(Baothanhhoa.vn) - Dù biết ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường, nhiều hiểm nguy luôn rình rập, nhưng mỗi khi mùa măng về người dân miền núi xứ Thanh lại nô nức lên rừng hái “lộc”. Vậy mà, những năm gần đây họ đã không còn mặn mà với việc hái măng rừng nữa, bởi họ ý thức được rằng, khi cây măng trưởng thành còn có giá trị gấp nhiều lần hơn thế!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đổi thay chuyện... hái măng rừng

Dù biết ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường, nhiều hiểm nguy luôn rình rập, nhưng mỗi khi mùa măng về người dân miền núi xứ Thanh lại nô nức lên rừng hái “lộc”. Vậy mà, những năm gần đây họ đã không còn mặn mà với việc hái măng rừng nữa, bởi họ ý thức được rằng, khi cây măng trưởng thành còn có giá trị gấp nhiều lần hơn thế!

Bà con bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây luồng.

Từ băng rừng tìm... măng

Như một lời hẹn trước, mỗi khi những tiếng sấm đầu mùa mưa vang lên là lúc những mầm măng đồng loạt đội đất, vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Những búp măng căng đầy sức sống, hứa hẹn một màu xanh ngát của sự sinh tồn và phát triển.

Theo kinh nghiệm của những người đi “săn” măng rừng ở miền Tây xứ Thanh, từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch là thời điểm nhiều người dân cơm đùm, cơm nắm vào rừng hái măng đem về bán để trang trải cuộc sống gia đình. “Để có nhiều măng, người hái măng phải chịu khó đi xa, băng qua nhiều con suối để tìm. Đây là việc nặng nhọc, đòi hỏi phải có kỹ năng, chịu được vất vả, nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro...”, anh Lương Văn Duẩn, trưởng bản Ngàm, xã Sơn Điện (Quan Sơn), chia sẻ.

Để thấu hiểu nỗi vất vả của đồng bào nơi đây, chúng tôi quyết định theo chân họ băng rừng hái măng. Tờ mờ sáng, anh Duẩn đã chuẩn bị sẵn các dụng cụ, anh cho biết, do đặc thù của công việc nên đi hái măng phải ăn mặc kín đáo, áo dài tay, trùm khăn trên đầu, mang dao, rựa và gùi đựng măng.

Theo anh Duẩn, bản Ngàm có 75 hộ thì có khoảng 60 hộ tận dụng thời gian nhàn rỗi lên rừng hái măng kiếm thêm thu nhập. Những năm trước, để kiếm được cái măng, bà con phải đi bộ gần chục km, nhưng giờ đây đường sá đã được cải tạo để xe vào vận chuyển cây nứa, cây vầu... nên dễ đi hơn rất nhiều.

Từ bìa rừng, chúng tôi tiếp tục đi bộ qua nhiều khe suối với những hòn đá phủ đầy lớp rong rêu. Mọi người chia thành nhiều nhóm, tỏa đi các ngã rừng khác nhau. Một số người thì lặng lẽ kiếm măng một mình.

Băng qua một số rừng vầu, nứa, như thấy được sự băn khoăn của chúng tôi, anh Duẩn trần tình: “Mấy năm nay, bà con không còn khai thác măng ồ ạt, tràn lan như trước kia nữa. Chỉ những búp măng nào không có “sức” họ mới tận thu để kiếm thêm thu nhập. Măng bà con hái được chủ yếu là măng bương, vì đây là loài cây thường mọc ở núi đá, lẫn vào rừng tự nhiên... và do bương là loại cây cho giá trị kinh tế rất thấp. Như măng luồng trung bình chỉ bán được từ 7 – 15.000 đồng/cái, nhưng khi thành cây có giá trị kinh tế gấp khoảng hai, ba lần. Vì vậy, các loại cây luồng, nứa, vầu giờ có cho thêm tiền bà con cũng không khai thác măng nữa”.

Đang loay hoay đào búp măng bương vừa nhô khỏi mặt đất, ông Vi Văn Hưng (56 tuổi), bản Ngàm vui vẻ, nói: “Người hái măng rừng phải có đôi chân, đôi tay chắc khỏe để bám rừng; có con mắt tinh để phát hiện những búp măng cao to bởi nó thường nằm ở những chỗ rậm rạp. Việc hái măng không phải ai cũng làm được, đòi hỏi phải có kỹ năng. Nếu măng mới nhô lên mặt đất phải đào bới, măng cao được khoảng 20cm thì có thể bẻ và cao hơn nữa thì dùng dao chặt. Một ngày làm việc cật lực cũng được khoảng 70 - 100kg măng, nhưng chỉ khi có người đặt hàng trước thì chúng tôi mới lấy, hoặc chỉ lấy một ít làm măng khô phục vụ gia đình”.

