(Baothanhhoa.vn) - Đã có thời người ta cho rằng, để bố mẹ già vào các viện dưỡng lão hay trung tâm bảo trợ xã hội là “bất hiếu”. Song, trong đời sống hiện đại, với nhiều người già, trung tâm bảo trợ xã hội lại là lựa chọn tối ưu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sống vui, khỏe, có ích ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2

Đã có thời người ta cho rằng, để bố mẹ già vào các viện dưỡng lão hay trung tâm bảo trợ xã hội là “bất hiếu”. Song, trong đời sống hiện đại, với nhiều người già, trung tâm bảo trợ xã hội lại là lựa chọn tối ưu.

Bữa ăn của các cụ được nấu theo yêu cầu.

Vì mình, vì con

Tôi đã từng nghe một cụ bà tâm sự về lựa chọn vào ở trong trung tâm bảo trợ xã hội thế này: “Ở trung tâm bảo trợ xã hội hoặc viện dưỡng lão sẽ an toàn hơn cho người già. Khi huyết áp cao hay té ngã, chỉ 5 phút sau đã có y tá, bác sĩ vào xử lý (...). Còn ở nhà, bị như vậy, gọi điện thoại, con cái từ cơ quan nó quýnh quáng chạy về, rồi nó chở đi, rồi kẹt xe... thì có khi đã chết trên đường. Chưa kể việc mình vào đó, con cái yên tâm công tác, làm việc hết mình, đi du lịch khắp nơi cho thỏa cuộc đời, không phải thấp thỏm lo sợ 2 thân già ở nhà cô quạnh”.

Những người già trong Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, xã Quảng Thọ, TP Sầm Sơn, có những người từng một thời đi khắp thế gian “chọc trời khuấy nước”, từng là những chiến sĩ vệ quốc quân. Họ “có một thời để nhớ, để nói” thật oai hùng, bi tráng. Cũng có cụ, “một thời để nhớ” là cuộc sống đầy những lo toan, chật vật kiếm ăn từng bữa, nay đây, mai đó... Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận từ nhiều ngã rẽ đến lúc cuối đời, họ tìm về bên nhau sẻ chia yêu thương, cùng tâm sự trong một mái nhà chung.

Vào trung tâm theo diện tự nguyện, cụ ông Đ.L. ở huyện Triệu Sơn, tuy đã 85 tuổi nhưng còn minh mẫn và rất đẹp lão. Hàng ngày, cụ vẫn vào mạng đọc báo và làm thơ. Cụ sinh được 4 người con, tất cả đều rất thành đạt và có gia đình riêng nhưng cụ lại lựa chọn sống một mình, phần vì bản tính cụ thích tự do, phần vì con cái bận rộn, nhà lại ở xa. Cụ chia sẻ: “Trước khi bà nhà tôi mất vào năm 2014, chúng tôi cũng đã sống chung với vợ chồng anh con trai và cháu nội, song rất ít khi trò chuyện vì con cái đi làm thất thường. Sáng chúng đi làm sớm, tối muộn mới về. Có khi bố mẹ lên giường đi ngủ con còn chưa về. Ở đây, tôi cảm thấy vui vẻ hơn. Con cái tôi không vào thăm hàng ngày được nhưng chúng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, thỉnh thoảng rủ nhau đến, thế là vui rồi. Thực ra, điều mỗi người làm cha, làm mẹ đều mong nhận được là thấy con mình thành người, sống vui vẻ, an lành, hạnh phúc. Đó là báo hiếu rồi chứ không phải ở cạnh mà không chăm sóc đã là có hiếu”.

Theo nguyện vọng, cụ L. được sắp xếp ở một mình một phòng, tuy không có nhiều đồ đạc nhưng thoáng mát và sạch sẽ. Cụ L. bảo: “Ở đây lúc nào cũng có người bên cạnh, họ dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ... Duy chỉ ăn uống thì không bằng ở nhà vì phải nấu cho nhiều người ăn. Cái nữa là hơi mất tự do, đi đâu không được một mình ra khỏi trung tâm. Việc họ làm thế cũng không sai, nhỡ đi ra ngoài một mình gặp chuyện gì bất trắc, họ biết nói sao với các con tôi”.

