(Baothanhhoa.vn) - Gần như toàn xã Thành Kim, nhà nào cũng nuôi ít nhất vài đàn ong mật, kể cả cán bộ, công chức xã. Ví như gia đình ông Tĩnh, trước đây chỉ nuôi 5 đàn với mục đích giữ nghề nhưng tính đến thời điểm hiện tại, gia đình ông luôn duy trì ở mức 70 - 100 đàn, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người chắt chiu giọt ngọt

Gần như toàn xã Thành Kim, nhà nào cũng nuôi ít nhất vài đàn ong mật, kể cả cán bộ, công chức xã. Ví như gia đình ông Tĩnh, trước đây chỉ nuôi 5 đàn với mục đích giữ nghề nhưng tính đến thời điểm hiện tại, gia đình ông luôn duy trì ở mức 70 - 100 đàn, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm.

Những người chắt chiu giọt ngọt

Anh Tạ Hồng Biên, xã Ngọc Trạo (Thạch Thành) kiểm tra các cầu ong mật nuôi tại vườn nhà. Ảnh: Hương Thảo

“Bà đỡ” của nghề nuôi ong

Trong căn nhà khang trang, sung túc, đầy đủ tiện nghi, ông Lưu Văn Tĩnh, giám đốc HTX ong mật Thành Kim (thôn 1, xã Thành Kim, huyện Thạch Thành) tiếp đón chúng tôi một cách thân tình, gần gũi. Khi được hỏi về danh hiệu “bà đỡ” mà người dân trong xã quý mến đặt cho, ông Tĩnh nở nụ cười hiền, phân trần: “Nghề nuôi ong ở xã phát triển được như ngày hôm nay đều có công của tất cả mọi người cùng chung tay góp sức. Tôi chẳng qua chỉ là người “chủ xị”, đứng ra xây dựng một ngôi nhà đoàn kết cho mọi người có chỗ giao lưu, học hỏi nghề mà thôi”. Hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi ong mật, giờ đây, ngồi ngẫm nghĩ lại duyên cớ đưa đẩy và gắn bó mình với nghề, chính bản thân ông Tĩnh cũng cảm thấy lúng túng, không biết nên bắt đầu từ đâu. Chìm vào những suy tư của bản thân một hồi lâu, ông Tĩnh sâu sắc nhận định: “Nhiều khi, việc con người và nghề nghiệp gắn bó với nhau đều xuất phát từ những điều rất tự nhiên, tự nhiên đến nỗi mà chính chúng ta cũng không còn bận tâm đến, chỉ một mực lo làm ăn, phát triển nghề”.

Đất dưỡng nghề, nghề vận vào nghiệp của những người con từ đất mà lớn lên. Chính bởi vậy mà gần như toàn xã Thành Kim, nhà nào cũng nuôi ít nhất vài đàn ong mật, kể cả cán bộ, công chức xã. Ví như gia đình ông Tĩnh, trước đây chỉ nuôi 5 đàn với mục đích giữ nghề nhưng tính đến thời điểm hiện tại, gia đình ông luôn duy trì ở mức 70 – 100 đàn, thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm. Nhận thấy khả năng mang lại lợi nhuận kinh tế từ việc nuôi ong, ông Tĩnh quyết tâm đi sâu vào tìm hiểu nghề, đặc biệt là trau dồi kiến thức, hiểu biết của bản thân về quy trình, kỹ thuật nuôi ong mật để đạt được hiệu quả, sản lượng cao. Càng tìm hiểu ông càng nhận thấy tiềm năng, giá trị và những hạn chế trong nghề nuôi ong ở địa phương. Ông Tĩnh đưa ra đánh giá sơ bộ: “Xã Thành Kim nói riêng, huyện Thạch Thành nói chung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong mật. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều nuôi theo kinh nghiệm, tự phát, thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăm nuôi, kỹ năng tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm...”. Sau nhiều đêm trăn trở với biết bao tâm huyết, tình yêu dành cho nghề, ông Tĩnh chủ động đứng ra thành lập câu lạc bộ nuôi ong, vận động người dân trong vùng hăng hái tham gia chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong các khâu sản xuất giống và tiêu thụ sản phẩm. Đầu năm 2018, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo, ông Tĩnh đã mạnh dạn đề xuất thành lập HTX ong mật Thành Kim. Sau một thời gian hoạt động, đến nay, HTX đã có 52 thành viên là các hộ gia đình tham gia với tổng số đàn ong lên tới hơn 1.000 đàn. Sản lượng bình quân khoảng 10 tấn mật ong/năm, thu nhập khoảng hơn 2 tỷ đồng. Sản phẩm mật ong của HTX mật ong Thành Kim thơm ngon, đảm bảo các giá trị dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Tĩnh phấn khởi cho biết: “Trong thời gian tới, HTX sẽ tiến hành các bước làm thương hiệu cho sản phẩm. Đến lúc ấy, tôi tin chắc rằng, nghề nuôi ong ở xã Thành Kim sẽ còn phát triển hơn trước rất nhiều”.

