(Baothanhhoa.vn) - Đang cặm cụi ấn mạnh chiếc kim khâu xuống lớp đế đôi giày da màu đen đã cũ, nghe tiếng xe dừng trước cửa hàng sửa giày dép của mình, người phụ nữ đưa mắt hỏi tôi bằng giọng trầm tĩnh chứ không vồn vã vốn thường thấy ở những người bán hàng: “Cô cần sửa giày hay dán đế thì cứ để đây, tôi sẽ làm nhanh cho”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Tân trang” cho giày, dép

Đang cặm cụi ấn mạnh chiếc kim khâu xuống lớp đế đôi giày da màu đen đã cũ, nghe tiếng xe dừng trước cửa hàng sửa giày dép của mình, người phụ nữ đưa mắt hỏi tôi bằng giọng trầm tĩnh chứ không vồn vã vốn thường thấy ở những người bán hàng: “Cô cần sửa giày hay dán đế thì cứ để đây, tôi sẽ làm nhanh cho”.

Dịch vụ sửa giày, dép xuất hiện ở nhiều chợ, tuyến phố trung tâm.

Tôi kéo chiếc ghế nhỏ len vào khoảng trống hẹp còn sót lại giữa những bịch túi bóng ngổn ngang đựng giày, dép để quan sát từng thao tác thành thạo của người thợ đã gần bốn mươi tuổi này. Gọi là cửa hàng nhưng thực chất nơi kiếm sống của chị Đào Thị Hồng (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) chỉ là một góc nhỏ ven đường với vài ba thứ đồ nghề giản đơn: Một cái tủ gỗ nhiều ngăn trơ bản lề, bên trong xếp những hộp kim khâu, vài cuộn chỉ, dăm ba lọ xi, keo... Rải rác dưới nền đất là mấy chiếc ghế nhựa với vài mảnh vải dày đã cũ sờn vương vãi, mấy miếng cao su cắt từ lốp ô tô cũ gập tròn để phục vụ các khâu “chế tác”. Sau mỗi lần dùng lực mạnh xuyên chiếc kim dài qua lớp đế dày sụ, đôi tay chị Hồng lại thoăn thoắt thít chặt sợi chỉ một cách chuyên nghiệp. Chẳng mấy chốc, một đường chỉ đều tăm tắp đã cố định được vết rách cho chiếc giày.

Hôm nay, cửa hàng chị Hồng mở lại sau 2 ngày nghỉ làm vì mưa. Lượng hàng tồn lại từ những ngày trước cộng với số hàng mới nhận khá lớn, vì vậy, suốt buổi sáng, gần như không lúc nào chị được ngơi tay. Khi thì khâu vá, lúc lại dán đế, rồi thì chỉnh giày cho vừa với cỡ chân khách hàng, lúc lại quét xi, đánh bóng... Đủ mọi công đoạn cứ tiếp nối nhau dưới bàn tay đã lấm lem keo dán và bụi mùn từ máy mài đế giày bám vào. Phải đến quá trưa thì việc mới giãn, hàng tồn từ hôm trước đã được giải quyết xong, khách cũng vãn dần, lúc này, chị Hồng mới kéo chiếc khẩu trang xuống, vội đưa cốc nước lên miệng để cảm nhận dòng nước làm dịu mát cái cổ họng đã khát khô suốt từ sáng đến giờ. Chị cởi mở kể về “sự nghiệp” của mình với ánh mắt long lanh.

Ngày ấy, cô thiếu nữ nhà nghèo không có điều kiện để viết tiếp ước mơ học hành đã lựa chọn cho mình một hướng đi riêng mà không phải ai cũng có thể nghĩ ra. Trong lúc bạn bè đang háo hức chuẩn bị hành trang lên đường đến với vùng đất mới để theo tiếp nghiệp “đèn bút” thì Hồng lại ngày ngày đạp xe ra khu vực Bờ Hồ (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa) để theo học nghề sửa giày dép cũ trong sự ngỡ ngàng của bạn bè. Trước những ánh mắt ngạc nhiên của mọi người, gạt qua những khoảnh khắc chạnh lòng, chị tự dặn mình: Ai cũng có lý do để lựa chọn cho mình một con đường riêng để bước tiếp. Vì thế, chị yên tâm với công việc rất đỗi bình dị, chẳng quá vất vả, chẳng quá độc hại mà cũng có những thú vị riêng của nghề.

