(Baothanhhoa.vn) - Hàng năm, cứ vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ở các khu chợ sẽ gia tăng các hoạt động tập kết, tích trữ, giao thương, mua bán hàng hóa với số lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng, chống “bà hỏa” tại các khu chợ dịp cuối năm

Hàng năm, cứ vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ở các khu chợ sẽ gia tăng các hoạt động tập kết, tích trữ, giao thương, mua bán hàng hóa với số lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Phòng, chống “bà hỏa” tại các khu chợ dịp cuối năm

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) tuyên truyền, phổ biến công tác PCCC dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cho Ban Quản lý chợ Điện Biên.

Dạo quanh các chợ của TP Thanh Hóa, có thể thấy hàng hóa gia tăng đột biến ở tất cả các cửa hàng. Đơn cử như tại chợ Vườn Hoa, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) các quầy buôn bán quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em,... đều được tiểu thương nhập hàng về chật kín. Có nhiều sạp hàng chỉ rộng chừng từ 1,5m2 - 3m2, nên ngay cả diện tích lối đi, lối thoát hiểm đều được các chủ quầy hàng tận dụng để hàng hóa, khiến nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ rất cao.

Một số quầy hàng có hiện tượng kéo, mắc dây điện lộn xộn, không luồn vào ống nhựa bảo vệ; sử dụng các thiết bị không an toàn, treo mắc quần áo che lấp các ổ điện diễn ra phổ biến. Với thực trạng này, chỉ cần một đường dây bị chuột cắn, đứt, hở hay mục nát là có thể gây chập điện. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương còn có thói quen thắp nhang cúng ngay tại địa điểm buôn bán, làm cho nguy cơ cháy nổ tăng cao.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh: Chợ Vườn Hoa thuộc quản lý của Công ty CP Vườn Hoa là đơn vị có nhiều tồn tại, thiếu sót về PCCC nhất. Cụ thể như: Chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở (23 đội viên được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC ngày 20-7-2017 đã hết thời hạn 2 năm). Cơ sở chưa xuất trình được bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23-2-2018 của Chính phủ. Các cửa hàng ra vào chợ đều là cửa dạng cuốn, không phải cửa thoát nạn theo quy định. Sắp xếp hàng hóa chưa gọn gàng, hàng hóa lấn chiếm diện tích đường đi, đường thoát nạn, cửa ra vào; bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn. Bảng điện, cầu giao điện chưa được bố trí vào trong hộp đựng bằng vật liệu không cháy. Đấu nối các thiết bị điện không đảm bảo kỹ thuật điện. Hệ thống đèn chiếu sáng bằng đèn tròn tại các ki-ốt chưa có chụp phòng chống nổ. Chưa tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện phòng cháy và chữa cháy định kỳ. Không lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn thoát nạn trên lối thoát nạn tại khu vực kinh doanh.

Phòng, chống “bà hỏa” tại các khu chợ dịp cuối năm

Hàng hóa chất đầy, chiếm hết lối đi ở chợ Vườn Hoa.

Ngoài chợ Vườn Hoa, số chợ còn lại trên địa bàn TP Thanh Hóa cũng tồn đọng nhiều thiếu sót dẫn đến nguy cơ cháy, nổ. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 đến nay đã xảy ra 9 vụ cháy tại các chợ, làm thiệt hại về tài sản ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng; riêng trong năm 2019 đã xảy ra 6 vụ cháy tại các chợ. Một số vụ điển hình, gây thiệt hại nghiêm trọng trong năm 2019: Vụ cháy xảy ra tại chợ Đầu Mối, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) ngày 19-1-2019. Ngọn lửa đã thiêu rụi 16 ki-ốt bán thực phẩm khô, thiệt hại ước tính gần 5 tỷ đồng; vụ cháy xảy ra tại chợ 5 tầng tại thị xã Bỉm Sơn thiêu rụi 11 ki-ốt bán hàng, thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng; đặc biệt là vụ cháy ngày 12-10-2019 tại chợ Còng, thị trấn Tĩnh Gia (Tĩnh Gia), ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn hơn 200 ki-ốt kinh doanh, buôn bán, thiệt hại ước tính lến đến hơn 100 tỷ đồng...

Chỉ cần một chút bất cẩn, thiếu ý thức trong công tác PCCC là “bà hỏa” có thể ập đến bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ ở các chợ, đòi hỏi ban quản lý chợ, các tiểu thương phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong PCCC, chủ động chuẩn bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ.

Để đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đối với các khu chợ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người đứng đầu các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh; ban quản lý các chợ thực hiện nghiêm các biện pháp: Tuyệt đối không thắp đèn, nến, hương thờ cúng và đốt vàng mã trong chợ; không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất đặc biệt nguy hiểm như xăng dầu, cồn, gas và hóa chất dễ cháy khác ở trong nhà chợ; không để hàng hóa lấn chiếm khoảng cách giữa các lô, lối thoát hiểm; trang bị các phương tiện chữa cháy phục vụ việc thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy; lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định; tiếp tục triển khai và duy trì thực hiện các tiêu chí chợ đạt tiêu chuẩn về PCCC theo Quyết định số 1436/2017/QĐ-UBND ngày 3-5-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh và hướng dẫn các cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH trong các biên bản kiểm tra định kỳ, công văn kiến nghị, khuyến cáo về bảo đảm an toàn PCCC và CNCH.

“Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ xảy ra dịp cuối năm, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCCC đến mọi người dân, Cảnh sát PCCC và CNCH tỉnh tập trung lực lượng thường xuyên mở các đợt cao điểm nhằm kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định PCCC tại các cơ sở, nhất là tại các chợ, trung tâm thương mại. Qua kiểm tra, sẽ kịp thời kiến nghị, yêu cầu các tiểu thương khắc phục những tồn tại, thiếu sót về PCCC, kiên quyết xử phạt đối với các tiểu thương vi phạm an toàn PCCC” - Thượng úy Lê Mạnh Hà, Phó Đội trưởng Đội PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường


Bài Và Ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]