(Baothanhhoa.vn) - Yêu thương, tận tụy chăm sóc những người không phải ruột thịt với mình là điều không phải ai cũng làm được. Nghề chăm sóc bệnh nhân thuê hay còn gọi là “ô sin” bệnh viện, một công việc vất vả và không phải là lựa chọn của nhiều người; nhưng công việc này cũng là kế mưu sinh, đồng thời còn mang lại niềm vui cho người bệnh và thân nhân của họ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Ô sin” bệnh viện

Yêu thương, tận tụy chăm sóc những người không phải ruột thịt với mình là điều không phải ai cũng làm được. Nghề chăm sóc bệnh nhân thuê hay còn gọi là “ô sin” bệnh viện, một công việc vất vả và không phải là lựa chọn của nhiều người; nhưng công việc này cũng là kế mưu sinh, đồng thời còn mang lại niềm vui cho người bệnh và thân nhân của họ.

Nghề chăm sóc bệnh nhân thuê đòi hỏi sự tận tâm, tỷ mỉ.

“Người nhà” bất đắc dĩ

Tại tầng 5, Khu nhà điều trị nội trú, Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Trung ương, đường Nguyễn Duy, phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn), một người phụ nữ hớt hải chạy đến phòng trực bác sĩ kêu cứu với vẻ thất thần “Bác sĩ ơi! Hoạt lại lên cơn. Bác sĩ qua xem thế nào giúp tôi với”. Chưa kịp nghe hết câu trả lời của bác sĩ, người phụ nữ lại tất tưởi quay về giường bệnh xoa bóp cho người đàn ông. Một lúc sau, người bệnh thở đều và dần dần chìm vào giấc ngủ. Người phụ nữ lúc này mới thở phào nhẹ nhõm, những giọt mồ hôi chảy thành dòng xuống cổ, vai áo.

Thấy người phụ nữ tận tình và lo cho bệnh nhân như thế, nhiều người cứ tưởng bà là chị gái đang chăm em trai, hóa ra không phải. Bà tên Minh, quê ở huyện Nông Cống, ngoài 50 tuổi, là người nhà “bất đắc dĩ” của anh Hoạt. Bà được thuê trông nom anh đã gần nửa năm nay. Sau một vụ tai nạn giao thông, anh Hoạt bị liệt toàn thân và viêm phổi nặng. Thời gian đầu, người nhà cũng thay nhau chăm sóc, nhưng rồi vì công việc nên họ không thể túc trực mãi được, đành thuê bà. Mấy ngày nay, do thời tiết thay đổi nên anh Hoạt lên cơn liên tục. Những lúc như thế, bà Minh lại trở thành một “ôsin” kiêm “điều dưỡng”. Bà nắm rất rõ các chỉ số đo trên máy và theo dõi người bệnh qua máy. Khi máy báo hiệu có vấn đề, bà là người đầu tiên đi gọi bác sĩ. Chăm sóc cho người bệnh bại liệt, bà có cách nâng đỡ riêng. Ngay cả khi cho ăn bằng ống xông, bà cũng làm thuần thục, khéo léo mà ngay cả người nhà bệnh nhân cũng không thể làm được. Để làm được điều đó, bà Minh đã theo dõi các y tá, bác sĩ làm mà học theo, chứ không theo một lớp đào tạo nào. Bà Minh chia sẻ: “Cậu ấy nằm liệt giường nên chăm bẵm còn hơn là chăm con trẻ. Mọi công việc, từ bơm từng thìa cháo loãng qua đường ống vào mũi xuống dạ dày, đến vệ sinh thân thể đều do một tay bà làm. Mỗi tháng, bà được gia đình bệnh nhân trả công 8 triệu đồng”.

Cả ngày phải phục vụ bệnh nhân nhưng khi đêm xuống, bà Minh cũng không được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Bệnh viện đông đúc, việc bà chui gầm giường, gục mặt dưới chân người bệnh hay vạ vật ngoài hành lang để tìm giấc ngủ là chuyện bình thường. Nhiều lúc bà vừa chợp mắt thì bị đánh thức bởi những tiếng rên la hoặc bệnh nhân “đòi” phục vụ. Vài tiếng nghỉ đêm, bà cũng phải thức dậy đến 5-6 lần để bật máy thụt, hút đờm rồi lo khâu vệ sinh cho người bệnh. Bà chỉ thật sự được nghỉ ngơi và chăm sóc cho chính bản thân mình trong giờ các bác sĩ thăm khám.

Cũng là người nhà “bất đắc dĩ” của bệnh nhân như bà Minh, cô Út, quê ở huyện Đông Sơn, tranh thủ giờ nghỉ trưa, ra ghế đá trong khuôn viên Bệnh viện Phục hồi chức năng Thanh Hóa nghỉ ngơi. Cô Út bùi ngùi kể lại: “Vốn là gái lỡ thì, nhà lại nghèo, nên tôi bỏ quê lên thành phố kiếm sống. Lang thang mãi, cuối cùng nhờ may mắn tôi gặp được một gia đình cần người chăm sóc bệnh nhân. Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại khá vất vả, bởi người bệnh là một cụ bà bị bại liệt nên ngoài chăm sóc bệnh nhân, tôi còn là “chiếc nạng di động” bế, cõng người bệnh...”.

