(Baothanhhoa.vn) - Ngày 1-5-2013, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã có hiệu lực, quy định rõ về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để PCTHTL. Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 176/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Nhưng qua hơn 5 năm, việc thực thi vẫn kém hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khó xử lý vi phạm hút thuốc lá

Ngày 1-5-2013, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã có hiệu lực, quy định rõ về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để PCTHTL. Cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 176/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Nhưng qua hơn 5 năm, việc thực thi vẫn kém hiệu quả.

Nhiều thanh niên vô tư hút thuốc nơi công cộng.

Dễ như mua... thuốc lá

Luật PCTHTL có quy định cấm mọi hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua bán thuốc lá... Tuy nhiên, từ khi có hiệu lực thi hành đến nay, luật này vẫn rất khó đi vào cuộc sống vì chưa có chế tài xử phạt. Một khi người dân không biết mình phạm luật thì họ vẫn cứ thản nhiên làm. Hiện nay nhiều phụ huynh vẫn sai con đi mua thuốc lá và không phải ai cũng biết rằng việc đó vi phạm pháp luật.

Trong Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới mà Việt Nam đã ký kết tham gia có những điều khoản thi hành các biện pháp lập pháp, hành pháp, hành chính và các biện pháp khác có hiệu quả tại cấp chính phủ phù hợp để cấm việc bán các sản phẩm thuốc lá cho những người dưới tuổi quy định bởi luật trong nước, luật quốc gia hoặc người dưới 18 tuổi. Những biện pháp này có thể bao gồm: Yêu cầu mọi người bán các sản phẩm thuốc lá đặt một bảng hiệu rõ ràng và nổi bật tại các điểm bán của họ về việc cấm bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên.

Pháp luật quy định như trên nhằm ngăn ngừa những hệ lụy từ việc để trẻ em tiếp xúc nhiều với rượu và thuốc lá ngay từ nhỏ, theo thời gian trở thành quen, rồi lén tập sử dụng. Do vậy, nên phổ biến rộng rãi cho người dân biết và hiểu quy định cấm bán thuốc lá cho trẻ em, nhất là ở vùng nông thôn. Đồng thời luật cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định tại Điều 11, Điều 12, trừ điểm a, Khoản 1, Điều 12 của Luật PCTHTL; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS, THPT, viện nghiên cứu y học, bệnh viện... trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó. Tuy nhiên thực tế vẫn còn rất nhiều hàng quán gần trường học vẫn bán thuốc lá cho học sinh.

Theo Điều 24, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, chưa có văn bản nào quy định chế tài xử phạt việc cung cấp, mua bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi nên tại các cửa hàng bán thuốc lá vẫn “vô tư” bán...

Tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Lê Hữu Lập (TP Thanh Hóa), chúng tôi nhờ một em nhỏ 12 tuổi vào mua một bao thuốc lá. Sau khi nói loại thuốc cần mua và đưa tiền, em nhanh chóng được người bán đưa cho gói thuốc. Khi chúng tôi hỏi chủ cửa hàng tạp hóa có biết quy định cấm bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên không thì bà vô tư phân trần: Nó đưa tiền thì tôi bán thôi. Mà nó còn nhỏ chắc mua thuốc cho bố nó thôi chứ nó hút làm sao được?!

Có một thực tế, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày một tăng cao, kèm theo đó các cửa hàng tạp hóa cũng ngày càng phát triển, trong đó mặt hàng “thiết yếu”, được tiêu thụ một lượng không nhỏ cũng có thuốc lá. Ai bán cũng được và ai mua cũng được...

Thản nhiên hút thuốc nơi công cộng...

Nhiều ngày có mặt ở các nơi công cộng, chúng tôi ghi nhận tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra rất phổ biến. Tại khu vực bến xe, những tấm biển cấm thuốc lá được dán khắp nơi nhưng nhiều người vẫn phì phèo hút mà không thấy người có trách nhiệm nhắc nhở hay xử phạt với hành vi hút thuốc nơi công cộng.

Trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa vẫn còn nhiều người bệnh và người nhà bệnh nhân vô tư hút thuốc lá. Khi được hỏi, ông Lê Văn Dậu (xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa) phân trần: Tôi chăm vợ mấy ngày ở bệnh viện, vốn nghiện thuốc nên tôi tranh thủ giờ vắng bệnh nhân ra sân hút điếu thuốc cho... đỡ thèm. Tại các điểm vui chơi, khu công viên cũng có biển cấm hút thuốc, thế nhưng có mặt tại quán cà phê, chúng tôi nhận thấy việc hút thuốc diễn ra phổ biến. Rất nhiều thanh niên không ngần ngại phả khói thuốc liên tục ra môi trường xung quanh, trong lúc nhiều người vui vẻ hàn huyên. Những người hút thuốc lá có rất nhiều lý do để biện hộ cho việc hút thuốc dù họ biết rất rõ tác hại của việc hút thuốc chủ động và thụ động. Thuốc lá gây khó chịu cho những người chung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và cả người không sử dụng nhưng vẫn không bỏ được với lý do “để giải khuây và giảm bớt căng thẳng”. Tại một số công sở, thay vì hút thuốc lá, nhiều người trẻ chuyển sang hút thuốc lào, họ cho rằng thuốc lào không có hại như thuốc lá?!

Điều 22 Nghị định 176 quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá... Phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với chủ cơ sở không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm; không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở mình; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành...

Quy định xử lý vi phạm khá rõ, tuy nhiên, việc xử phạt rất khó thực hiện do quy định về xử phạt là thẩm quyền của các cơ quan thanh tra liên ngành về y tế. Trong khi đó, các cơ quan chủ quản có thẩm quyền xử phạt lại thiếu lực lượng chuyên trách và tình trạng trên diễn ra quá phổ biến nên không quản lý hết. Một cán bộ Sở Y tế thừa nhận, việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng không dễ bởi việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và người hút không cố định thời gian. Trên thực tế, muốn xử lý phải lập đoàn kiểm tra liên ngành, phải có kế hoạch kiểm tra, rồi phải qua nhiều hồ sơ, thủ tục nữa mới xử phạt được. Song mức xử phạt thấp, nếu người hút thuốc lá không có tiền nộp, cũng đành thôi... vì thế, khói thuốc vẫn vô tư “nhảy múa” nơi công cộng.


Bài và ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]