(Baothanhhoa.vn) - Do nằm ở độ cao gần 1.200m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, 3 bản của xã Lũng Cao: Son, Bá, Mười còn có tên gọi khác là “thiên đường Cao Sơn”. Nơi đây được ví như chốn “bồng lai tiên cảnh” bởi vẻ đẹp hút hồn của sự giao thoa giữa đất và trời. Đặc biệt, Cao Sơn còn được mệnh danh là “thung lũng trường thọ”, vì có nhiều người già sống qua 2 thế kỷ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thung lũng trường thọ

Do nằm ở độ cao gần 1.200m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, 3 bản của xã Lũng Cao: Son, Bá, Mười còn có tên gọi khác là “thiên đường Cao Sơn”. Nơi đây được ví như chốn “bồng lai tiên cảnh” bởi vẻ đẹp hút hồn của sự giao thoa giữa đất và trời. Đặc biệt, Cao Sơn còn được mệnh danh là “thung lũng trường thọ”, vì có nhiều người già sống qua 2 thế kỷ.

Thung lũng trường thọ

Cao Sơn đẹp như một bức tranh.

“Xứ sở thần tiên” xứ Thanh

Từ trung tâm TP Thanh Hóa, chúng tôi phải vượt 130 km đường đèo để về xã Lũng Cao (Bá Thước), sau đó đi tiếp chừng 10 km đường núi mới đến được đỉnh Cao Sơn - “ốc đảo” nổi giữa lưng chừng trời. Lên Cao Sơn mùa nào cũng khó như... lên trời vậy! Những con dốc dài như con rắn trườn lên đỉnh núi. Bên sườn núi, mây trắng ôm ấp những tảng đá vôi nhấp nhô, chốc chốc bay lướt qua người đi đường cảm giác như lạc vào chốn “bồng lai tiên cảnh”. Thế rồi, Cao Sơn hiện ra trong văn vắt. Những ngôi nhà của người Thái, người Mường xen lẫn trong nắng vàng. Vì nằm sâu bên trong những dãy núi cao, biệt lập với thế giới bên ngoài nên Cao Sơn có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình trong năm từ 18-22 độ C, đôi khi mùa đông có tuyết rơi. Nhiều người đến đây vào mùa đông, họ đã thốt lên rằng: Cao Sơn đẹp như một nàng tiên với những bông tuyết vương trên cây mơ, cây mận, phủ trắng những cây cầu, lối đi...

Cùng với cảnh đẹp như hư, như thực này thì Cao Sơn còn một đặc ân khác mà không phải ai cũng biết. Đó là một cuộc sống thanh bình, hồn hậu với không ít người sống thọ qua 2 thế kỷ. Có lẽ hiếm có nơi nào trên dải đất hình chữ S có nhiều người sống thọ như ở Cao Sơn. 3 bản: Son, Bá, Mười có hơn 400 nhân khẩu thì đã có vài cụ ông, cụ bà thọ hơn 100 tuổi. Ai lần đầu đến đây cũng đều có cảm giác như các cụ đang đua nhau sống qua cái ngưỡng 100 tuổi ấy. Còn những người 80, 90 tuổi ở Cao Sơn thì cũng ngót ngét chục người. Người còn, người đã mất, nhưng điều ngạc nhiên là hầu hết các cụ ở đây vẫn luôn duy trì được một sức khỏe dẻo dai, 80 - 100 tuổi nhưng vẫn có thể giúp đỡ con cháu làm nương, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí là đi rừng hái thuốc, lấy củi. Có lẽ vì thế mà đối với chúng tôi, cuộc sống nơi thung lũng nằm ở độ cao gần 1.200m, được bao bọc bởi những ngọn núi Pòng Mứu, Pòng Pa Kha, Pòng Pa Có, Phà Hé... trùng điệp cứ lung linh, huyền ảo như trong một câu chuyện cổ tích có thật.

