(Baothanhhoa.vn) - Trong thế giới nước uống đóng chai, có không ít tên tuổi lớn đã chiếm lĩnh ưu thế cả về thiên - địa - nhân và khẳng định được vị trí khó lay chuyển. Đồng thời với nó, không ít tên tuổi kém danh, đặc biệt là các nhãn hàng đến từ những cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn tỉnh, đang tồn tại khá chật vật.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chất lượng nước uống đóng chai - Chuyện chưa có hồi kết: Bài 1 - Loay hoay trong “thế giới nước”

Chất lượng nước uống đóng chai - Chuyện chưa có hồi kết: Bài 1 - Loay hoay trong “thế giới nước”

Nước uống đóng chai được bày bán tại Siêu thị BigC. Ảnh: Trần Hằng

Trong thế giới nước uống đóng chai, có không ít tên tuổi lớn đã chiếm lĩnh ưu thế cả về thiên - địa - nhân và khẳng định được vị trí khó lay chuyển. Đồng thời với nó, không ít tên tuổi kém danh, đặc biệt là các nhãn hàng đến từ những cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn tỉnh, đang tồn tại khá chật vật.

Đa dạng nguồn cung

Thị trường nước uống đóng chai hiện nay vô cùng đa dạng về thương hiệu và phong phú về chủng loại, mẫu mã, chất lượng, giá cả. Khảo sát thực tế tại một số siêu thị và cửa hàng trên địa bàn TP Thanh Hóa, chúng tôi càng có cơ sở để khẳng định sự phong phú của thế giới nước uống đang thịnh hành. Tại Siêu thị Co.opmart và Siêu thị BigC, khu vực trưng bày và bán các sản phẩm nước uống đóng chai khá bắt mắt. Các sản phẩm có mặt trên quầy hàng, đa phần là các thương hiệu đã nổi tiếng, phổ biến và quen thuộc. Trong đó, chỉ riêng nước khoáng thiên nhiên – mặt hàng được xem là cao cấp nhất trong thế giới nước uống đóng chai, đóng bình, cũng có hàng chục thương hiệu trong nước, quốc tế. Tiêu biểu phải kể đến Lavie, Evian, Vivant, Aquafina, Perrier, Icy, I-on Life, Vital, Satori, Dasani, Vĩnh Hảo, Thạch Bích... Các sản phẩm nước uống đóng chai dung tích từ 330ml đến 500ml, có mức giá từ 3.600 - 4.200 đồng/chai. Riêng một số sản phẩm nhập khẩu cao cấp như Perrier hay Evian, thì có mức giá cao vượt trội, trong đó, Perrier có giá 34.900 đồng/chai 330ml, còn Evian có giá 29.800 đồng/chai 500ml... Bên cạnh các sản phẩm nước suối, nước khoáng kể trên, thì các cửa hàng bán lẻ cũng bày bán nhiều sản phẩm nước uống đóng chai của các thương hiệu khá mới lạ như ViNaLink, Tetstar, Aquavita, Sakura, Anomi, Dadsavi, Nawa... Ngoài ra, một số các nhãn hiệu “thuần Việt” như Hòa Bình, Hương Việt, Cúc Phương, Hải Hà... cũng có mặt trên thị trường. Các sản phẩm đóng chai này thường có giá “mềm” hơn những sản phẩm quen thuộc như Lavie hay Aquafina.

Có thể nói, các sản phẩm nước khoáng thiên nhiên, nước uống tinh khiết của các nhãn hàng nổi tiếng, đã khẳng định được thương hiệu và có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Được biết, để có mặt trên kệ hàng của Siêu thị Co.opmart, các sản phẩm nước uống được đóng chai, đóng bình này phải đáp ứng nhiều yêu cầu tương đối khắt khe. Tiêu chuẩn cơ bản nhất là sản phẩm đã được công bố trong chính sách chất lượng của SGC (SaiGon Co.op). Trong đó, ưu tiên những nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, hay tối thiểu là đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Nghĩa là phải được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, được chứng nhận bởi cơ quan chức năng. Đồng thời, ưu tiên cho nhà sản xuất đạt chứng nhận ISO, HACCP, GMP/SSOP nếu có. Xu hướng sử dụng các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình trong sinh hoạt và trong các văn phòng, công ty, cơ quan, ngày càng phổ biến trong vài năm trở lại đây. Do đó, đây là một trong những mặt hàng bán chạy tại các siêu thị, cửa hàng. Chỉ tính riêng Siêu thị Co.opmart, doanh số tính riêng cho nhóm hàng nước uống này đã đạt hơn 500 triệu đồng. Riêng trong 9 tháng năm 2019, doanh số tiêu thụ nước uống đóng chai đã tăng 15% so với cùng kỳ 2018 và là nhóm có tỷ lệ tăng trưởng cao so với ngành hàng thực phẩm. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ từ đầu năm đến nay của siêu thị đạt 8.000 thùng (thùng 24 chai, dung tích 330ml và 500ml). Trong đó, thương hiệu bán chạy nhất là Aquafina và Lavie. Còn các sản phẩm nước uống đóng chai có nguồn gốc, xuất xứ từ Thanh Hóa, hiện Co.opmart không kinh doanh.