Gần 10 giờ, bà Trần Thị Chanh, 73 tuổi, quê ở huyện Thường Xuân vẫn nằm trên giường vì cái chân đau. Y tá Chung cho biết, bà Chanh có 4 người con (3 gái, 1 trai), bà được các con gửi vào trung tâm vài tháng nay. Ngoài những bệnh tuổi già như cao huyết áp, đau dạ dày..., cách đây gần 1 tháng, lúc đi vệ sinh bà bị trượt ngã khiến chân bị đau. Bà Chanh chia sẻ: “Ngày đầu nghe các con nói đưa mẹ vào trung tâm bảo trợ xã hội, tôi cũng buồn và “sốc” lắm. Sau tôi hiểu là chúng bận rộn không có thời gian chăm sóc nên cũng nguôi ngoai. Giờ thì thấy đó là lựa chọn sáng suốt của các con. Ông nhà tôi cũng đang sống ở trung tâm chăm sóc người có công ngay bên cạnh”.

Bà Chanh ở cùng với người bạn già trong căn phòng nhỏ ấm cúng... Bà đến trung tâm theo diện đăng ký tự nguyện nên mỗi tháng đóng cho trung tâm gần 3 triệu đồng.

Anh Lê Đức Tiến, con trai của bà Chanh, chia sẻ: Khi có ý định đưa mẹ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, anh gặp ngay “rào cản” khi nhiều người trong dòng họ cho rằng anh thoái thác trách nhiệm. Song, anh nghĩ tạo cho mẹ môi trường sống thoải mái, được chăm sóc đầy đủ mới là làm tròn chữ “hiếu”. Bởi, vợ chồng anh đi làm từ sáng đến tối mới về. Trong khi đó, mẹ anh sức khỏe yếu nên ở nhà một mình anh không yên tâm. Gửi mẹ vào trung tâm được hưởng các dịch vụ chăm sóc dành cho người già, có bạn già để trò chuyện. Rảnh rỗi, anh lại chở các cháu xuống thăm mẹ hoặc đón mẹ về nhà chơi...

Xu thế của xã hội

Rất nhiều người cao tuổi con cháu đề huề, có điều kiện nhưng bản thân các cụ cảm thấy buồn khi phải ở nhà một mình. Có nhiều người già bị bệnh mất trí nhớ, bại liệt, hay đau thần kinh... thì việc chăm sóc đúng phác đồ là điều cần thiết. So với việc chăm sóc theo bản năng hay “nhốt” các cụ ở trong những ngôi nhà, thì đưa người già đến trung tâm nuôi dưỡng tự nguyện là một việc làm phù hợp với xu thế khi chúng ta có quá nhiều việc để làm. Tại đây, các cụ sẽ được chăm sóc một cách khoa học và bài bản, không phải chịu cảnh thui thủi một mình khi con cái đi vắng.

Nắm bắt được xu thế, tỉnh có chủ trương thực hiện thí điểm mô hình dưỡng lão tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, từ 1-5-2018 đến hết năm 2020... kinh phí đóng góp 2.798.000 đồng đối với những người còn có khả năng vận động tự phục vụ được những nhu cầu tối thiểu, còn những người phục hồi sau phẫu thuật, tai biến, không tự chăm sóc thì tùy theo mức độ, trung tâm sẽ thống nhất cùng với gia đình, thân nhân người nuôi dưỡng tự nguyện để có mức thu hợp lý trên cơ sở thu đủ bù chi phí, không tính lợi nhuận.

