(Baothanhhoa.vn) - Đối với ngư dân, biển là cuộc sống, cuộc đời, là hồn cốt của họ. Ước nguyện của ngư dân luôn là trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang khi cập bến bờ. Song, thực tế, nghề biển xưa nay vẫn nhiều rủi ro. Hạn chế rủi ro là điều ai cũng muốn, nhưng không phải ngư dân nào cũng ý thức cao và có những việc làm, hành động cụ thể.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rủi ro nghề biển

Đối với ngư dân, biển là cuộc sống, cuộc đời, là hồn cốt của họ. Ước nguyện của ngư dân luôn là trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang khi cập bến bờ. Song, thực tế, nghề biển xưa nay vẫn nhiều rủi ro. Hạn chế rủi ro là điều ai cũng muốn, nhưng không phải ngư dân nào cũng ý thức cao và có những việc làm, hành động cụ thể.

Biển mênh mông - Sống, chết mong manh

Nghề đi biển chưa bao giờ là dễ dàng đối với những ngư dân nói chung và ngư dân xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) nói riêng. Đã bao lần, gió lớn ập đến cướp đi biết bao sinh mệnh của ngư dân, hư hỏng tàu, thuyền thì vô kể. Thời tiết, đặc biệt là trên biển, chẳng ai có thể đoán trước được. Anh Lê Văn Thiện (SN 1992), cư trú tại thôn Thanh Xuyên, xã Hải Thanh – chàng trai may mắn sống sót trên tàu cá mang số hiệu TH 91552TS bị lật ngày 8-1-2018 kể lại: “Bố tôi, các chú và nhiều anh em đã chết trong chuyến đi biển định mệnh đó. Biết là nghề biển nhiều rủi ro, nhưng không đi biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì, bởi bao đời nay ngư dân vẫn luôn gắn phận mình với sóng, với gió biển khơi”.

Cũng như anh Lê Văn Thiện, thoát nạn trở về sau chuyến tàu TH-1288-TS bị đắm hồi tháng 1 vừa qua, anh Nguyễn Văn Mạnh (SN 1985) ở thôn Thanh Nam, xã Hải Thanh, vẫn còn thẫn thờ, kể: Khoảng 18h ngày 8-1-2018, trong lúc các thuyền viên đang chuẩn bị lên đèn thả câu thì bất ngờ một cơn sóng to cao như tòa nhà 4 tầng đổ sập xuống khiến con tàu của anh, tàu ông Lê Văn Thực (bố đẻ anh Thiện) và một tàu khác bị lật úp. “Khi sóng qua, tôi ngoi lên mặt nước túm được khúc luồng. Tôi gọi xem có ai gần không để ứng cứu nhưng chỉ thấy anh Đỗ Văn Phùng (SN 1981). Anh Phùng không biết bơi nhưng may mắn tìm được tấm ván tàu bị vỡ rồi hai anh em dìu nhau suốt 3 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển thì được tàu của anh Hồ Quang Dũng vớt lên.

Theo lời anh Mạnh, cảm giác khi lên bờ lần này không khác là mấy lúc thoát nạn trong cơn bão Chanchu, người thân cùng vợ con ùa đến ôm và khóc làm anh và nhiều ngư dân cũng khóc theo. “Nghề biển là vậy đó, không đi làm thì lấy gì nuôi vợ con, đi thì biết bao nguy hiểm không lường trước được, phải chấp nhận thôi...”. Và thế là, sau một thời gian “định thần”, anh Mạnh tiếp tục ra biển mưu sinh bằng nghề “tài lột” (chân giúp việc) cho tàu khác vì dụng cụ đi biển bị mất hết sau khi tàu bị chìm...

Rất nhiều những trường hợp khác bị những rủi ro khi đang hành nghề trên biển. Có ngư dân bị thương do sơ ý khi vận hành máy tàu, tưởng đơn giản nên chỉ băng bó sơ và chờ khai thác đủ chuyến mới vào bờ. Khi đưa đến bệnh viện thì đã nhiễm trùng nặng đành phải cắt tay. Ngoài nỗi lo giông bão, thuyền biển còn phải đối đầu với biết bao hiểm họa, mà sợ nhất là cướp biển. Nếu gặp lũ hung tợn này, ít nhất là mất thuyền, mất lưới, mất cá, còn lại tấm thân để trở về là may.

Rủi ro ai gánh chịu?