Là một trong những khách hàng VIP của Siêu thị Co.opmart, chị Trần Thị Huyền Trang (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa), cho biết: Việc sử dụng các loại nước uống đóng chai khá thuận tiện cho những chuyến đi xa. Do vậy, chị thường chọn mua các loại nước khoáng thiên nhiên như Lavie, Aquafina, Dasani cho những dịp đi chơi, nghỉ lễ của gia đình; hoặc mua để trong xe ô tô dùng khi cần thiết. Tiêu chí để chị Trang chọn mua các sản phẩm nước uống đóng chai là thương hiệu và chất lượng. Thương hiệu chị chọn thường khá nổi tiếng và phổ biến trên thị trường. Còn chất lượng thì căn cứ vào các chỉ tiêu được công bố trên bao bì sản phẩm và qua quá trình sử dụng để chọn loại nước uống phù hợp. Cũng theo chị Trang, vì chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn, cho nên, việc lựa chọn các sản phẩm nước uống cũng cần chú ý hơn. Trong đó, giá cả cũng là một tiêu chí quyết định chất lượng.

Chật vật tìm chỗ đứng

Là một tỉnh có diện tích rộng, dân số đông, Thanh Hóa nghiễm nhiên được xem là thị trường lớn. Do đó, sự xuất hiện của hầu hết các sản phẩm nước khoáng, nước uống tinh khiết, từ nổi tiếng đến ít tiếng, cũng là điều dễ hiểu. Để tham gia vào “cuộc chơi” và phân chia thị trường nước uống, vài năm trở lại đây, Thanh Hóa cũng xuất hiện không ít doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai. Theo số liệu thống kê của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, trên địa bàn tỉnh hiện có 55 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai. Trong đó, có một số doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai quy mô công nghiệp; còn đa số là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, theo hình thức hộ gia đình. Các sản phẩm nước uống này phần lớn được đóng bình khoảng 20 lít, vì đóng chai 330ml - 500ml thường có giá thành cao hơn và khó tìm được chỗ đứng so với các sản phẩm cùng loại. Bởi vì áp lực cạnh tranh trên thị trường, lại là những thương hiệu “sinh sau đẻ muộn”, công nghệ sản xuất cũng chỉ ở mức “thường thường bậc trung”... cho nên, sản phẩm làm ra từ các cơ sở này có thị trường hẹp hơn và thiếu ổn định.

Sự lấn át của các thương hiệu lớn, đã và đang khiến cho các sản phẩm được sản xuất từ các cơ sở nhỏ, khó có cơ hội xuất hiện trong các công sở, cơ quan, văn phòng, công ty hay các nhà hàng, khách sạn. Cũng vì vậy mà sự khó khăn, chật vật khi tìm chỗ đứng ngay trên sân nhà - với thị trường gần 4 triệu dân - của các cơ sở sản xuất nhỏ tại Thanh Hóa, là điều có thể lý giải. Cách đây chừng dăm năm, sự ra đời của nhiều nhà máy, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã biến Khu Kinh tế Nghi Sơn trở thành thị trường màu mỡ cho việc tiêu thụ các loại nước khoáng thiên nhiên, nước uống tinh khiết. Nắm bắt được cơ hội lớn ấy, hàng chục cơ sở sản xuất nước uống quy mô nhỏ đã ra đời và cung cấp một lượng lớn nước uống cho khu kinh tế. Tuy nhiên, sau một thời gian nở rộ, “thủ phủ” sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình của tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ, hiện giờ đã trở nên ảm đạm. Hiện Nghi Sơn chỉ còn một số cơ sở duy trì sản xuất, còn phần đa đã ngừng hoạt động. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết, thời điểm bấy giờ, khi nhiều công trình trong khu kinh tế đang trong giai đoạn xây dựng, lượng nhân lực tập trung lớn, khiến nhu cầu nước uống tăng mạnh. Đến nay, khi các nhà máy, xí nghiệp cơ bản hoàn thành, nhu cầu nước uống theo đó cũng giảm sâu. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nước quy mô nhỏ trên địa bàn không thể cạnh tranh với các sản phẩm có thương hiệu. Cho nên, việc giảm sản lượng, thậm chí là đóng cửa, ngừng sản xuất cũng là tất yếu.