Sau hơn 1 tháng triển khai, đến nay trung tâm đã tiếp nhận 4 đối tượng, đa số đều sức khỏe yếu, có nhiều bệnh tật, vì vậy việc chăm sóc các cụ được cán bộ, nhân viên trung tâm rất quan tâm. Chế độ ăn hàng ngày của các cụ được bảo đảm, thời gian sinh hoạt phù hợp, ngoài ra còn được chăm sóc sức khỏe, xoa bóp bấm huyệt, được tham gia các hoạt động ngoài trời và sinh hoạt tập thể, được ở trong những căn phòng khép kín, thoáng mát. Dù mới triển khai thực hiện song mô hình dưỡng lão tự nguyện đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người cao tuổi của tỉnh. Mô hình sẽ tạo môi trường sống phù hợp và ý nghĩa cho người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Theo ông Nguyễn Kiều Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, khó khăn nhất hiện nay của mô hình dưỡng lão tự nguyện là phải thay đổi được nhận thức của xã hội. Không ít người cho rằng, việc con cái đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội là bất hiếu, không nuôi nổi mới đẩy bố mẹ đi... Đây là quan niệm chưa phù hợp với xu thế hiện đại, bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện, thời gian chăm sóc bố mẹ già một cách phù hợp. Sẽ khổ hơn đối với các cụ già có bệnh trong người mà suốt ngày lủi thủi ở nhà một mình trong buồn chán. Một số người bày tỏ, để cha mẹ ở nhà một mình, chẳng may xảy ra chuyện gì thì hối hận không kịp. Nếu đến trung tâm họ sẽ được giao lưu, có người trò chuyện, được sinh hoạt văn hóa, khám chữa bệnh. Rồi có sự cố gì về sức khỏe còn có người kịp thời xử lý. Thực tế đã có nhiều cụ cảm thấy hài lòng, sống khỏe hơn khi được ở trung tâm, thậm chí có những cụ già không muốn về vì sống ở trung tâm đã có người “tâm đầu ý hợp”.

Vị giám đốc cũng chia sẻ, dịch vụ này nên áp dụng với những gia đình không có điều kiện về thời gian để chăm sóc cha mẹ già, chứ không nên áp dụng cho tất cả. Nếu có điều kiện thì việc duy trì cuộc sống tam đại, tứ đại đồng đường vẫn là sự lựa chọn số một của người già. Cũng phải nói thêm, đã có những người đặt hết trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già cho trung tâm. Nhưng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Chúng ta nên cởi mở, nghĩ thoáng để thấy rằng, đảm bảo sức khỏe, an toàn và một đời sống thanh thản, vui vẻ cho đấng sinh thành là trách nhiệm của con cái, dù các cụ ở nhà hay trung tâm bảo trợ xã hội.

Mô hình chăm sóc người cao tuổi theo hình thức tự nguyện vẫn chưa thực sự phổ biến ở tỉnh ta. Nếu muốn tồn tại và phát triển, cần có sự đầu tư về chất lượng dịch vụ nhằm tạo môi trường sống phù hợp và ý nghĩa cho người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

5 bình luận

 Trần thị yến - 11:25 28/09/20

 Trả lời

Mẹ mình 82 tuổi còn khỏe mạnh minh mẫn thích vào viện dưỡng lão có đc ko? Và cần thủ tục gì

 Nguyễn văn Đức - 18:05 14/07/20

 Trả lời

Tôi có người nhà ,muốn gửi vào viện dưỡng lão thì thủ tục đăng ký như thế nào ạ? số ĐT 0988671935

 Nguyễn vinh Đức - 17:54 14/07/20

 Trả lời

Tôi có thể liên hệ trước qua điện thoại không ạ????

 Phạm Việt Quang - 15:46 31/01/20

 Trả lời

Bà của tôi muốn vào ở Trung tâm bảo trợ xã hội thì thủ tục đăng kí cần những gì? Xin cảm ơn.

 Minh Chức - 15:38 13/06/19

 Trả lời

Bảo trợ xã hội rất tốt

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]