Theo những người hái măng ở đây, kiếm măng đã khó, hái được măng rồi phải biết cách bóc vỏ vì vỏ măng thường gây ngứa và phải bóc đúng kỹ thuật thì măng mới đẹp, bán được giá.

“Trước kia, dù biết hái măng sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, bên cạnh đó mọi hiểm nguy luôn rình rập như: Bị rắn, rết cắn, té ngã, lạc đường... nhưng không làm lấy gì ăn? Nhưng những năm gần đây, được sự tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, chúng tôi thấy được giá trị kinh tế của cây luồng, cây vầu, cây nứa nên không còn khai thác bừa bãi nữa”, ông Hưng cho biết.

...đến lập hương ước bảo vệ măng rừng

Rời xã Sơn Điện, chúng tôi ngược bản Lở, xã Nam Động (Quan Hóa). Đã gần 16h, dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, ông Lương Văn Nghiêm, trưởng bản cho biết: “Cả bản có 143 hộ với 687 nhân khẩu, thu nhập của bà con ở đây chủ yếu từ cây luồng. Dù cả cánh rừng luồng như vậy, nhưng để mua được một cái măng từ bản ra là cực kỳ khó. Bởi những năm gần đây, bà con bản Lở tự đặt ra luật với nhau: Nếu con trâu, bò nào ăn măng sẽ bị phạt 50.000 đồng/cái, còn chặt trộm phạt 100.000 đồng/cái. Vì vậy, từ đó đến nay không ai bảo ai, mọi người tự giác trong việc chăn thả trâu, bò của gia đình mình, cũng không ai bẻ lấy măng nữa. Chỉ khi nào thèm họ mới lên vườn nhà mình hái về ăn”.

Theo chân trưởng bản Nghiêm, chúng tôi tới thăm rừng luồng gia đình ông Lương Văn Nhíu (55 tuổi), thấy có khách tới thăm, ông đon đả: “Đời sống của bà con chúng tôi có được như ngày hôm nay là nhờ có cây luồng, cây nứa đấy! Nhiều năm trước, rừng bị khai thác bừa bãi, không có quy hoạch. Nhưng những năm gần đây, được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, bà con dân bản đã hiểu được giá trị của nó. Vì vậy, làng đã ra hương ước về chuyện thưởng – phạt nên từ đó đến nay ai cũng răm rắp làm theo”.

Theo những người hái măng, cách đây hàng chục năm tại các thôn, xã của các huyện miền Tây xứ Thanh diện tích rừng còn nhiều. Nơi nào rừng có cây luồng, nứa... là kiếm được măng. Nhưng hiện nay, bà con nhận thức rõ được giá trị của cây măng trưởng thành nên không còn khai thác bừa bãi nữa nên măng trở thành hàng khan hiếm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Dung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, cho biết: “Để khai thác và sử dụng rừng nứa, vầu bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài cho chủ rừng và nhân dân trên địa bàn, hàng năm, UBND huyện gửi công văn yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn dừng khai thác nứa, vầu trong mùa măng sinh sản, sinh trưởng. Trong thời gian tạm dừng khai thác, vận chuyển nứa, vầu (từ mùng 1-8 đến 30-9 hàng năm) chủ tịch UBND các xã, thị trấn, thủ trưởng các đơn vị không được xác nhận thủ tục khai thác, vận chuyển nứa, vầu với mọi lý do trên địa bàn huyện. Đồng thời, yêu cầu thông báo cho các chủ rừng, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã thực hiện nghiêm túc tinh thần chỉ đạo, không khai thác nứa, vầu, nan thanh mùa sinh măng tại thời điểm dừng khai thác, vận chuyển”.

Trở về thành phố trong chiều muộn, hình ảnh những người hái măng bên gánh măng rừng với gương mặt tươi rói với câu nói: “Nếu trước đây, bà con phải dựa vào măng rừng để mà sống, thì giờ có cho thêm tiền chúng tôi cũng không bẻ măng vô tội vạ nữa. Những búp măng bẻ đi đều do bà con tận thu mà có được, vì giá trị mỗi cây vầu, cây nứa cao gấp nhiều lần”.

Và tôi tin, cuộc sống của những người dân miền núi xứ Thanh sẽ còn nhiều khởi sắc.


Bài và ảnh: Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]