Khó tìm chỗ đứng tại phân khúc thị trường cao cấp, nhiều cơ sở nước uống đóng chai đang tìm đến các khu trọ dành cho công nhân, khu công nghiệp và các trường học, để giới thiệu và chào bán sản phẩm. Cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết TH -V (tại phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa), là một trong số ít cơ sở đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Chủ cơ sở cho biết, cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết của anh chủ yếu phục vụ cho các trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số huyện lân cận. Hiện cơ sở đang cung cấp nước cho trên 30 trường học, với mức giá chỉ từ 13.500 đồng/bình. Theo chủ cơ sở, đây đã là mức giá thấp nhất mà cơ sở có thể bán ra thị trường và cũng là mức giá mà các đơn vị hợp đồng với bên anh có thể chấp nhận được. Còn tâm sự với chúng tôi, em Lê Thị Nguyệt, công nhân may tại Khu Công nghiệp Lễ Môn, cho biết: “Em thường xuyên sử dụng nước uống đóng bình, vì tiện dụng và phù hợp với túi tiền. Còn đun nước uống vừa mất thời gian, vừa tốn gas, tốn điện. Chỉ khoảng 15.000 – 18.000 đồng/bình, nếu mình em có thể dùng cả tháng mới hết. Nước đóng bình với em đúng là vừa tốt vừa rẻ”.

Hiện nay, trong việc lựa chọn sản phẩm nước uống đóng chai, không ít người tiêu dùng đang dựa trên mức độ phổ biến của thương hiệu và giá thành của sản phẩm. Bởi theo quan niệm của họ, thương hiệu càng nổi tiếng và giá thành càng cao, thì càng chứng tỏ sản phẩm ấy được bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Điều này quả thật cũng có lý của nó. Thực tế, các nhóm nước khoáng và nước tinh khiết có điểm giống nhau, đó đều là nước vô khuẩn, tiệt trùng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và là những sản phẩm nước đủ tiêu chuẩn dùng trên thị trường. Song, sự khác nhau cơ bản của chúng đến từ thành phần khoáng chất, nguồn nước sản xuất và giá trị sử dụng. Chính sự khác nhau này đã quyết định chất lượng và giá thành sản phẩm. Đồng thời, cũng thuyết phục được người tiêu dùng chọn mua sản phẩm đáp ứng yêu cầu và tiêu chí họ đặt ra. Điều này cũng đúng với thực tế buôn bán của bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng tạp hóa tại phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa). Bà Thanh cho biết: Trung bình một tháng, cửa hàng của bà bán khoảng 200 bình nước uống tinh khiết, với mức giá chỉ từ 18.000 đồng/bình 20 lít. Vì đối tượng phục vụ chủ yếu là sinh viên, bệnh nhân tại các bệnh viện và người dân xung quanh khu vực, cho nên bà không thể nhập vào các loại nước uống giá cao, của thương hiệu nổi tiếng. Cho nên, để phù hợp nhu cầu của đối tượng khách hàng và có nguồn hàng thường xuyên, bà Thanh đã ký hợp đồng với một cơ sở nước uống tinh khiết đóng bình tại TP Thanh Hóa”.

Từ thực trạng sản xuất và tiêu thụ của các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm và được biết: Trong bối cảnh hiện nay, để các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai của Thanh Hóa, có thể phát triển hay mở rộng được thị trường là rất khó. Bởi lẽ, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, cho nên nhiều hộ dân đã trang bị máy lọc nước chuyên dụng dùng trong gia đình. Trong khi xu thế tới đây, nhiều công sở, cơ quan, đơn vị, trường học cũng sẽ dần hạn chế sử dụng các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình và thay bằng nước đun sôi hoặc sử dụng hệ thống máy lọc nước chung. Ngoài ra, do thu nhập của người dân cũng chưa đồng đều, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, nên việc mở rộng thị trường cũng không dễ. Đó là chưa kể, giá thành của loại nước uống đóng chai, được sản xuất tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh, hiện rất rẻ và hướng đến đối tượng chủ yếu là công nhân, lao động trong các khu công nghiệp. Thực trạng này rất khó để có thể khuyến khích hay tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư kinh phí, mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Nhóm PV

Bài 2: Vì sức khỏe cộng đồng.


Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]