(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ nằm trong top đầu cả nước về số lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, Thanh Hóa còn là tỉnh đứng top đầu về số lao động thay đổi chỗ làm việc, không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Điều này đã làm mất đi cơ hội việc làm của nhiều người và ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu lao động (XKLĐ) của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hàng trăm lao động mất cơ hội đi xuất khẩu lao động thị trường Hàn Quốc

Không chỉ nằm trong top đầu cả nước về số lao động làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, Thanh Hóa còn là tỉnh đứng top đầu về số lao động thay đổi chỗ làm việc, không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Điều này đã làm mất đi cơ hội việc làm của nhiều người và ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu lao động (XKLĐ) của địa phương.

Người lao động làm thủ tục đăng ký dự thi tiếng Hàn năm 2018.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Do có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lên tới gần 1.300 người nên năm 2018 Thanh Hóa có 5 huyện, thành phố bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc theo chương trình EPS là Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa, Triệu Sơn và Nga Sơn. Thực trạng lao động Việt Nam nói chung, lao động người Thanh Hóa nói riêng bỏ trốn tại Hàn Quốc liên tục tái diễn nhiều năm không những làm mất đi cơ hội của hàng trăm lao động khác muốn sang Hàn Quốc làm việc mà nhiều trường hợp lao động “chui”, “nhảy” việc còn gặp những bất trắc, rủi ro trong quá trình mưu sinh không được hưởng bất kỳ sự trợ giúp nào từ cơ quan chức năng. Thậm chí có người phải đánh đổi bằng cả tính mạng nơi đất khách.

Ông Đỗ Văn Trá ở thôn 7, xã Đông Minh (Đông Sơn) có con trai là Đỗ Văn Sáng, đã hết hạn hợp đồng lao động và phải về nước từ tháng 5-2016 nhưng đến nay vẫn ở lại Hàn Quốc lao động “chui”. Biết con ở lại là bất hợp pháp và làm mất đi cơ hội của nhiều người khác, nhưng do về nước phải làm lại thủ tục vừa tốn kém, vừa mất thời gian mà ở nhà hẳn thì khó tìm được việc làm hoặc có thì thu nhập thấp, nên không muốn con trở về. Ở cùng thôn với ông Trá là chị Lê Thị Hà, có chồng là Phan Xuân Hùng đang lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ tháng 10-2017 đến nay. Chị Hà chia sẻ: Thời gian qua các cơ quan chức năng thường xuyên đến gia đình tuyên truyền về những hệ lụy của việc cư trú bất hợp pháp, bản thân thường xuyên liên lạc khuyên, động viên chồng, nhưng anh ấy không chịu về, ở lại làm ngoài kiếm thêm chút vốn. Anh Hùng cho rằng về nước sẽ không còn cơ hội đi tiếp do sắp hết tuổi lao động. Biết con ở lại cư trú bất hợp pháp sẽ gặp nhiều rủi ro, bất trắc, phải sống chui lủi để tránh sự truy quét của cảnh sát nước bạn, bị bắt giữ và trục xuất về nước bất cứ lúc nào, không được nhận lại khoản tiền ký quỹ tại ngân hàng mà còn bị nước sở tại phạt tiền nên bác Lê Văn Niêu ở đội 1 xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) thường xuyên gọi điện khuyên con trai là Lê Văn Bình về nước và cháu báo tin sẽ về nhưng hiện vẫn “bặt vô âm tín”.

Hàng trăm lao động mất cơ hội sang Hàn Quốc làm việc

Vì lợi ích trước mắt, số lao động bất hợp pháp đã trở thành rào cản, làm mất cơ hội của những lao động khác muốn sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Thiệt thòi nhất là những lao động đã học xong tiếng Hàn nhưng không được tham gia dự tuyển. Ví như anh Trần Đình Quang ở xã An Nông (Triệu Sơn), sau khi tốt nghiệp THPT, chọn con đường XKLĐ. Được bố mẹ vay mượn tiền cho đi học tiếng Hàn mong “đổi đời” từ XKLĐ nhưng do địa phương bị tạm dừng tuyển, Quang đành phải đi tìm công việc khác phù hợp. Cũng bỏ tiền của, công sức đi học tiếng Hàn nhưng anh Lê Xuân Hùng ở xã Đông Minh (Đông Sơn) đã phải chuyển sang thị trường Đài Loan để làm việc. Cùng cảnh ngộ, anh Lê Ngọc Nam, người cùng xã đã phải chuyển sang thị trường khác là Nhật Bản. Nhiều lao động không đủ can đảm chờ đợi cơ hội đã phải “ngậm ngùi” từ bỏ giấc mơ “xuất ngoại” sang Hàn Quốc trong sự tiếc nuối, ở nhà “đầu quân” làm việc trong các doanh nghiệp, công ty, lấy chồng, lấy vợ, hoặc tiếp tục gắn bó với ruộng đồng...

Ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cho biết: Nhằm tránh thiệt hại cho người lao động, ngay từ khâu đăng ký học tiếng Hàn, trung tâm đã khuyên lao động có hộ khẩu ở các huyện, thành phố bị tạm dừng tuyển không nên tham gia học với lý do vừa tốn tiền, thời gian, lại không được tham gia XKLĐ do chứng chỉ tiếng Hàn chỉ có giá trị trong 2 năm. Mặt khác, để tạo cơ hội việc làm cho lao động Hàn Quốc về nước theo chương trình EPS, Trung tâm dịch việc làm Thanh Hóa sẽ phối hợp tham gia hội chợ việc làm online với Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội. Dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7 tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hà Nội và sẽ kết nối phỏng vấn trực tuyến với Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa để người lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu phỏng vấn online.

Đâu là giải pháp?

Để giảm tỷ lệ lao động đang cư trú và làm việc bất hợp pháp xuống dưới mức cho phép của Chính phủ Hàn Quốc, tạo cơ hội cho những lao động khác có nhu cầu đi XKLĐ thị trường Hàn Quốc, UBND tỉnh yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các đơn vị, ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động lao động về nước. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và Chỉ thị số 15/CT-UBND của UBND tỉnh về tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước và lao động về nước đúng thời hạn, trong đó tập trung cao cho việc tuyên truyền, vận động đối với 66 lao động phải về nước trong 6 tháng cuối năm 2018.

Với vai trò là cơ quan thường trực ban chỉ đạo xuất khẩu lao động và chuyên gia tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định mới của Chính phủ Hàn Quốc áp dụng đối với lao động về nước đúng thời hạn và các biện pháp xử lý đối với lao động cư trú bất hợp pháp, lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng. Phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến hợp đồng lao động và ký quỹ tại ngân hàng chính sách xã hội để xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Theo dõi, cập nhật tình hình lao động gần hết hạn hợp đồng để phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động đưa con em về nước. Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh xử phạt lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP và Thông tư số 32/2013/TT-BLĐTBXH-BNG. Tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng các giải pháp căn cơ trên sẽ giảm được số lao động bất hợp pháp, tạo cơ hội cho những lao động khác có nhu cầu đi XKLĐ thị trường Hàn Quốc.


Bài và ảnh: Sơn Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]