(Baothanhhoa.vn) - Dọc theo bờ sông Mã từ xã Thanh Xuân lên xã Trung Sơn (Quan Hóa), chứng kiến tận mắt những cung đường bị tàn phá nghiêm trọng, mới hiểu sự hung dữ của thiên nhiên. Quốc lộ 15A quanh co, một bên là núi cao với hàng trăm khối đất, đá, tre, luồng đổ xuống. Một bên là triền sông với những điểm bị xói lở sâu hoắm vào lòng đường. Nhiều cơ sở sản xuất lâm sản tan hoang. Máy móc, nguyên vật liệu cái còn cái mất. Dọc đường đi, rác rưởi, túi ni lông vẫn còn treo lơ lửng trên những cột điện cao 5, ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lũ đi... nỗi lo ở lại

Dọc theo bờ sông Mã từ xã Thanh Xuân lên xã Trung Sơn (Quan Hóa), chứng kiến tận mắt những cung đường bị tàn phá nghiêm trọng, mới hiểu sự hung dữ của thiên nhiên. Quốc lộ 15A quanh co, một bên là núi cao với hàng trăm khối đất, đá, tre, luồng đổ xuống. Một bên là triền sông với những điểm bị xói lở sâu hoắm vào lòng đường. Nhiều cơ sở sản xuất lâm sản tan hoang. Máy móc, nguyên vật liệu cái còn cái mất. Dọc đường đi, rác rưởi, túi ni lông vẫn còn treo lơ lửng trên những cột điện cao 5, 6 mét - vết tích của trận lũ lịch sử trong vòng 40 năm trở lại đây.

Huyện Quan Hóa đang tiếp tục huy động phương tiện san ủi, thông một số tuyến đường.

Chúng tôi đến xã Trung Sơn, một trong những xã vùng cao bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Quan Hóa. Nơi đây, các tuyến đường giao thông liên thôn bản vẫn còn nhiều điểm chưa thông suốt. Bản Co Me vắng vẻ, 13 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi hoàn toàn. Những nếp nhà còn lại cheo leo bên triền sông Mã như có thể rơi xuống dòng sông bất cứ lúc nào. Trưởng bản Co Me Phạm Bá Thược, cho biết: Sau trận lũ lớn trên sông Mã và lũ quét tại các khe suối, khu vực bản Co Me bị sạt lở rất nghiêm trọng. Đồi Co Me cũng bị nứt hơn 1m, nguy cơ đổ sập xuống bản nếu tiếp tục có mưa lũ. 154 hộ dân bản Co Me được di dời lên khu tập thể của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn và ở tạm tại các lán, bạt trên các đồi luồng. Tuy đã được di chuyển đến nơi an toàn song, cuộc sống của các hộ dân đang gặp rất nhiều khó khăn do các gia đình phải ở tạm, ở ghép trong điều kiện chật chội. Quay lại bản cũ là điều không thể, nên người dân rất mong xã, huyện bố trí nơi ở mới để ổn định cuộc sống và sản xuất. Lếch thếch mang theo con nhỏ chưa đầy 2 tuổi lên xã nhận cứu trợ về, chị Ngân Thị Soạn, bản Co Me buồn rầu kể: Nhà mất rồi, đồ đạc cũng không còn gì cả, lâu nay nhà mình sống bằng gạo và mì tôm cứu trợ. Muốn về bản lắm mà không được nữa rồi.

Ngoài xã Trung Sơn, trên địa bàn các xã khác như Thanh Xuân, Trung Thành, Phú Xuân, Phú Lệ... nhiều cơ sở hạ tầng cũng bị tàn phá, hư hỏng. Tính đến hết ngày 10-9, trên địa bàn huyện Quan Hóa có 858 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 135 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 7 điểm trường bị thiệt hại; nhiều cơ sở hạ tầng khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Công tác khắc phục hậu quả lũ lụt đang được huyện triển khai gấp rút trong bộn bề những khó khăn. Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Trăn trở lớn nhất với địa phương hiện nay là bố trí chỗ ở cho các hộ gia đình ở bản Co Me, xã Trung Sơn và tìm vị trí thích hợp để di dời Trường Tiểu học Trung Sơn. Sáng 11-9, UBND huyện Quan Hóa đã thành lập đoàn công tác đi khảo sát vị trí phù hợp. Tuy nhiên, quanh địa bàn đồi Co Me là khu vực đồi đất dốc nên rất khó để có thể bố trí đủ diện tích cho cả trường học và 154 hộ dân bản Co Me.

Sau lũ, cuộc sống của bà con chịu thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Mường Lát cơ bản đã thoát khỏi nguy hiểm, bất ổn. Nét thất thần, sợ hãi đã qua đi trên những gương mặt, tuy nhiên, vẫn còn đó những bộn bề, lo toan về tương lai.

