(Baothanhhoa.vn) - – 4 giờ sáng, bên trong ngôi nhà cấp 4, tường đã ngả màu đen ở phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn), anh Nguyễn Bá Đức đã phải thức giấc để chuẩn bị cho ngày làm việc của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện những người cứu hộ trên biển Sầm Sơn

– 4 giờ sáng, bên trong ngôi nhà cấp 4, tường đã ngả màu đen ở phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn), anh Nguyễn Bá Đức đã phải thức giấc để chuẩn bị cho ngày làm việc của mình.

Đội CHCN luôn đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Anh vận lên mình chiếc áo màu đỏ, phía sau áo, dòng chữ “Đội cấp cứu biển” được in nổi bật – niềm tự hào của anh suốt hơn 20 năm qua. Vợ anh cũng dậy từ khi nào, chị đang loay hoay trong gian bếp để chuẩn bị bữa sáng cho chồng. Cũng chẳng cầu kỳ, chị cắm lại nồi cơm, hâm nóng lại chút thức ăn từ bữa cơm tối hôm trước. Ăn vội 2 bát cơm, anh Đức rời khỏi nhà mà không quên lắng nghe lời căn dặn quen thuộc từ vợ: “Cẩn thận nhé anh!”. Hơn 20 năm làm vợ, chị hiểu, công việc cứu hộ cứu nạn (CHCN) mà chồng đang theo nó vất vả, áp lực đến nhường nào.

4 giờ 30 phút sáng, anh Đức cùng những đồng nghiệp của mình đã có mặt ở bãi biển, sớm hơn thời gian quy định làm việc 1 tiếng. Để bảo vệ những du khách thích tắm biển sớm, các anh đã tình nguyện hy sinh quỹ thời gian của mình. Anh Lương Văn Thái, phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) thành viên ít tuổi nhất trong đội được giao nhiệm vụ tuần tra một vòng quanh bãi biển. Thái ít nói, nhưng tinh thần trách nhiệm với công việc cao. Chỉ chưa đầy 4 năm vào nghề, Thái đã cứu được gần 70 du khách gặp nạn. Ấy vậy mà, khi nhắc đến thành tích này, anh lại xua tay phân trần: “Có gì đâu chứ. Cứu người là nhiệm vụ của bọn tớ rồi”. Đoạn tiếp, Thái hướng mắt về phía anh Đức: “Đó mới là người đàn ông mà chúng ta có thể tự hào”. Cả đội cười vang. Giữa những cơn gió biển lồng lộng thổi, tiếng nói cười của họ mới hào sảng, mới chân chất làm sao.