Anh “thợ chúa” say nghề

Nhìn dáng vẻ hiền lành, điệu bộ hay tủm tỉm cười của anh Trần Văn Hợi, phó giám đốc kiêm kỹ thuật HTX ong mật Thành Kim (49 tuổi, thôn Lâm Thành, xã Thành Kim) mấy ai nghĩ được rằng người đàn ông ấy lại là một tay “thợ chúa” – thợ làm ong chúa nhân tạo khét tiếng trong vùng và ở cả những vùng lân cận. Gần như các hộ nuôi ong trên địa bàn đều đã có ít nhất một lần qua tay anh Hợi thay chúa, tái tạo đàn. Để chúng tôi hiểu rõ hơn về công việc của mình, anh Hợi nhiệt tình giải thích: “Một trong những nguyên tắc sống còn để đàn ong phát triển là con chúa phải khỏe mạnh để đảm bảo chức năng sinh sản. Người nuôi ong phải thường xuyên kiểm tra, khoảng 3 - 4 tháng định kỳ thay chúa một lần. Khi ong chúa già cần được thay thế bằng cách kích thích để đàn ong tự tạo ong chúa mới hoặc đưa mũ ong chúa tốt từ đàn ong khác sang. Ong chúa tốt có thân hình lớn, đẻ đều, đẻ nhiều trứng, tỷ lệ trứng thụ tinh cao. Khi đàn ong đã phát triển đông đúc, chủ động tạo thêm mũ chúa để đàn ong sớm sẻ đàn một cách tự nhiên”. Nghe thì có vẻ đơn giản như vậy nhưng để làm ra một con ong chúa chất lượng, “thuyết phục” được cả đàn ong không phải ai cũng làm được. Nhiều người tự mày mò làm thử nhưng đều thất bại, cả đàn ong rủ nhau bay hết.