Khu trường tiểu học cũ xã Tam Chung, một buổi sáng mùa thu trong lành. Lũ đi qua, thiên nhiên lại dịu dàng trở lại, nhưng, lòng người thì đến bao giờ mới trở lại bình yên. Ngồi thẫn thờ nhìn lũ trẻ nhỏ nô đùa ở khoảng đất trước trường, bà Hà Thị Oắt, bản Poọng, xã Tam Chung mông lung nghĩ về tương lai của gia đình mình. Cái hôm lũ về, hai ông bà già bồng bế đứa cháu gái Hà Thị Niên cố chạy thật nhanh trước khi dòng nước lũ hung tợn xô tới. “Bà chẳng kịp mang gì theo, chỉ tiện tay vớ vội vài ba bộ quần áo. Đau lòng lắm! Giờ ông bà chẳng còn nhà để về nữa” – bà Niên trải lòng về viễn cảnh u ám của tương lai. Cuộc sống thường ngày của ông bà cũng đã đủ khó khăn lắm rồi. Một khoảng ruộng nhỏ, đàn vịt 20 con, 2 con lợn mán – bà Oắt thống kê nhanh lại nguồn kế sinh nhai của gia đình mình. Bà dự tính cuối năm sẽ bán đi cả 2 con lợn, để dành tiền cho chồng đi chữa bệnh. Nếu còn dư thì mua cho cháu gái một, hai bộ quần áo mới. Bố mẹ không may mất sớm, Niên ở với ông bà từ khi lên 6 tuổi, chịu đủ thiệt thòi của cuộc sống. Lần nào giặt quần áo, bà cũng ngồi thẫn thờ nhìn những vết vá chằng chịt trên quần áo của cô cháu gái mà đau lòng. Mỗi lần cho lợn ăn, là mỗi lần bà Oắt nghĩ tới khoảnh khắc được nhìn đứa cháu tội nghiệp xúng xính, hạnh phúc khi được mặc quần áo mới. Niềm vui nhỏ bé đó, bà giấu kỹ, nhen nhóm từng ngày. Ấy vậy mà, trận lũ vô tình quét qua, đã phá đi mọi kế hoạch, giấc mơ của bà. Bản Poọng có 33 hộ gia đình bị lũ cuốn trôi mất nhà, mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau. Rồi đây, họ sẽ phải rời xa mảnh đất của mình để đến với vùng đất mới. Họ phải gây dựng lại từ đầu, sẽ khó khăn, nhưng đó là cách duy nhất để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Chia tay những người dân bản Poọng, tôi lên với bản Qua, xã Quang Chiểu (Mường Lát). Sau lũ, bản Qua chịu cảnh cô lập. Bộ đội, dân quân phải trèo đèo, lội suốt gánh gạo lên cho bà con. Anh Vi Văn Thiến, Trưởng bản Qua dẫn tôi đi một vòng quanh bản để chứng kiến những di chứng của trận lũ lịch sử để lại. Trong số 20 hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà, 11 hộ đã được bố trí tại khu nhà cũ của phân viện tại bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát), 9 hộ còn lại ở tạm tại gia đình họ hàng. Anh Thiến chia sẻ: “Lũ tới nhanh và bất ngờ khiến bà con không kịp trở tay. Với những thiệt hại nặng nề này, phải rất lâu nữa bản mới có thể hồi sinh. Bản rất cần đến những hỗ trợ của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm”.

Tôi gặp ông Hà Văn Thìn khi ông đang cố gắng nhặt nhạnh lại chút tài sản của gia đình đã bị bùn đất vùi lấp. Cũng chẳng giá trị gì, chỉ là hai, ba chiếc xô, chậu đã cũ, một vài tấm gỗ còn xót lại để sau này còn dựng lấy căn nhà tạm bợ. Gia đình ông Thìn thuộc diện nghèo nhất bản, trớ trêu, nước lũ cũng không tha cho hoàn cảnh đó. “Nước lũ vô tình quá!” – câu nói của người đàn ông đã đi qua 2/3 cuộc đời này khiến tôi không khỏi xót xa. Vẫn biết rằng, khi thiên nhiên nổi giận thì không một ai, không ở nơi đâu có thể tránh khỏi. Một ngôi nhà, một mảnh ruộng, mấy con lợn, con ngan, chút niềm tin để họ có thể nhen nhóm lên hạnh phúc, một trận lũ về, lấy đi tất cả.

Từ đầu xã Trung Lý lên đến cuối xã Mường Chanh, 8 xã của huyện Mường Lát, nơi đâu cũng phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do trận mưa lũ lịch sử gây ra. Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan, ban ngành của tỉnh cùng toàn bộ hệ thống chính quyền huyện Mường Lát vẫn đang chạy đua từng ngày cho công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Bước tiến đầu tiên, vào lúc 16 giờ ngày 10–9, tuyến Quốc lộ 15C đi huyện Mường Lát đã được thông xe tạm thời. Việc thông xe tạm thời tuyến đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân... vận chuyển hàng hóa ủng hộ đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra.


Bài và ảnh: Trần Minh và Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]