(Baothanhhoa.vn) - Chiều ngày qua, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hoa màu của nhiều địa phương trong tỉnh. Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh đã dồn lực để khắc phục hậu quả của mưa, lũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dồn lực khắc phục hậu quả mưa, lũ

Chiều ngày qua, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, hoa màu của nhiều địa phương trong tỉnh. Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương và các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh đã dồn lực để khắc phục hậu quả của mưa, lũ.

Chiều 23-7, cầu tràn Cửa Dụ vào xã Luận Khê (Thường Xuân) nước đã rút, người và phương tiện có thể đi qua. Minh Hằng

Gần 10 ngày qua, do lượng mưa lớn lên tới gần 400 mm cộng với nước thượng nguồn cuồn cuộn đổ về khiến mực nước sông Bưởi tại Kim Tân (Thạch Thành) ở mức báo động III. Mực nước tại thời điểm vào rạng sáng 23-7 cao 12,1 m. Tại xã Thành Kim, là những cánh đồng trắng băng nước. Cánh đồng với những cây mía cao gần 2m nhưng cũng chỉ phất phơ vài ngọn trồi lên mặt nước. Đường sá dẫn vào khu dân cư cũng bị nhấn chìm trong nước lũ. Hoạt động sinh hoạt gần như vắng bóng người. Phía bên kia đê bao xã Thạch Định - xã vùng “rốn lũ” của huyện cũng bị bao trùm bốn bề bởi nước và nước. Nhiều nơi người dân phải dùng thuyền nhỏ để đi lại. Về xã Thành Trực, con đường giao thông liên xã qua đây vẫn còn bị chia cắt bởi những điểm lụt. Tuy nước ngập không còn quá sâu, nhưng cuộc sống người dân chưa thể trở lại bình thường...

Thống kê mới nhất từ UBND huyện Thạch Thành, đến sáng 23-7, toàn huyện đã có hơn 1.000 hộ dân được sơ tán đến nơi an toàn. Nhiều nhất là các xã Thành Mỹ với 464 hộ, Thành Vinh 101 hộ, Thành Trực 212 hộ đã được đưa đến ăn ở, sinh hoạt tại những nhà cao tầng hoặc UBND xã, các công trình kiên cố trong vùng. Gần 7 km đường giao thông tại các xã Thành Trực, Thành Tiến, Thành Công vẫn còn bị ngập chìm trong nước bởi nhiều đoạn. Nhiều tuyến đường liên xã khác, trong đó có tuyến Thành Mỹ - Thạch Bình - Thành Trực hiện vẫn còn bị chia cắt, khó khăn cho việc đi lại. Mưa lũ cũng làm hơn 1.300 ha lúa, gần 1.700 ha mía nguyên liệu, gần 140 ha hoa màu... bị ngập úng. Bên cạnh đó, hơn 84 ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bị ngập tràn, 313 con gia cầm bị chết.

Ngay trước, trong, sau mưa, bão, huyện Thạch Thành đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo; đồng thời, phân công các cán bộ, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc trực tiếp xuống từng cơ sở chỉ đạo công tác phòng tránh, khắc phục. Đồng thời, tăng cường lực lượng công an, quân đội xuống các trọng điểm ngập nặng, gồm các xã: Thành Vinh, Thành Trực, Thạch Lâm, Thạch Tượng, Thành Mỹ, Thạch Định để cùng chính quyền địa phương và nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả. Các xã có tràn qua đường cũng được chỉ đạo cắt cử người canh gác để hướng dẫn các phương tiện và người qua lại an toàn. Hiện tại, huyện đang phối hợp với các đơn vị thủy nông vận hành đồng loạt 6 trạm bơm tiêu nhằm nhanh chóng tiêu úng cho diện tích lúa, cây trồng và các khu dân cư trên địa bàn.