Hơn 20 năm trong nghề, từng có thời điểm khó khăn tưởng như không đứng vững được, anh Trần Văn Hợi đã thành công xây dựng cho mình thương hiệu riêng bằng sự cầu tiến, thái độ ham học hỏi. Và quan trọng hơn tất thảy, anh đến với nghề nuôi ong bởi cuộc sống mưu sinh thúc giục nhưng ở lại và gắn bó với nghề từ chính niềm đam mê. Anh muốn được trả ơn nghề. Anh kể: “Trước đây gia đình mình khó khăn lắm. Để có tiền trang trải cuộc sống, mình lăn lộn làm đủ nghề nhưng chỉ toàn thất bại. Sau mỗi một lần thất bại, mình chán nản nghĩ “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Nghĩ thông suốt rồi chốt lại đi tìm nghề nào phù hợp với mình để đầu tư học hỏi”. Thương anh loay hoay tìm sinh kế, bạn bè giới thiệu cho anh làm quen với nghề nuôi ong. Mới đầu vốn liếng ít nên hạn chế đầu tư đàn, hiểu biết kỹ thuật còn sơ sài nên thu nhập chưa đáng kể. Anh Hợi nhớ, mỗi chai mật ong khi ấy bán ra thị trường có giá 40 - 80 nghìn đồng, lời lãi chẳng đáng là bao nhưng giúp anh thêm niềm tin, nghị lực tiếp tục phát triển nghề. Năm 2003, anh gặt hái thành công rực rỡ. “Mật ngọt” của nghề giúp anh Hợi có điều kiện xây nhà khang trang, sắm sanh nội thất tiện nghi, hiện đại, phương tiện đi lại... Anh Hợi xúc động: “Nhiều năm rèn giũa, trau dồi kinh nghiệm, lang thang khắp trong Nam ngoài Bắc, cuối cùng, tôi cũng tìm được cho mình một công việc thích hợp, vừa để phát triển bản thân, vừa được làm giàu trên chính quê hương mình”. Tính đến nay, anh Hợi luôn duy trì số lượng nuôi khoảng 100 đàn ong lấy mật. Ngoài ra, anh mở rộng bán giống, bán vật tư và chuyển giao công nghệ, giúp các thành viên HTX nuôi ong mật Thành Kim làm chúa, gây đàn. Bình quân hằng năm, nghề nuôi ong mang lại cho anh Hợi mức thu nhập từ 200 – 250 triệu đồng.

Nhìn những con số về tổng đàn ong, sản lượng mật, thu nhập bình quân hằng năm đã thể hiện rõ ràng giá trị kinh tế mà nghề nuôi ong mang lại cho người dân. Tuy nhiên, trong câu chuyện xây dựng và phát triển nghề của ông Lưu Văn Tĩnh, anh Trần Văn Hợi vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là những nỗi niềm chung mà ngay cả các hộ nuôi ong nhỏ lẻ, không theo mô hình HTX đều phải đối mặt. Ngoài những lý do mang tính khách quan như: Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh thì yếu tố thị trường và nguồn vốn đầu tư được nhận định như là những nguyên nhân quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề phát triển nghề. Anh Tạ Hồng Biên (xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành), gia đình có truyền thống 3-4 đời nuôi ong mật chia sẻ: “Thực tế cho thấy, sản phẩm mật ong chúng tôi làm ra thơm ngon, đảm bảo chất lượng nhưng tiêu thụ lại khó do khả năng tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu chưa thực sự tốt. Bên cạnh đó, do còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư nên khả năng phát triển đàn, tái đàn thấp”. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: “Tuy chưa được cơ cấu trong định hướng phát triển kinh tế nhưng trên địa bàn toàn huyện Thạch Thành hầu như xã nào cũng có nghề nuôi ong. Năm 2019, tổng số đàn ong của huyện đạt 17.810 đàn”. Trong thời gian qua, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề. Hằng năm, huyện giao trạm thú y, trạm khuyến nông, Trường Trung cấp nghề Thạch Thành tổ chức tập huấn cho các hộ nuôi ong trên địa bàn. Năm 2018, Huyện ủy, UBND huyện Thạch Thành chủ trương xây dựng HTX chuyên biệt về nuôi ong mật và hiện đã có 2 HTX được thành lập: HTX Thành Hưng và HTX Thành Kim. Một số hộ đầu tư phát triển nghề một cách bài bản, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất như: Máy diệt nấm, máy tách thủy phần, đăng ký thương hiệu, nhãn mác sản phẩm...

Đời người nuôi ong mật thú vị ở chỗ nhiều khi cũng cảm thấy mình như được tiêu diêu, tự tại theo các mùa hoa, trên nhiều vùng đất xa xôi, lạ lẫm. Niềm đam mê, lòng yêu nghề, ý chí phấn đấu đã là điều vốn có. Họ luôn cần mẫn làm công việc chắt chiu từng giọt ngọt cho đời giờ đây chỉ cần có thêm những cơ chế thuận lợi hơn để tạo thêm nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của nghề theo hướng bền vững.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]