Biển lúc này vẫn chìm trong màn đêm. Phía xa đã có những du khách đang vẫy vùng trong làn nước mát lạnh. Chúng tôi lặng lẽ đứng dõi theo họ, như cách mà anh Đức, anh Thái... đã làm suốt bao nhiêu năm qua. Bất giác tôi quay sang hỏi anh Đức về những ngày đầu bén duyên với nghề. Hướng ánh nhìn xa xăm về phía biển, từng con sóng vẫn xô đều vào bờ, dòng ký ức cứ thế quay ngược trở lại trong anh. “Tôi xin được mang toàn bộ sức khỏe, kinh nghiệm của mình để cống hiến cho nghề, góp phần làm đẹp hơn hình ảnh của Sầm Sơn trong mắt du khách thập phương”. Anh Đức nhớ lại những lời tâm huyết của mình khi điền vào lá đơn xin được tham gia vào đội CHCN của hơn 20 năm về trước. Hôm ấy, Chủ tịch UBND phường Bắc Sơn nơi anh Đức cư trú có xuống từng thôn, hỏi có ai muốn tham gia trở thành một người cứu hộ không? Anh Đức xin một tờ đơn rồi lẳng lặng cất vào trong tủ. Anh im lặng, không nói với gia đình về ý định của mình. Anh ngư dân trẻ đêm ấy trằn trọc không ngủ được trước ngã rẽ lớn của cuộc đời. Sáng hôm sau lên UBND phường Bắc Sơn, anh điền thông tin và viết những lý do mình muốn vào đội rồi nộp cho Chủ tịch UBND phường. Anh đăng ký dù không chắc cứ nộp đơn là sẽ được duyệt. Bởi ngoài cấp phường đánh giá còn phải lên tới cấp thị xã (nay là thành phố) để cân nhắc. 250 nghìn đồng, số tiền anh sẽ được nhận cho 1 tháng làm việc. Anh Đức không nghĩ nhiều về điều đó. Với anh được cứu người mới chính là động lực đưa anh đến với nghề. 1 tháng sau, anh có tên trong danh sách đội CHCN.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, anh Đức không nhớ nổi bản thân đã cứu được bao nhiêu người. 8 giấy khen cấp thành phố, 2 bằng khen của tỉnh đã ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của anh trong công việc. Nhưng, anh nào quan tâm đến những thành tích đó. Với anh, chuyện cứu người là trách nhiệm. Tôi hỏi anh về những lần cứu người. Rằng, dẫu các anh có bơi giỏi cỡ nào, kinh nghiệm ra làm sao, được đào tạo bài bản như thế nào thì chẳng ai dám bảo đảm sự an toàn cho bản thân sau những lần lao mình xuống biển để cứu du khách gặp nạn. Chỉ một con sóng dữ, chỉ 1 cú sẩy chân, một giây kiệt sức, mạng sống của các anh sẽ bị đe dọa. Anh trả lời mà không cần suy nghĩ: “Thú thật, giây phút đó các anh chẳng nghĩ được nhiều đâu. Bởi lẽ, chỉ cần một phút lưỡng lự, một phút nghĩ đến sự an toàn của bản thân, có thể sẽ đánh mất đi cơ hội “vàng” để cứu du khách”. “Không nghĩ đến bản thân, liệu các anh có nghĩ tới vợ con của mình, những người rất cần các anh?” – câu hỏi có phần ích kỷ, nhưng tôi vẫn muốn đặt các anh vào bản ngã của một con người. Anh nhìn tôi, cười hiền: “Đứng trước một người sắp gặp nạn, lương tâm không cho phép các anh nghĩ được nhiều hơn”. Giây phút đó, tôi cảm thấy bản thân thật nhỏ bé khi đứng trước các anh. Nói rồi anh Đức nhớ lại câu chuyện cứu được hai bác cháu người Hà Nội hơn 4 năm về trước. Đó là buổi chiều gió Nam thổi mạnh, sóng lớn. Hai bác cháu không may bị sóng cuốn vào hõm sâu nên chìm dần. Anh Đức lao mình ra chỗ hai người, sục sạo dưới đáy biển, mò mẫm theo từng con sóng. Chưa đầy năm phút sau, hai nạn nhân được vớt lên. Người cháu may mắn vẫn tỉnh táo. Còn người bác ở trong tình trạng toàn thân tím tái, tim ngừng đập, hệ hô hấp tê liệt. Anh đặt nạn nhân xuống đất, thổi ngạt, xoa bóp ngực, nạn nhân vẫn nằm im. Anh bế phốc nạn nhân lên vai. Từ mép sóng, anh dốc ngược nạn nhân, đầu hướng xuống đất, nặng nhọc chạy trên bãi cát hướng về phòng y tế. Di chuyển được khoảng 100 mét, anh mệt quá, khuỵu xuống. Anh không còn đủ sức đi tiếp. Hàng trăm khách du lịch vây quanh khiến công tác cứu chữa càng khó khăn. Anh đặt nạn nhân trên cát, tiếp tục hà hơi tiếp sức. Thêm mười phút nữa trôi qua, nạn nhân vẫn bất động. “Còn nước, còn tát!”, anh tự động viên bản thân. Cuối cùng thêm 5 phút nữa, nạn nhân đã thở hắt ra, tỉnh lại. Câu nói đầu tiên mà nạn nhân nói với anh khi tỉnh lại: “Tôi không nghĩ anh lại cứu được tôi. Mạng sống của tôi là do anh giành lại”.

Hơn 2/3 trong tổng số 46 thành viên của đội CHCN trên biển Sầm Sơn đều đang gắn cuộc đời mình với biển. Sau 3 tháng du lịch hè kết thúc, họ lại trở về bám biển mưu sinh. Họ cũng như anh Đức, anh Thái... những con người chắc hẳn không phải vì mức hỗ trợ trung bình 4,5 triệu/tháng cho 3 tháng làm công tác CHCN mà chấp nhận mạo hiểm với cuộc đời mình. Như cái cách mà họ nghĩ về nghề: “Nghề gì cũng là một nghề để kiếm sống. Có người bảo với chúng tôi như thế. Nhưng sự thực nếu lấy kinh tế làm động lực để theo nghề thì chắc sẽ không có ai trụ được. Giây phút giành giật sự sống của du khách từ tay thần chết trở về, đó mới là niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi”.

Ca làm việc của đội CHCN chuyển dần sang trưa. Nắng đã bắt đầu gay gắt. Từng giọt mồ hồi lăn đều trên mỗi gương mặt đã cháy xạm đi vì nắng. Du khách tắm biển dường như không ai để ý đến điều đó. Các anh làm việc một cách cần mẫn, thầm lặng, tránh gây ra sự phiền hà đến du khách. Từng hồi còi rít đều, động tác phất cờ chỉ tay được thực hiện nhuần nhuyễn, liên hồi. Chỉ tính riêng từ ngày 1-5-2018 đến ngày 19-6-2018 đội CHCN đã cứu được 110 du khách. Con số đủ để nói lên tầm quan trọng, sự cao quý của công việc mà các anh đang làm.

Du lịch Sầm Sơn đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Không còn những mái nhà lộn xộn mà thay vào đó là những Hubway hiện đại được thiết kế bắt mắt, đó là điểm lý tưởng của du khách gần xa. Nhưng trên hết, tôi hiểu, một bãi biển đẹp nhất, dịch vụ tốt nhất cũng chưa đủ hấp dẫn du khách. Một bãi biển an toàn sẽ “tô điểm” thêm cho sức hút của du lịch Sầm Sơn. Để làm được điều đó, biển Sầm Sơn rất cần họ, 46 con người nhỏ bé, 46 trái tim cao quý của đội CHCN biển Sầm Sơn.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]