Với bản tính chăm chỉ, cần cù, tay nghề vững, chị Hồng được nhận ở lại làm công cho chính cửa hàng đã truyền nghề cho mình suốt 4 năm. Chỉ đến khi lập gia đình, chị mới chuyển đến điểm mới trong khu vực chợ Tây Thành (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) để phát triển “sự nghiệp” cho riêng mình. Ngày mới dọn hàng, khu vực chợ chỉ duy nhất mình chị Hồng làm nghề chứ không nhiều như bây giờ. Lượng khách hàng ban đầu thưa thớt nhưng dần dần mỗi ngày một đông. Thời gian trước, công việc của chị chủ yếu chỉ là khâu vá giày, dép cũ, rồi dán đế nhưng dần dần, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cộng với những kinh nghiệm làm nghề có được, chị đã tìm ra nhiều cách chế tác: Từ thu hẹp cho những đôi giày quá cỡ đến nới rộng cho vừa chân khách hàng... Giá cả của mỗi lượt sửa cũng khác nhau tùy theo “bệnh” của mặt hàng, nhưng phần lớn dao động từ 20 – 50 nghìn đồng/đôi. Cứ thế, nhờ tay nghề cao cùng những sáng tạo trong sửa chữa, cửa hàng của chị ngày càng thu hút khách từ nhiều nơi. Biết một mình làm không xuể, chị đã thuyết phục chồng chuyển nghề làm cùng với vợ, bởi chị biết nếu hai vợ chồng cùng chung tay thì chẳng mấy chốc gia đình chị không chỉ ổn định cuộc sống mà còn có thể sống tốt bằng nghề.

Người phụ nữ đã ngót nghét 20 năm kinh nghiệm chia sẻ: Nghề sửa giày, dép không quá khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo. Làm nghề này đầu tư không nhiều, ít rủi ro, lại chủ động được thời gian, không bị áp lực về lỗ lãi vì chỉ cần một vị trí nhỏ ven đường hay góc chợ, dăm ba triệu đồng mua vài loại máy móc tự chế với ít xăm, lốp cũ, vài cuộn chỉ, hộp keo dán chuyên dụng... là có thể yên tâm làm nghề quanh năm. Thu nhập của những người thợ như chị cũng khá cao, trừ tất cả chi phí, lợi nhuận thu được từ 450 - 500 nghìn đồng/ngày. Chị cho biết thêm: “Nhu cầu mua sắm làm đẹp của người dân ngày càng cao nên nhiều người không chỉ “tân trang” cho những đôi giày cũ mà còn mang những đôi mới đến cửa hàng để lót đế cho êm chân, độn cao, làm mềm da giày... Giày, dép nữ thường sửa nhiều hơn giày nam vì giày nữ sau một thời gian sử dụng thường phải dán lại đế, khâu quai, nhất là với những đôi cao gót... Chính vì vậy, cửa hàng chúng tôi ngày càng đông khách, nhiều hôm không làm kịp phải hẹn lại khách đến lấy vào hôm sau. Sau nhiều năm, biết hàng ngày phải tiếp xúc nhiều với mùi keo dán, với bụi bặm nhưng tôi vẫn thấy mình thật sự may mắn khi đã lựa chọn đúng và sống thoải mái với nghề”. Tôi cảm nhận được niềm vui của chị Hồng trong giọng nói khi kể những câu chuyện về nghề, về những tháng ngày vượt qua khó khăn để kiếm sống, về ngôi nhà khang trang mới xây từ những giọt mồ hôi của hai vợ chồng và nhất là qua giọng điệu trìu mến khi chị nhắc về hai cô con gái đang ở những năm cuối của bậc học phổ thông mang theo nhiều ước mơ của mẹ.

Còn nhớ ngày nhỏ, mỗi lần được bố mẹ sắm cho đôi dép xăng – đan hay đôi giày hồng xinh xắn là tôi lại được mẹ chở đến đường Lê Hoàn (phường Lam Sơn) hay khu vực Bờ Hồ, nơi có nhiều hàng sửa giày, dép san sát nhau để làm “tăng độ bền” cho món quà. Sau nhiều năm, các cửa hàng này vẫn còn đó, những người thợ sửa giày vẫn miệt mài với nghề, những chiếc tủ gỗ cũ kĩ, vài ba tấm xăm lốp đen kịt và những đôi dép cũ nơi vỉa hè đã tạo thành nét đặc trưng của cả con phố dài.


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]