(Baothanhhoa.vn) - Màn đêm buông xuống, khi những cư dân thành phố đã quây quần trong căn nhà ấm cúng, thì cũng là lúc nhiều người lao động bươn bả ra đường, tất bật thâu đêm mong kiếm thêm được chút tiền để về lo cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưu sinh trong đêm

Màn đêm buông xuống, khi những cư dân thành phố đã quây quần trong căn nhà ấm cúng, thì cũng là lúc nhiều người lao động bươn bả ra đường, tất bật thâu đêm mong kiếm thêm được chút tiền để về lo cuộc sống.

Quán nước vắng người trong đêm.

Nhiều năm nay “cuộc sống về đêm” của những dân nghèo này vẫn vậy. Bất kể trời mưa tầm tã hay đêm đông lạnh lẽo, những gánh hàng, xe đẩy của họ vẫn hiện diện trên các con đường từ chập tối cho tới sáng hôm sau... Dạo quanh các con đường trong thành phố vào độ 0 giờ đến sáng mới thấu được nỗi vất vả của họ, những anh xe ôm, cô bán hàng nước, chú bán bánh bao, người nhặt rác... đang cần mẫn tích cóp cho bữa cơm gia đình đủ đầy.

Mưu sinh trong bóng đêm

Một ngày đầu tháng 3-2018, cơn mưa phùn kéo dài từ sáng bất ngờ trở nên nặng hạt, gió táp vào mặt lạnh buốt. Thành phố chìm dần trong giấc ngủ. Dưới ánh đèn vàng héo hắt, những dáng người vội vã trở về nhà sau một ngày mệt mỏi. Dạo quanh các con đường của thành phố, điểm nhìn của tôi bị níu lại bởi một bóng người nơi góc đường. Đó là một người phụ nữ mặc chiếc áo khoác đen không khuy phong phanh, sờn rách. Chị đang lom khom móc sọt rác trước cửa quán, đôi mắt dõi tìm những thứ có thể nhặt được. Thấy người lạ, chị kéo nhẹ chiếc khăn trùm đầu chỉ để hở hai con mắt, hai hàm răng của chị dù cố ngậm chặt vẫn va vào nhau lập cập. “Thùng rác này chẳng có gì để nhặt. Phải đi chỗ khác thôi. Cũng may, từ tối đến giờ đi nhặt được gần một xe rồi đấy”. Nói là đầy một xe, nhưng chiếc xe đạp của chị chỉ là mấy thứ linh tinh: Hơn chục bìa giấy cacton rách toạc, mươi vỏ lon bia, nước ngọt... Chị khoe: “Mỗi đêm nhặt ve chai bán được vài chục ngàn đồng đấy, không ít đâu”.

Trong cuộc trò chuyện vội vã giữa đêm khuya, một người phụ nữ giới thiệu tên Nhượng, 46 tuổi, quê Hậu Lộc. Đối với chị, khái niệm ngày và đêm không tồn tại và giấc ngủ cũng là một điều để mà mơ. Cuộc sống cứ xoay vòng theo kim đồng hồ với hy vọng con mình có đủ tiền đóng học phí ở quê nhà. Chị Nhượng có chồng và hai con. Tuy nhiên, khi đứa con thứ hai chào đời chưa đầy ba tháng, chồng chị dứt áo ra đi đến nay không có tung tích. Một mình quần quật làm lụng nhưng cuộc sống ở quê nhà không làm sao kiếm đủ hai bữa cơm và tiền đóng học phí cho con, chị đành gửi lại hai đứa con cho bà ngoại rồi lên thành phố kiếm sống. Không tiền, không nghề nghiệp, hằng đêm, chị đạp xe đi khắp các con đường, khu chợ để tìm những thứ mà người ta bỏ đi. Làm lụng vất vả một thời gian, góp được ít vốn chị lại nghĩ cách kiếm tiền mới: Ra chợ đầu mối lấy hoa quả rồi chở đi bán dạo. Chị vùi mình vào với công việc mưu sinh để cố giấu đi nỗi nhớ nhà, nhớ con. Mỗi ngày đêm có khi đạp xe mấy chục cây số cũng chỉ kiếm được hơn 200.000 đồng tích góp gửi về quê. Với chị, bữa ăn chính là gói mì tôm, bát cơm nguội hay gói xôi. Có những đêm đói quá nhưng cũng không dám mua thứ gì ăn vì xót tiền. Chị rời quê từ khi đứa con trai thứ hai mới chập chững bước đi, đến nay con đã vào cấp ba nhưng cuộc sống của chị vẫn thế. “Khổ thì mình cũng đã khổ rồi. Giờ cũng cố gắng làm lụng kiếm tiền gửi về cho con ăn học để sau này có cái nghề tử tế, không phải lận đận, khổ sở như mẹ nó nữa”, chị bảo rồi đưa bàn tay bầm tím vì lạnh lên miệng hà hơi, xuýt xoa: “Chà! Rét thật” rồi lại khoác chiếc áo tơi đạp xe rẽ sang Đại lộ Lê Lợi cũng vắng hoe người. Bóng người phụ nữ đổ dài trong đêm giá lạnh.