Theo lời cô Út, nếu “ô sin” bệnh viện được gia chủ làm hợp đồng thì sẽ được trả lương theo tháng, còn nếu được thuê theo giờ hoặc ngày thì sẽ được trả tiền ngay. Trung bình tiền công một ngày của “ô sin” bệnh viện là từ 150 đến 300 nghìn đồng. Tùy vào điều kiện kinh tế của gia chủ hoặc tình trạng bệnh nhân có những chuyển biến tích cực.

Ông bà ta có câu: “khác máu, tanh lòng” nhưng đối với những “ô sin” bệnh viện thì điều này hoàn toàn trái ngược. Với người bệnh, ngoài việc đau đớn về thể xác họ còn bị khủng hoảng về tinh thần, luôn cần có người bên cạnh. Vì thế, họ bấu víu vào “ô sin” như những người thân. Cô Út cho biết: Hiện tại, cô đang nhận chăm sóc cho một cụ ông tại Khoa Y học cổ truyền. Cô tự nhận thấy lần này mình may mắn bởi ông cụ tuy nghiêm khắc nhưng lại rất hiền. Thỉnh thoảng trong những lúc rảnh rỗi, ông vẫn ngồi kể cho cô nghe những câu chuyện chiến đấu thời xưa của ông. Cô nói rằng, thực ra chiều người già rất dễ. Họ giống hệt trẻ con ở chỗ họ rất nhạy cảm và thèm có sự quan tâm từ những người khác. Chỉ cần mình khéo léo và biết lắng nghe là mọi chuyện sẽ suôn sẻ.

Cần được đào tạo bài bản

Thực tế hiện nay, nhu cầu chăm sóc người bệnh, nhất là người bệnh già ngày càng nhiều nên nghề “ô sin” bệnh viện là một nhu cầu tất yếu và nhanh chóng phát triển thành một nghề trong xã hội dù mang tính tự phát, chưa được quản lý. Với nhiều gia đình, các “ô sin” bệnh viện thực sự là sự cứu tinh - là một giải pháp hoàn hảo. Bà Hoa, người nhà bệnh nhân Hoạt, chia sẻ: “Thuê “ô sin” bệnh viện có nhiều cái lợi, nhất là khi cuộc sống hối hả, ai cũng có đủ trăm công, ngàn việc để làm. Lỡ không may có người thân nằm viện, cả gia đình, dòng họ nháo nhác, đến khổ. Thuê được một ô sin, vừa đỡ sức người, sức của, lại thạo việc, quan trọng là phải tìm được người tin tưởng...”.

Không thể phủ nhận vai trò của “ô sin” bệnh viện đối với việc chăm sóc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, người chăm bệnh khi không có chuyên môn cũng dễ dẫn đến các nguy cơ cho người bệnh. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có không ít trung tâm đào tạo việc làm, nhưng chủ yếu đào tạo về giúp việc gia đình mà chưa có trung tâm nào được xây dựng để đào tạo, cấp chứng chỉ cho nghề chăm người bệnh. Ông Trịnh Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Thanh Hóa, cho biết: Bệnh viện không có dịch vụ cho thuê người chăm sóc, đây là lựa chọn của cá nhân gia đình bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu, gia đình bệnh nhân cần lựa chọn người kỹ càng, tốt nhất là có hiểu biết về chuyên môn. Cụ thể, để làm được nghề này, người chăm sóc phải thành thạo những kỹ năng cơ bản của một điều dưỡng, đồng thời phải biết phối hợp tốt với bác sĩ, y tá trong khâu chăm sóc, thuốc thang cho bệnh nhân. Nếu được đào tạo tốt, những người chăm sóc bệnh nhân sẽ là đội ngũ hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị của bệnh viện thông qua việc vệ sinh vết thương, chống lở loét, cho bệnh nhân uống thuốc, ăn uống đúng giờ, giúp vận động và đặc biệt là thường xuyên trò chuyện, nâng đỡ tinh thần cho người bệnh. Ngược lại, nếu chỉ làm việc theo cảm tính, thì vô tình, họ sẽ cản trở sự phục hồi của người bệnh.

Đặc thù công việc phải thường xuyên sinh hoạt ở bệnh viện, trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, hơn ai hết, “ô sin” bệnh viện cũng cần được bảo vệ. Tuy nhiên, việc phát triển tự phát, không được quản lý, không được ký hợp đồng chăm sóc... khiến “ô sin” bệnh viện khó bảo vệ được quyền lợi của mình nếu như có gì bất trắc xảy ra. Thiết nghĩ, với nhu cầu hiện nay, những người nhận chăm sóc bệnh nhân cần được đào tạo và quản lý, cũng như cung cấp dịch vụ một cách hợp pháp hơn để giúp họ có kiến thức cơ bản về nghề, biết tự bảo vệ bản thân, cũng như chăm sóc bệnh nhân.

Những người phụ nữ tôi gặp đều có những hoàn cảnh, những thân phận khác nhau đưa đẩy họ đến với công việc “ô sin” bệnh viện, thay những người thân, người con chăm sóc báo hiếu cho cha mẹ. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống nhưng tôi nhìn thấy ở họ sự tận tâm trong việc chăm sóc người bệnh. Và ở họ, điều khiến tôi khâm phục nhất là sự lạc quan ở cuộc sống - điều mà nhiều người khác không có được dù may mắn hơn họ gấp nhiều lần.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]