(Baothanhhoa.vn) - Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhiều xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã quan tâm xây dựng và tôn tạo các thiết chế văn hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy thiết chế văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới ở huyện Triệu Sơn

Phát huy thiết chế văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới ở huyện Triệu Sơn

Nhà văn hóa làng Quần Trúc, xã Khuyến Nông với thiết kế hài hòa, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân địa phương.

Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhiều xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã quan tâm xây dựng và tôn tạo các thiết chế văn hóa.

Không chỉ dừng ở việc xây dựng nên những công trình, mà chính quyền và người dân các xã đã biết phát huy giá trị sử dụng, góp phần phát triển đời sống tinh thần cho bà con trong huyện.

Tại xã Dân Lực, hội trường - nhà văn hóa của xã là nơi diễn ra các hội nghị, hội thi, hội diễn văn nghệ của địa phương. Các thôn trên địa bàn đều có nhà văn hóa và khu thể dục thể thao riêng theo đúng tiêu chí NTM. Nằm sát cánh đồng thoáng đãng, nhà văn hóa thôn Thị Tứ trở thành nơi tụ hội thường xuyên của nhân dân. Những buổi sinh hoạt cộng đồng, chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm trong năm được tổ chức ngày càng nhiều từ khi công trình văn hóa cấp thôn này được xây lại khang trang. Chiều chiều, tại ngôi nhà chung ấy, giọng đọc truyền cảm của ông Phạm Ngọc Chiêng sang sảng phát đi qua hệ thống loa truyền thanh thôn. Những bài báo hay, những thông tin thời sự - chính trị, các nội dung phổ biến pháp luật... được ông Chiêng sưu tầm, đọc lại để phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin của bà con trong thôn. Được biết, nhà văn hóa thôn Thị Tứ được 204 hộ dân trong thôn tình nguyện đóng góp, cộng với hỗ trợ của xã và huyện để xây dựng nên. Công trình thiết chế văn hóa có tổng giá trị hơn 700 triệu đồng này thực sự trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của gần 600 nhân khẩu. Ngay bên cạnh là một sân vận động – nơi thanh, thiếu niên và các tầng lớp nhân dân tập trung vui chơi vào cuối ngày. Sau một ngày lao động vất vả, các công trình văn hóa, thể dục thể thao chính là nơi gặp gỡ giao lưu, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong thôn làng. Đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong thôn nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể.

Một địa phương khác trên địa bàn huyện phát huy tốt giá trị các công trình thiết chế văn hóa là xã Khuyến Nông. Nơi đây, các nhà văn hóa thôn, đền thờ, đình làng đều được người dân địa phương phát huy trong xây dựng đời sống văn hóa – tinh thần. Nhà văn hóa thôn Quần Trúc, xã Khuyến Nông được xây dựng hài hòa với mái ngói đỏ, lẩn khuất dưới những tán cây cổ thụ. Những ngày lễ tết, thôn có sự kiện quan trọng, nhà văn hóa này chính là nơi sinh hoạt cộng đồng của 350 hộ dân trong thôn. Cùng xã, đình làng Quần Thanh (đền Quần Thanh) lại được chính quyền và nhân dân địa phương phát huy theo một hướng khác: Duy trì và bảo tồn lễ hội truyền thống quê hương. Ngôi đình cổ đã bị phá để lấy gỗ từ thời kháng chiến chống Mỹ, song các năm 2000 và 2016, nhân dân địa phương đã tôn tạo khang trang như ngày nay. Theo tín ngưỡng địa phương, đền thờ thành hoàng làng là tướng quân Trần Huệ - người đã cùng với Trần Khát Chân đánh đuổi giặc ngoại xâm vào thời Hậu Lê. Nơi đây vừa là nơi tụ họp, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Cứ đến dịp mùng 10 tháng giêng hàng năm, người dân trong vùng lại vận quần áo mới, tề tựu về đây để mở hội làng. Phần lễ với các màn cúng tế, rước kiệu quanh làng để cầu mong thần hoàng làng phù hộ cho mưa thuận gió hòa, ban phát phúc lộc, che chở cho dân làng. Gần đây, người dân còn rước ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, các đạo sắc phong cổ, ngựa gỗ trong đền... như là một phần không thể thiếu của phần lễ. Phần hội diễn ra từ tối mùng 9 tháng giêng với những cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao, kéo sang đến ngày mùng 10 với các trò chơi dân gian, trong đó vui nhộn nhất là trò bịt mắt bắt vịt. Có thể nói, di tích đền Quần Thanh chính là yếu tố để lưu giữ lễ hội truyền thống, giúp kết nối các thế hệ con cháu trong làng cùng thực hiện những phong tục và lễ hội tốt đẹp địa phương.

Huyện Triệu Sơn có 36 xã, thị trấn, trong đó đa phần có trung tâm hội nghị cấp xã đã đạt chuẩn theo tiêu chí NTM. Với công trình cấp huyện, huyện đồng bằng này đã xây dựng được 1 trung tâm văn hóa – thể dục thể thao và 1 thư viện. Trong giai đoạn 2009 – 2019, nhân dân toàn huyện đã đóng góp hơn 910 tỷ đồng, hiến 5,2 ha đất, ủng hộ gần 23.000 ngày công để xây dựng các công trình công cộng, trong đó có các thiết chế văn hóa, nhất là cấp thôn. Từ các công trình thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang đã thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao toàn huyện phát triển. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có ít nhất một đội văn nghệ, thường xuyên biểu diễn trong những đợt hội hè, lễ tết... Đời sống văn hóa mới được phát triển song hành cùng với phát triển hạ tầng cũng như mọi mặt đời sống – xã hội trên địa bàn. Đó cũng là đích đến mà Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM hướng tới.

Linh Trường


Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]