Theo lời giới thiệu của thầy Lê Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Cao Sơn, chúng tôi tìm đến bản Mười để gặp cụ Vi Thị Ắng, năm nay đã 91 tuổi. Ở cái tuổi đó đa phần các cụ mắt mờ, chân chậm chứ nói gì đến lao động. Vậy mà, cụ Ắng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, ngày ngày dắt trâu đi khắp thung lũng để chăn, thậm chí còn vượt qua cả những tảng đá tai mèo sắc lẹm tỉa ngô... âu cũng là chuyện phi thường! Nhắc đến thời trẻ, cụ Ắng rực sáng đôi mắt: “Tôi lấy chồng lúc 15 tuổi, rồi sinh một mạch gần 10 người con. Con trai đầu của tôi cũng đã ngoài 70 tuổi”. Hỏi cụ có bao nhiêu cháu, chắt cụ Ắng chỉ biết cười rồi lắc đầu: “Không nhớ được đâu, đông lắm. Chỉ biết là ngày tết tất cả chúng nó tụ tập, trong nhà đứng không hết còn phải đứng ra sân”.

Trong căn nhà sàn dưới chân núi, người cháu đích tôn của cụ Ắng năm nay đã gần 40 tuổi vừa rót nước mời khách vừa nói: “Cụ tôi ham làm lắm, đã ngoài 90 tuổi rồi mà cứ đòi lên rẫy làm cùng con cháu. Mấy ngày trước đòi lên nhưng chúng tôi không cho, cụ buồn và bảo: “Chúng bay coi tao xem, tao đâu có phải người vô dụng mà bắt tao ở nhà?”. Hàng ngày, cụ vẫn thường dậy từ sớm, nấu bữa sáng rồi trộn thức ăn cho đàn gà nuôi dưới sàn. Nhìn cụ vậy thôi nhưng chân khỏe lắm, mùa đông đi làm về là cụ nướng thanh gỗ hoặc luồng nóng để xoa lên chân”.

Rời nhà cụ Ắng, thầy Dũng đưa chúng tôi đến gặp cụ Vi Thị Khiềng, ở bản Son. Nhà cụ Khiềng nằm nép mình bên sườn núi. Trong nhà, cụ Khiềng đang ngồi khâu vá. Chúng tôi vừa bước đến bên bếp lửa giữa nhà, đã nghe tiếng cụ Khiềng hỏi: “Ai đấy”. “Dạ, cháu là Dũng bà ạ” – thầy giáo thưa. Cụ Khiềng dụi khúc củi cho bếp lửa sáng lên, nói: “À, tao biết rồi. Lũ trẻ lên nương, lên rẫy hết. Bây giờ tao không lên nương nữa, chỉ loanh quanh ở nhà nấu cơm, nuôi lợn thôi. Già rồi chẳng làm được nữa đâu”. Ngồi bên bếp lửa, thầy giáo Dũng nói: “Tuy mắt của cụ không nhìn rõ nhưng tai còn tỏ và nói nghe rõ lắm. Hơn trăm tuổi rồi nhưng trí nhớ của cụ đang rất tốt. Bao nhiêu trận lở núi, sụt đất ngày xưa ở bản này giờ cụ vẫn kể vanh vách cho con cháu nghe. Chuyện cổ tích của người Thái cụ vẫn còn kể lại được”. Nếu như thầy Dũng không giới thiệu trước cụ đã 104 tuổi thì chúng tôi chỉ dám đoán cụ chừng hơn 90 tuổi. Tuy làn da đã nhăn nheo vì thời gian và tuổi tác, nhưng sắc da vẫn đỏ hồng.

Chiều đã chạng vạng, con cháu cụ Khiềng cũng trở về nhà sau một ngày làm việc. Con dâu cả của cụ cũng ngoài thất thập, mời chúng tôi chén nước được pha từ lá rừng, bà kể: “Suốt chừng ấy năm, mẹ chỉ mệt mỏi khi mang thai và sinh nở hoặc chỉ cảm qua loa, con cháu vào núi tìm lá thuốc về chữa là khỏi chứ chưa đau ốm nặng phải đi bệnh viện hay uống thuốc bao giờ. Mới vài năm trước mẹ tôi vẫn đi xách nước, nấu cơm giúp con cháu. Đáng tiếc là năm ngoái, mẹ bị ngã nên bây giờ chân đau không làm được những việc nặng nhọc, chỉ ngồi quanh bếp lửa”.

