn làm thí điểm để triển khai Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù, chính sách tín dụng vốn theo Quyết định 29 có hiệu lực được hơn 2 năm (tháng 6-2016), song trong quá trình triển khai từ tỉnh đến cơ sở đã gặp không ít khó khăn, bất cập, thậm chí có nội dung thiếu khả thi, khó thực hiện, khiến các cấp, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng.

Ông Lê Đông Thuận, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Không thể phủ nhận ý nghĩa nhân văn của quyết định. Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống quả là điều không dễ. Bởi theo Quyết định 29 thì các đối tượng người nghiện, người nhiễm HIV và bán dâm hoàn lương bắt buộc phải có phương án sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ. Nghĩa là khi đối tượng vay vốn đến trình cơ quan cấp xã (thông qua tổ tiết kiệm - vay vốn), phải trình bày được cụ thể: Vốn vay đó được sử dụng vào mục đích nào?. Đối chiếu với thực tế, nhận thấy rằng, đời sống vật chất của hầu hết người nghiện, nhiễm HIV sau thời gian nghiện và sau cai vốn đã khó khăn, nay có tiền vay thì họ khó có thể “sử dụng đúng mục đích” là để kinh doanh, sản xuất mà số tiền trên chỉ đủ đáp ứng nhu cầu ăn, mặc thường ngày. Mặt khác, việc để xác nhận đối tượng bán dâm đã thật sự hoàn lương chưa là rất khó, bởi các đối tượng này thường “hành nghề” không nơi cư trú mà có sự biến động, nghĩa là người nơi này có thể đi địa phương khác; người ở nơi khác lại đến nơi này để hành nghề mại dâm. Do đó, theo quy định, để chủ tịch UBND xã xác nhận đối tượng bán dâm vốn đã khó, chứ chưa nói đến việc xác nhận đối tượng bán dâm đã hoàn lương hay chưa? Còn với đối tượng bị nhiễm HIV, vì các đối tượng này đang sử dụng các phác đồ điều trị từ các cơ sở y tế, được nơi đây giữ bí mật về nhân thân nhằm tránh sự kỳ thị nên việc áp dụng chính sách trên cũng gặp nhiều khó khăn. Khi tiếp cận vốn vay, họ phải công khai việc mình bị nhiễm HIV, vì vậy, để chủ tịch UBND xã xác nhận cho đối tượng này là không hề dễ.

Đại diện đơn vị cho vay, ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Thanh Hóa cho biết: Ngay sau khi Quyết định 29 có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thanh Hóa cấp nguồn vốn trên 1 tỉ đồng để thực hiện chương trình này, dựa trên số lượng, đặc điểm, nhu cầu của từng địa phương. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, đến nay mới có 8 đối tượng tiếp cận được với nguồn vốn vay với số tiền giải ngân gần 200 triệu đồng. Cũng theo ông Quyền, nguyên nhân khiến công tác giải ngân gặp khó là do: Khác với các ngân hàng thương mại khác, Ngân hàng Chính sách xã hội muốn cho một đối tượng nào đó vay phải thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, làng, bản. Việc bình xét cho người vay phải thông qua tổ tiết kiệm vay vốn, chịu sự giám sát của khối trưởng, xóm trưởng đại diện cho UBND cấp xã. Việc bình xét phải nhận được sự đồng ý phê duyệt của hội, đoàn thể cấp xã và UBND cấp xã. Bên cạnh đó, theo quy định về quy trình thực hiện tín dụng, việc công khai danh tính, đối tượng là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, đối với các đối tượng là hộ gia đình, người nhiễm HIV, gái bán dâm hoàn lương, do tâm lý nên hầu như không muốn cộng đồng dân cư sinh sống biết về quá khứ của mình.

Sau những năm tháng “sống chung” với các tệ nạn xã hội, trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng, để các đối tượng trên có nguồn vốn vay nhằm cải thiện đời sống là việc làm rất cần thiết và ý nghĩa. Song, để chính sách này được triển khai hiệu quả thì rất cần có những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng, đồng thời, loại bỏ những thủ tục rườm rà, giúp các đối tượng không ngại khi tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, cần định hướng cho các đối tượng những hướng đi đúng đắn để sử dụng nguồn vốn hợp lý, mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]