(Baothanhhoa.vn) - Mấy hôm nay, trời nắng như đổ lửa, o tôi cứ lụi cụi bên chiếc bếp củi, thở ngắn thở dài: Nắng thế này lại vào mùa cấy, người đi chợ thưa vắng thành ra bánh bán chậm hẳn so với ngày thường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thương nhớ bánh khoái quê

Thương nhớ bánh khoái quê

Dân dã món bánh khoái quê, đi xa là nhớ.

Mấy hôm nay, trời nắng như đổ lửa, o tôi cứ lụi cụi bên chiếc bếp củi, thở ngắn thở dài: Nắng thế này lại vào mùa cấy, người đi chợ thưa vắng thành ra bánh bán chậm hẳn so với ngày thường.

Nhà bà tôi bán bánh khoái đã mấy chục năm. Từ khi tôi còn là đứa trẻ, mỗi lần được bố mẹ cho về quê vài ngày, cứ khi trời sáng, tôi lại lẽo đẽo theo các o đi chợ. Chợ phiên quê tôi họp sớm lắm. Từ mờ sáng đã có từng tốp người quang gánh “rồng rắn” dọc trên con đường đê đến chợ. Họ đi thành từng nhóm rôm rả đủ thứ chuyện. Những chiếc đòn gánh oằn cong nặng trĩu nào bắp cải, su hào, hành tỏi rồi thì rau khoai lang, chuối xanh, chuối chín...

Phiên chợ nào bà tôi cũng lụi cụi dậy từ ba, bốn giờ sáng, chuẩn bị đồ nghề gánh lên chợ. Buổi chợ của bà bắt đầu bằng các công đoạn quen thuộc. Đầu tiên, sau khi hạ chiếc gánh xuống vị trí của mình, bà bày cái chõng bằng tre ra khoảng đất trống rồi chải mấy tấm lá chuối tươi lên trên mặt chõng cho sạch. Bà nhóm bếp củi, bắc chảo lên để bắt đầu ngồi tráng bánh. Khách của bà phần lớn là người làng và những người dân nghèo từ mấy xã lân cận mang hàng đến chợ để bán buôn kiếm sống. Phục vụ khách nghèo nên món quà sáng của bà cũng bình dị và có giá rẻ đến bất ngờ.

Bánh khoái ở quê tôi đúng là bánh khoái dành cho người nghèo, nó không to và cũng không cầu kỳ như ở nhiều địa phương khác. Thành phần của mỗi chiếc bánh đơn giản lắm, chỉ một chút bột gạo và ít hành lá cắt nhỏ nhưng lại có một hương vị rất đặc trưng. Mùi thơm tươi mới của bột gạo trắng lẫn với mùi thoảng nhẹ của mấy cọng hành lá khiến cho mỗi chiếc bánh làm ra không quá ngào ngạt nhưng khi chấm cùng với chút nước mắm chanh ớt, các hương vị hòa quyện vào nhau cũng đủ sức mang lại một bữa sáng “ấm bụng” cho thực khách.

Bánh khoái của bà tôi ngon nức tiếng ở làng nên lúc nào cũng đông người đến ăn. Vào lúc cao điểm, một mình bà xoay không kịp, khách kéo ghế ngồi chờ xung quanh, bà tôi luôn tay múc bột, tay lật bánh trên ba chiếc chảo gang đen bóng. Ánh lửa bập bùng và bụi than hồng bay đỏ cả gương mặt nhiều nếp nhăn và sạm nám của bà. Những lúc ấy, o tôi cũng tất tả phụ bà bưng bê, chạy bàn và gói bánh vào những tấm lá chuối đã hơ qua lửa rồi đưa cho những người mua bánh mang đi. Ngồi nhìn bà và o tất bật, tự nhiên tôi cũng thấy vui vui, thỉnh thoảng ra sức hít hà thứ hương thơm quen thuộc mà quên mất mấy trò đánh thẻ, rải ranh cùng với những đứa trẻ đang tập trung gần đó.

Một vài người thấy bà làm ăn được cũng lân la qua học cách làm. Bà không giấu nghề, chỉ cho họ cách làm nhưng không phải ai cũng thực hành được. Cũng là gạo đó, nước đó nhưng phải là bàn tay khéo léo mới cho ra chiếc bánh không dày quá cũng không quá mỏng. Vả lại, không biết có phải cái duyên không mà hàng bánh của bà lúc nào cũng đông khách nhất chợ.

Và rồi bà tôi ngày càng có tuổi, lưng bà đau nhức, bà chẳng thể ngồi được lâu để tráng bánh nữa. Bà truyền lại cho o tôi biết làm thành thạo thì nghỉ chợ hẳn. O tôi được thừa hưởng chiếc cối đá xay bột và những lời căn dặn tỉ mỉ của bà. Bà nói bánh khoái quê mình đơn giản thật, dân dã thật nhưng để cho ra được chiếc bánh ngon đúng chuẩn gia truyền thì phải đặc biệt cẩn thận khi chọn gạo và công đoạn ngâm gạo, xay bột. O tôi nghe bà, từ nhiều năm nay vẫn duy trì cách làm bánh truyền thống. Bột làm bánh vẫn là thứ gạo của nhà trồng được, nước mỡ tráng bánh phải được rán từ những khổ mỡ lợn trắng thì bánh mới thơm và đẹp màu... Chỉ khác là o không còn vất vả xay bột bằng chiếc cối đá mà mang gạo ra hàng xay bột gần nhà cho tiện. Chiếc cối đá của bà được o tôi lau chùi cẩn thận để ở góc nhà bếp giữ làm kỷ niệm.

Giờ đây, thức quà quê không còn thịnh hành như trước nữa. Những chiếc bánh dân gian đang dần bị “lép vế” bởi sự ồ ạt của những món ăn lạ miệng, “thời thượng”. Tuy nhiên, bánh khoái quê tôi vẫn được tráng bán trong mỗi phiên chợ và đọng lại mãi trong ký ức của nhiều người xa xứ thứ hương vị ẩm thực dân dã, mộc mạc của quê nhà.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]