Không “sướng” hơn chị Nhượng, anh Dương, quê Yên Định chạy xe ôm đứng ngay Tượng đài Lê Lợi cũng ngong ngóng nhìn phía đường tìm khách “để hoàn thành mục tiêu” trong đêm. “Mục tiêu” của anh là “đêm nay phải chở khách đủ 50.000 đồng chứ không tiền ăn, tiền nhà trọ chưa đủ chứ nói gì đến chuyện kiếm tiền cho vợ chữa bệnh, con đi học”. Vợ anh nằm Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực gần 2 năm nay vì bệnh tim. Khăn gói đưa vợ đi chữa bệnh, anh Dương bám lại thành phố, ngày chăm sóc vợ, đêm chạy xe ôm kiếm tiền. Mặc dù mặc đến ba cái áo và chiếc khăn bông to choàng kín cổ nhưng anh Dương vẫn ho sù sụ. “Mình mà bệnh thì toi cả nhà!”, anh Dương nói hồn nhiên mà đôi mắt thì lộ rõ lo lắng. Nói thế, nhưng anh vẫn sờ ngực tìm châm điếu thuốc hít hà: “Đợi chút nữa không có khách thì đi về. Mai chạy bù”. Đồng hồ chỉ 2h đêm. Anh móc túi nheo mắt đếm những đồng bạc lẻ: Được 31.000 đồng.

Tranh thủ 15 phút nghỉ đợi xe rác về, mấy chị công nhân thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa túm năm tụm ba chia sẻ với nhau từng chiếc kẹo gừng ngậm cho ấm bụng. Bác Hoa, 57 tuổi, quê Yên Định kể: “Làm ca đêm từ 5h chiều đến 3, 4h sáng hôm sau nên hơn chục năm nay đâu có ngày nào ăn bữa cơm tối cùng gia đình. Chồng con buồn nhưng mãi rồi cũng thành quen”. Chiếc kẹo gừng chưa kịp tan trong miệng thì xe rác lại kéo về. “Xe về sớm chắc nay được tan ca sớm hơn mọi ngày”, bác Hoa nói như reo. Nhóm người tản ra nhanh chóng, những chiếc chổi tre cần mẫn lại thoăn thoắt, đều đặn đưa qua, đưa lại trên mặt đường, trong ánh đèn đường đêm vàng vọt...

Công việc vất vả là thế, nhưng với những người lao động trên, họ có được việc làm là điều may mắn. Khi có việc đều đặn họ mới góp nhặt những đồng tiền ít ỏi gửi về quê lo cho gia đình, nuôi các con ăn học...

...để chắp cánh cho những ước mơ con trẻ

Chúng tôi chạy vòng lên chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương, phường Đông Hương khi những chuyến hàng đầu tiên đã tập kết. Từ khắp nơi, bà con lũ lượt đổ về. Xe thồ kĩu kịt. Rau xanh, củ quả mơn mởn, chất cao có ngọn, buộc lặc lè ở phía sau. “Mặc dù đến nửa đêm chợ mới đông, nhưng chị em chúng tôi đã phải xuất hành từ 8 - 9h tối mới kịp”, chị Phùng Thị Huệ, ở xã Nga Thành, huyện Nga Sơn kể. Phía xa đèn cao áp, hàng chục người ngồi âm thầm trong bóng tối nhờ nhờ. Không ai nhìn rõ mặt ai. Họ phải soi đèn pin để chọn rau, đếm tiền. Bàn tay nhặt rau lạnh cóng. Chợ có mái che nhưng rất nhiều người phải mặc thêm chiếc áo mưa. “Mặc thế này cho khỏi lạnh. Dạo này trời lạnh lâu quá, ai cũng bị ho, viêm họng nặng. Tôi thức ở chợ rau này 5 - 6 năm rồi nhưng vẫn không quen được với kiểu thời tiết này”, người đàn bà tên Tùy, khoảng 50 tuổi, ở huyện Đông Sơn vừa vội vã bốc cà chua vào sọt để cân đong vừa kể lể, không kịp ngẩng lên nhìn khách, thi thoảng lại gục đầu ho sù sụ từng cơn.