Thực tế cả 3 tàu cá bị nạn hồi tháng 1-2018 vừa qua đều không tham gia bảo hiểm. Vì thế, khi gặp rủi ro chỉ nhờ sự sẻ chia của chính quyền, tổ chức, cá nhân chứ không có hỗ trợ nào từ ngành bảo hiểm.

Bà Hồ Thị Phượng (59 tuổi), vợ ông Nguyễn Văn Xuân (thôn Thanh Đình, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia) – chủ tàu TH90804TS bị đắm hồi tháng 1, cho biết: Tàu của gia đình bà có 5 người nhưng từ trước đến khi xảy ra tai nạn chưa hề tham gia bảo hiểm lần nào. Bởi vì, theo bà việc đóng bảo hiểm mất quá nhiều tiền trong khi ngư dân vốn liếng ít ỏi, phải tiết kiệm chi phí.

Tương tự bà Phượng, anh Lê Văn Thiện cũng cho biết, nửa năm trước gia đình anh có tham gia bảo hiểm tàu và bảo hiểm thuyền viên, nhưng năm vừa rồi không tham gia. “Gia đình chúng tôi nghĩ là sau chuyến này về vay mượn thêm để mua bảo hiểm nhưng chưa kịp mua thì tàu đã chìm rồi. Cả đời bố tôi đi biển tích cóp rồi chạy vạy vay mượn hàng xóm mới đủ tiền đóng được con tàu ra khơi. Giờ đây, gia tài lớn nhất đã tiêu tan, bảo hiểm thân tàu cũng không có, mẹ con tôi không biết lấy tiền đâu trả nợ” – anh Thiện nói.

Tính đến tháng 4-2018, chỉ riêng huyện Tĩnh Gia, tổng số tàu cá khai thác hải sản là 2.374 chiếc. Tuy nhiên, chỉ có 178 tàu cá tham gia mua bảo hiểm thân tàu, 1.428 thuyền viên mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Trong đó, có 143 tàu cá/1.244 lao động mua bảo hiểm theo Nghị định 67. “Thực tế chung cho thấy, ngư dân có tàu công suất trên 90CV rất muốn mua bảo hiểm theo cơ chế, chính sách hỗ trợ Nghị định 67 của Chính phủ. Bởi, nếu mua bảo hiểm theo hình thức thương mại (không được hỗ trợ) thì ngư dân sẽ không có đủ điều kiện tham gia”, ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tĩnh Gia cho biết.

“Ngư dân sản xuất trên ngư trường không thể lường trước được hết những rủi ro. Vì thế, bảo hiểm đóng vai trò như “bà đỡ” gánh vác một phần tổn thất, giúp ngư dân khắc phục thiệt hại, tái sản xuất, bám ngư trường”, ông Nguyễn Văn Hỷ, Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Thanh Hóa, chia sẻ.

Lấy ví dụ về lợi ích từ việc mua bảo hiểm, ông Hỷ cho biết thêm, năm 2017, hai tàu cá TH-91567TS (xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc) và TH-90730TS (xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia) nhờ mua bảo hiểm thân tàu theo Nghị định 67 đến khi bị sóng to, gió lớn đánh chìm đã được Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt chi trả bồi thường tổn thất toàn bộ thân tàu và thuyền viên bị mất tích với tổng giá trị lên đến gần 2 tỷ đồng.

Hầu hết những rủi ro trên biển đều được công ty bảo hiểm bồi thường đúng quy định. Và để được hưởng chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, chủ tàu phải có đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định, như: Đăng kiểm, đăng ký, bằng lái, tham gia tổ đội... Việc này, từ khi có Nghị định 67, các chủ tàu đã bổ sung tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, một số chủ tàu vẫn gặp khó khăn khi cung cấp các thủ tục, giấy tờ trên do trình độ của ngư dân còn hạn chế, đánh bắt dài ngày trên ngư trường khiến việc đấu mối gặp nhiều khó khăn.

Trong quá trình thực hiện Nghị định 67, nhờ có sự vào cuộc của các cấp từ Trung ương đến địa phương và động thái rõ ràng, tích cực của công ty bảo hiểm mà tỷ lệ tham gia bảo hiểm tăng lên rõ rệt mỗi năm. Cụ thể, trong năm 2017, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt đã cấp bảo hiểm cho 670 tàu cá và 5.015 thuyền viên, chiếm khoảng 30% tổng số tàu khai thác, đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tổng doanh thu phí bảo hiểm khoảng hơn 18 tỷ đồng, trong đó chủ tàu nộp 2,4 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 15,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công ty cũng gặp không ít trở ngại. Bởi, những tập tục, suy nghĩ thiếu tích cực “chưa đi biển đã mua rủi ro vào người” vốn bám sâu vào nhận thức của ngư dân, khiến công tác tuyên truyền, phổ biến tham gia bảo hiểm gặp nhiều khó khăn.