Bí quyết sống thọ

Đi khắp thung lũng trường thọ, trò chuyện với các già làng, gặp ai chúng tôi cũng đặt câu hỏi: Bí quyết trường thọ? Nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Ngay chủ nhân của những kỷ lục sống thọ như cụ Khiềng, cụ Ắng cũng chẳng rõ nhờ đâu mình “sống mãi với thời gian”. Nhưng có một điều mà dân Cao Sơn dù không muốn cũng phải “chung sống” , đó là cái nghèo. Nghe hơi lạ nhưng như chính lời cụ Khiềng thì Cao Sơn đói nghèo đến mức cơm không có mà ăn, vậy mà người ta vẫn lầm lũi sống hết đời này đến đời khác. Cụ Khiềng bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu mùa giáp hạt cụ phải gồng mình chống chọi với cái đói. Bởi vậy nói về bí quyết trường thọ của dân Cao Sơn, cụ Khiềng cho rằng: “Ngày xưa cuộc sống của các “bố”, các “mệ” cơ cực lắm. Đói, toàn phải ăn củ rừng thay cơm. Thức ăn cũng chỉ toàn là rau rừng, ốc đá chứ không có một thứ biệt dược nào cả”.

Trong câu chuyện của các bậc cao niên ở Cao Sơn, có một chi tiết làm tôi chú ý, đó là gần như nhà nào cũng dùng một thứ lá trộn với vỏ cây rừng mọc hoang, bám mình trên vách đá hoặc các cây cổ thụ, như: Cây đái bay, khúc khắc, cỏ máu... để đun nước uống, ngâm rượu mà theo những người dân địa phương thì “đàn bà uống vào nhiều sữa, đàn ông uống vào tráng kiện”. Cuộc sống biệt lập với bên ngoài, họ gần như sống theo lối tự cung tự cấp. Cá bắt dưới suối, lúa lấy trên nương, và khái niệm “ô nhiễm môi trường” thì chưa bao giờ xuất hiện ở đây.

Người Cao Sơn ai cũng có đôi chân rất khỏe. Từ xưa nay, dù đi gần hay đi xa, họ đều đi bộ. Ngày xưa, khi chưa có chợ Đòn nằm ở xã Lũng Niêm, người Cao Sơn chỉ đi chợ một lần, xuống tận thị trấn Cành Nàng (Bá Thước). Cũng chính vì sức khỏe như thế mà người ta vẫn gọi Cao Sơn là thung lũng tu tiên. Ông Hà Văn Thủy, trưởng khu y tế Cao Sơn, cho biết: “Có nhiều đoàn về thăm và hỏi bí quyết để các cụ sống lâu nhưng thực ra chỉ có duy nhất bí quyết là được sống giữa núi đồi và thiên nhiên không ô nhiễm. Bà con dân tộc bản tính đôn hậu không thích toan tính, bon chen lại lao động chăm chỉ nên cơ thể tráng kiện, ít sinh ra bệnh tật, đau ốm. Cứ tối tối, các gia đình lại quây quần yên bình trong những nếp nhà sàn với những hạt lúa, bắp ngô, con ốc đá, lá rau rừng... sau ngày làm việc vất vả trên nương rẫy”.

Phải đặt chân đến Cao Sơn mới cảm nhận được cuộc sống nơi đây thật tinh khiết, trong lành. Có lẽ, ở Cao Sơn chẳng có liều thuốc thần tiên nào ngoài sự thanh thản về tâm hồn. Cụ Khiềng, cụ Ắng... cũng như hầu hết những người dân sống trong cái thung lũng bình yên này, họ gần như tách biệt với cuộc sống hối hả ngoài kia. Dù chưa hết đói khổ nhưng họ vẫn lặng lẽ sinh ra, lặng lẽ lớn lên như cây rừng, cao mãi, cao mãi phủ bóng xuống lòng thung lũng.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]