Tại huyện Vĩnh Lộc, mưa lớn đã làm hơn 830 ha lúa và các loại cây trồng bị ngập, úng. Đến sáng ngày 23-7, vẫn còn 131 hộ dân của xã Vĩnh Yên, 37 hộ dân của xã Vĩnh Hưng và 1 hộ của xã Vĩnh An chưa được trở về nhà bởi tình hình ngập lụt và nguy cơ mất an toàn vẫn hiện hữu. Khu vực gần đập Bái Trời thuộc xã Vĩnh Hưng, những cánh đồng vẫn còn chìm trong biển nước. Lo ngại nhất là điểm sạt lở kênh phía hạ lưu sát cầu Bông thuộc thôn 9, xã Vĩnh An khiến một hộ phải di dời khẩn cấp. Nhiều hộ khác sống trong bất an lo lắng. Tại đây, chúng tôi ghi nhận một điểm sạt dài khoảng 12m, cao khoảng 5m, sâu hoắm vào bờ, làm sạt phần móng của công trình phụ gia đình bà Mai Thị Hải. Những hộ dân xung quanh cũng có công trình rất gần điểm sạt nguy hiểm này. Bà Cù Thị Hồng ở thôn 9 xã Vĩnh An tỏ ra hoang mang: “Không ngờ mới mưa có mấy ngày mà điểm sạt lại nguy hiểm đến vậy. Ngôi nhà kiên cố và các công trình phụ của nhà tôi chỉ còn cách điểm sạt chưa đầy 10m. Mấy ngày qua, chúng tôi sống trong thấp thỏm, lo âu, nhất là những lúc mưa to gió lớn”. Gần nhà bà Hải, bà Hồng, một số gia đình khác gần đó cũng trong tình trạng nguy hiểm, có điểm sạt đã ăn sâu lồng vào ngõ đi và tiến ngày càng gần móng nhà các hộ.

Với điểm sạt này, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo xã Vĩnh An huy động lực lượng “4 tại chỗ” di dời người và tài sản gia đình bà Mai Thị Hải đến nhà văn hóa thôn; tiến hành xử lý khắc phục bằng cách huy động 40 người, 1 máy cẩu tự hành, 2 xe ô tô tải chở đá hộc với 60 m3 đá đã được thả xuống để hộ bờ. UBND xã Vĩnh An cũng cho người che bạt kín vết sạt để ngăn nước mưa xối vào vị trí sạt lở. Với diện tích lúa và cây trồng, huyện Vĩnh Lộc cũng đã và đang triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất ngay sau khi nước lũ rút.

Cơn bão số 3 vào tối ngày 19, rạng sáng ngày 20-7 đi qua, lũ tràn về không những cuốn theo nhà cửa, tài sản của nhiều hộ dân huyện Lang Chánh, mà còn để lại nỗi đau, sự kinh hoàng cho người dân trên địa bàn về cảnh chia ly, tang tóc. Theo báo cáo của UBND huyện Lang Chánh, do ảnh hưởng của mưa to sau hoàn lưu bão, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn đến trung tâm các xã, thị trấn và các thôn, bản bị chia cắt, nước ở các sông, suối, như: Sông Âm, sông Cảy, sông Sạo dâng cao gây nguy hiểm cho các hộ dân sinh sống dọc các tuyến sông; lũ ống, lũ quét xảy ra ở một số tuyến suối trên địa bàn huyện. Đặc biệt là, tại bản Hắc, xã Trí Nang đã xảy ra lũ ống, lũ quét cuốn trôi 3 nhà dân, làm chết 3 người, 1 người bị mất tích và 3 người bị thương. 2 hộ bị ảnh hưởng hư hại nhà cửa. Ngoài ra, mưa lũ còn làm ảnh hưởng, hư hỏng nhiều công trình giao thông, như: Cầu tràn bản Bôn bị xói lở, cuốn trôi hai đầu mố cầu gây chia cắt giao thông từ các bản Xắng, bản Hằng, bản Khon, bản Yên Phong, bản Yên Lập đi xã Yên Khương. Cầu tràn thôn Lằn Sổ bị sạt lở 2 đầu mố cầu, hư hỏng ách tắc giao thông. Một số tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng, như: Tuyến vành đai Quốc lộ 16 tại xã Yên Thắng bị sạt lở 2 điểm; tuyến đường tỉnh 530 từ thị trấn đi các xã Trí Nang, Yên Thắng, Yên Khương bị đất đá sạt lở, vùi lấp ách tắc giao thông 5 điểm. Tuyến đường tỉnh 530B từ thị trấn Lang Chánh đi xã Tam Văn, Lâm Phú bị sạt lở, ách tắc 8 điểm...

Hiện, các lực lượng và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Trí Nang đang tiếp tục huy động nhân công và máy móc để đào bới, tìm kiếm người mất tích. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã và đang tập trung giúp đỡ các hộ gia đình triển khai công tác sửa chữa, khôi phục lại các công trình hư hỏng, xử lý nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm để nhân dân sớm ổn định đời sống sau bão số 3. Đối với diện tích lúa, ngô, rau màu bị thiệt hại dưới 50%, huyện tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân chủ động tiếp tục chăm sóc, khắc phục. Đối với diện tích thiệt hại trên 50% không có khả năng khắc phục chủ động gieo cấy lại và chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu ngắn ngày. Với diện tích thủy sản ao, hồ bị vỡ tổ chức gia cố, đào, đắp lại và xử lý môi trường để tiếp tục nuôi cá. Ngoài ra, các công trình trường học, đường giao thông, thủy lợi, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan huy động phương tiện, máy múc để san lấp, vận chuyển đất đá sạt lở, thông tuyến để đảm giao thông trên địa bàn huyện.