Tầm 3h sáng. Gió bấc thốc từng cơn. Vợ chồng anh Sỹ - chị Trang (Đông Sơn) mải miết khuân những mớ rau cải chất chồng rồi chống xe lên ngồi đợi khách. Thương chồng vừa đi đường xa, chị Trang chạy mua cho chồng cái bánh mì ngải cứu nóng hổi, anh Sỹ ăn xong rồi đắp chiếc áo mưa ngả lưng trên yên xe ngủ ngon lành. Chỉ chừng 30 phút, những xe khác ào đến, anh Sỹ giật mình: “Sáng rồi à?”. Hai vợ chồng anh lại thoăn thoắt thọc tay nhúng những mớ rau cải vào chiếc thuyền nước lạnh cóng cho sạch sẽ để kịp buổi chợ đã đông người gọi nhau í ới. Chị Trang tâm sự: “Đấy, đêm nào cũng lọ mọ suốt như thế... lắm hôm đi chợ về người ngợm đau ê ẩm. Biết là vất vả nhưng mình phải cố để lo cho cuộc sống gia đình và tương lai con cái sau này. Một đời lam lũ, bao nhiêu mồ hôi và những giọt nước mắt, vợ chồng mình nguyện dành tất cả sự hy sinh để đổi lấy một tương lai tươi sáng hơn cho các con...”.

Để kiếm được đồng tiền, những đứa trẻ cũng phải nương mình theo bố mẹ trải qua những đêm dài vật lộn mưu sinh. Vợ chồng anh Hoàng Văn Nam và chị Trịnh Thị Hà ở TP Thanh Hóa đã có hơn 9 năm gắn bó với nghề buôn bán mưu sinh ở chợ đêm này. Vợ chồng chị Hà dường như đã quên mất nhịp sống của bao người bình thường. Cứ thế ngày ngủ đêm thức, lấy đêm làm ngày lăn lộn mưu sinh. Chị kể, “Thường thường thì hai vợ chồng đi từ lúc xẩm tối để lấy hàng về chợ, đến lúc bán hết hàng về nhà thì con cái đã đi học cả. Hai đứa con chị cũng ngoan ngoãn, thường bảo ban nhau học hành nên anh chị cũng yên tâm phần nào”. Tôi hỏi làm việc vất vả thế thu nhập có khá không? Anh chị cười giòn tan át hẳn cái lạnh trong đêm: “Vất vả lắm cô ơi. Kiếm được đồng tiền lúc nào chẳng khó khăn, nhất là trong cái thời buổi này. Nhưng mỗi đêm hai vợ chồng lăn lộn cũng kiếm được 300 - 400.000 đồng...”.

Cô con gái đầu của anh chị thấy bố mẹ vất vả, thỉnh thoảng cũng ra giúp nhưng anh chị không cho vì bảo việc chính của con là phải học, có học thì đời mới bớt khổ được. Thế nhưng vào những dịp cao điểm như lúc cận tết, thì cả gia đình cha mẹ con cái đều túc trực ở đây. Vợ đi lấy hàng, chồng đứng bán hoặc ngược lại. Có lúc cả vợ chồng đều đi hết, hai đứa nhỏ đứng thay cha mẹ. Nhiều lúc mệt quá, thằng con trai chị Hà ngủ ngay bên sạp rau. Bữa sau anh Nam sắp sẵn cái chăn dọn cho thằng bé chỗ đặt lưng, còn hai vợ chồng thì lo buôn bán...

Thành phố đang trên con đường phát triển và hội nhập mạnh mẽ, mỗi ngày một hiện đại với biết bao dự án quy hoạch khu đô thị mới, chung cư, nhà cao tầng, khách sạn... nhưng đâu đó trong lòng thành phố về đêm vẫn còn quá nhiều người khó khăn, vất vả. Đằng sau hàng trăm số phận mưu sinh trong đêm là những đứa con được học hành đàng hoàng, được bước chân vào giảng đường đại học; là những cha mẹ già được nuôi dưỡng, là những nhu cầu cuộc sống được đáp ứng. Chỉ có nỗi nhọc nhằn và thiệt thòi của người lao động là không thể đo đếm được...


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]