(Baothanhhoa.vn) - Từ các dự án, chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đã nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo. Đây chính là điểm tựa để người dân nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Điểm tựa để người dân vượt khó thoát nghèo

Từ các dự án, chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đã nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo. Đây chính là điểm tựa để người dân nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điểm tựa để người dân vượt khó thoát nghèoCăn nhà khang trang cùng cửa hàng tạp hóa của hộ anh Dư Văn Bình ở xã Cát Vân (Như Xuân).

Trong giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn sự nghiệp được Trung ương phân bổ hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, ngoài hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, mua vắc-xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, các huyện miền núi đã triển khai thực hiện được 265 dự án phát triển sản xuất, trong đó có 193 dự án chăn nuôi, 57 dự án trồng trọt, 7 dự án thủy sản, 4 dự án lâm nghiệp và 4 dự án phát triển ngành nghề với 41.900 hộ được hỗ trợ. Đối với hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo, từ năm 2017 đến 2020 đã triển khai được 47 mô hình với 1.782 hộ tham gia, trong đó có 1.322 hộ nghèo, 435 hộ cận nghèo, 31 hộ mới thoát nghèo, 230 hộ có chủ hộ là nữ và 1.367 hộ là người dân tộc thiểu số. Hầu hết các hộ tham gia mô hình chỉ sau hơn 2 năm là thoát nghèo.

Là một trong những hộ được hưởng lợi từ dự án chăn nuôi gà từ Chương trình 30a, năm 2017 gia đình anh Lê Văn Đảo, ở khu phố Yên Thắng, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) được hỗ trợ 3 triệu đồng để mua con giống, được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, được xã kích cầu bằng việc cử tham gia các lớp tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi khác và hơn hết là ý chí, sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo, anh Đảo vay mượn thêm từ anh em bạn bè xây dựng chuồng trại, mua giống gà, vịt về nuôi. Đến nay, gia đình anh Đảo không những thoát nghèo mà còn hình thành được 1 trang trại nuôi gà, vịt, trở thành địa chỉ cung ứng con giống cho các hộ dân trong xã. Năm 2019, trừ các khoản chi phí, gia đình anh dư ra được trên 100 triệu đồng. Anh Đảo chia sẻ: Có được như ngày hôm nay nhờ ơn Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với người nghèo. Đây chính là điểm tựa, là động lực để tôi ý thức vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Với chính sách hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho 970 người đi xuất khẩu lao động được hỗ trợ vay vốn ưu đãi; hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng; tiền ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian học; hỗ trợ làm hộ chiếu, visa, lý lịch tư pháp... Nhờ có chính sách này mà nhiều lao động thuộc các huyện nghèo đã tham gia thị trường lao động ngoài nước, gửi tiền về để gia đình đầu tư phát triển kinh tế. Ví như hộ anh Dư Văn Bình ở xã Cát Vân (Như Xuân) trước đây là hộ nghèo, từ nguồn tiền vợ và 2 con đi xuất khẩu lao động tích cóp được, anh chị đã xây nhà mới, mở cửa hàng tạp hóa buôn bán. Hay như các chị Cầm Thị Tân, Cầm Thị Sấm ở xã Xuân Chinh (Thường Xuân), sau khi đi xuất khẩu lao động về nước đều mua được nhà hoặc xây nhà mới. Chị Tân chia sẻ: Nếu không được vay vốn ưu đãi, không được hỗ trợ trong thời gian học tiếng thì tôi cũng không đi xuất khẩu lao động được, đồng nghĩa với cái đói, cái nghèo sẽ còn đeo bám, nói gì đến chuyện có tiền để xây nhà.

Thực hiện Chương trình 135, trong giai đoạn 2016-2020 từ nguồn vốn sự nghiệp Trung ương phân bổ, các địa phương đã triển khai thực hiện được 677 dự án phát triển sản xuất, 65 mô hình giảm nghèo tại các xã thuộc Chương trình 135 và 96 mô hình giảm nghèo tại các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135. Các dự án được triển khai kịp thời đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, tăng nguồn thu nhập. Năm 2017 hộ ông Bùi Văn Nhận và hộ ông Bùi Văn Cánh đều ở thôn Mới, xã Mỹ Tân (Ngọc Lặc) được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò sinh sản, lại được tập huấn, được cán bộ “cầm tay chỉ việc”, trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ bệnh... nên bò phát triển tốt và đều sinh được bê con. Gia đình ông Nhận và ông Cánh hiện đã thoát nghèo và lấy đó làm động lực vươn lên để không tái nghèo.

Đánh giá về hiệu quả từ thực hiện Chương trình 135, ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Cùng với các chương trình, dự án, chính sách đặc thù khác của tỉnh và Trung ương, Chương trình 135 đã góp phần quan trọng, tác động mạnh mẽ, thiết thực và trực tiếp đến cuộc sống của từng người dân trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và tích cực, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần; tạo ra những tiền đề về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực miền núi, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; phát huy được thế mạnh vùng dân tộc miền núi, giúp đồng bào chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo...

Ước giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh giảm được 118.887 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 10.006 hộ); tỷ lệ hộ nghèo giảm 12,5% (từ 13,51% xuống 1,01%). Trong đó, khu vực 11 huyện miền núi giảm 51.916 hộ, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,66%/năm. Vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét. Thu nhập bình quân của người nghèo cao gấp 2,17 lần so với cuối năm 2015. Dự kiến đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng trên 1,7 triệu đồng/ tháng, cao gấp 2,5 lần năm 2015. Hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Hiện số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,1%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48,5%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, đạt 100%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, đạt 92%; chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 51%; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt 81,12%; 100% trạm y tế xã đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận dịch vụ thông tin, truyền thông đạt 100%...

Bài và ảnh: Mai Phương


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]