Xã Luận Khê (Thường Xuân) có địa hình đồi núi cao, dân cư sinh sống và sản xuất cạnh các khe suối nên nguy cơ bị ảnh hưởng khi có mưa lũ rất cao. Trong đợt mưa bão vừa qua, mặc dù lượng mưa trên địa bàn chỉ ước khoảng 120mm, tuy nhiên do thời gian kéo dài nên (từ ngày 18 đến 22-7) khiến 10/12 thôn, bản bị cô lập. Một số thôn bị ảnh hưởng lớn, như: Thôn Ngọc Trà, thôn Kha, thôn Nhàng... Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ, xã đã huy động lực lượng tại chỗ túc trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, bão; đồng thời, bố trí lực lượng chắn tại các đập tràn canh không cho người và phương tiện qua lại khi mực nước dâng cao. Đến 15h ngày 23-7, nước lũ khu vực cầu tràn Cửa Dụ đã cơ bản rút, người và các phương tiện đã có thể qua lại. Trên địa bàn xã chỉ còn thôn Nhàng đang bị cô lập. Ông Lương Văn Cường, Chủ tịch xã Thuận Khê, cho biết: Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng đợt mưa lũ vừa qua khiến địa phương có 30 ha lúa bị đất vùi lấp và ngập lụt. Diện tích thiệt hại hoàn toàn khoảng gần 8 ha. Một số tuyến đường giao thông mới được đầu tư bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, như: Đường vào thôn Ngọc Trà, Làng Chiềng, thôn Kha. Hiện, xã Luận Khê đang tập trung chỉ đạo các thôn kiểm tra tình hình thực tế tại các diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại, có giải pháp khắc phục kịp thời. Với các diện tích lúa, hoa màu bị đất, đá vùi lấp, các lực lượng tại chỗ và bà con nhân dân đang khẩn trương vét bùn đất; khơi thông các tuyến đường để bảo đảm giao thông.

Theo thống kê của huyện Thường Xuân, trong đợt mưa bão vừa qua, trên địa bàn huyện có 17 nhà bị đất sạt lở phải di dời khỏi nơi ở. Một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, như: Tại xã Xuân Chinh có 10m đường trục bị sạt taluy âm, 15m đường bê tông bị hàm ếch; xã Xuân Lộc có 6m đường liên thôn bị gãy; xã Luận Khê bị sạt taluy âm đường liên thôn chiều dài khoảng 20m. Toàn huyện có 1.570m kênh mương bị hư hại. Tổng diện tích lúa bị ngập úng, vùi lấp, cuốn trôi gần 215 ha, chủ yếu là ở xã Luận Khê, Xuân Lẹ, Bát Mọt, Xuân Thắng, Vạn Xuân, Xuân Chinh, Ngọc Phụng, Xuân Cao. Hiện, huyện Thường Xuân đang huy động các lực lượng tổ chức khơi thông dòng chảy để khắc phục diện tích lúa bị ngập úng, dọn vệ sinh các tuyến đường bị sạt lở, thực hiện công tác vệ sinh môi trường.

Tĩnh Gia là huyện bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 với 713 hộ dân tại các xã Hải Bình, Hải Thượng, Hải Yến, Hải Ninh, Tân Trường, Anh Sơn bị ngập cục bộ, hơn 4.000 ha cây trồng bị ngập... Ngoài ra, mưa lũ đã làm nhiều xã bị thiệt hại về các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả của mưa bão, ổn định đời sống, ngay từ những ngày diễn ra mưa bão, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tĩnh Gia đã thành lập các đoàn, cụm công tác đi kiểm tra, chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo các đoàn thể, lực lượng vũ trang giúp nhân dân cùng bị ngập tu sửa, vệ sinh nhà cửa, tiêu độc, khử trùng môi trường xung quanh. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị thủy nông, chỉ đạo vận hành các trạm bơm để tiêu úng kịp thời. Bên cạnh đó, Điện lực Tĩnh Gia đã và đang tích cực huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị cần thiết để khắc phục sự cố đường tải điện sớm ổn định đời sống cho nhân dân.


Nhóm PV Kinh tế

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]