Giảm thiểu rủi ro cho ngư dân

Thực tế hiện nay cho thấy, hàng trăm nghìn tàu, thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trên biển vẫn hàng ngày, hàng giờ đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan của các chủ tàu cá hay các tàu cá không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.

Đánh giá chung về tình hình khai thác cá ở Thanh Hóa, ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban Phát triển Thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: Thanh Hóa là tỉnh Bắc miền Trung có trữ lượng khai thác vào loại trung bình so với cả nước, ít tàu lớn và có nhiều tàu nhỏ, lạc hậu... Khoảng 90% tàu, thuyền đang đánh bắt sử dụng máy cũ nhập từ nước ngoài về, được đại tu. Thậm chí, một số ngư dân còn mua lại các loại động cơ máy bộ thải ra từ các xe công trình, đầu kéo, về đại tu và độ chế thành máy thủy làm máy chính để khai thác, đánh bắt.

Không riêng tỉnh Thanh Hóa mà mặt bằng chung cả nước, lao động nghề cá có trình độ không cao. Cụ thể, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản báo cáo với Hội đồng Lý luận Trung ương, ngư dân có trình độ từ lớp 3 trở xuống không biết chữ chiếm hơn 90%. Do đó, có trường hợp khi gặp sự cố trên biển, nhiều thuyền viên không biết cách sử dụng máy móc, phát tần số cấp cứu để báo cho đài thông tin duyên hải cũng như các tàu hoạt động xung quanh để xin trợ giúp.

Từ những nguyên nhân trên, Trưởng Ban Phát triển Thủy sản bền vững Nguyễn Tử Cương khẳng định: Để tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nỗ lực giảm thiểu tai nạn tàu cá, cần có những biện pháp mang tính kỹ thuật mà trách nhiệm này thuộc về các cơ quan đăng kiểm tàu cá các cấp. Như thiết lập các mẫu tàu cá cố định ở từng địa phương, làm cơ sở đánh giá chất lượng đội tàu cá hiện có, giám sát đóng mới tàu cá đảm bảo chất lượng, đồng thời giúp cơ quan đăng kiểm tàu cá có cơ sở phân cấp tàu. Từ việc đánh giá chất lượng đội tàu, tiến hành phân loại tàu theo tuổi thọ, theo vùng hoạt động và khả năng an toàn của tàu để có biện pháp hạn chế hoạt động đối với các tàu đã hoạt động nhiều năm, thông qua việc tăng tần suất kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với các tàu này.

Về vấn đề nâng cao trình độ ngư dân, Nhà nước nên đào tạo cho lao động nghề cá bằng một chương trình đặc biệt. Theo đó, mỗi địa phương sẽ rà soát để chọn ra những lao động trẻ, khỏe, có khả năng phục vụ cho việc khai thác cá lâu dài, lựa chọn thời gian phù hợp đưa đi học. “Chỉ có cách đó mới mong nghề khai thác cá có được đội ngũ lao động có trình độ. Khi đã có kiến thức cơ bản, họ có thể sử dụng được máy định vị, máy dò cá; có thể đối phó với thiên tai, địch hại”, ông Cương nhấn mạnh.

Việc Nhà nước tiếp tục hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tàu cá hoặc nếu có thể thì nên hỗ trợ 100%, để thu hút ngư dân tham gia bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của chính mình là một giải pháp hay, cần tiếp tục duy trì và phát triển.

Trong thời gian tới, các địa phương nên đẩy mạnh hình thành tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Các tổ đội này sẽ là biện pháp nhằm tăng cường khả năng an toàn của con tàu, ngoài vai trò là tổ liên gia ở các địa bàn thôn, xóm thì nó còn có một ý nghĩa quan trọng như là một HTX phụ trợ nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Ông Cương chia sẻ: “Đây là một hướng đi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn và tổ chức chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, rồi giảm bớt những rủi ro, thiệt hại về mặt tài sản cũng như con người, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của chúng ta”.


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]