(Baothanhhoa.vn) - Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, với những chính sách ưu tiên hỗ trợ người nghèo, số hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 150.955 hộ (chiếm tỷ lệ 16,55%) năm 2012, xuống còn 81.758 hộ (chiếm 8,43%) cuối năm 2017, điều đó thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, các con số giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thiếu bền vững do khó khăn trong bố trí nguồn lực thực hiện, chính sách dàn trải, phân tán và vẫn tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần loại bỏ “khoảng trống” trong tín dụng chính sách

Giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua, với những chính sách ưu tiên hỗ trợ người nghèo, số hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 150.955 hộ (chiếm tỷ lệ 16,55%) năm 2012, xuống còn 81.758 hộ (chiếm 8,43%) cuối năm 2017, điều đó thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, các con số giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thiếu bền vững do khó khăn trong bố trí nguồn lực thực hiện, chính sách dàn trải, phân tán và vẫn tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân.

Hộ nghèo xã Xuân Bình (Như Xuân) được hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn của Chương trình 30a. Trần Hằng

Chính sách nhiều, hiệu quả thấp

Công tác giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh cũng như ở các địa phương. Từ năm 2011 đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh đã và đang xây dựng, thực hiện được 339 dự án phát triển sản xuất, trong đó: Giai đoạn 2011-2017, đã xây dựng và thực hiện được 340 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, 37 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo. Ngoài ra, đã hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề (tại các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn) cho trên 160.000 lượt hộ với tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2017 khoảng 451.729 triệu đồng. Bên cạnh đó, để triển khai công tác giảm nghèo theo hướng đa chiều, tỉnh thực hiện 7 chính sách hỗ trợ về: Y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng, dạy nghề, tiền điện, tiền tết... các chính sách nêu trên bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện và động lực để hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sản xuất và đã giúp trên 40.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015 và trên 10.000 hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2017 vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện nay, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi. Mặc dù tỷ lệ giảm nghèo giảm qua các năm, nhưng cuối năm 2017 nhiều nơi, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao, cá biệt như huyện Mường Lát, vẫn còn 8 xã có tỷ lệ hộ nghèo rất cao là: Nhi Sơn 83,87%; Mường Lý 80,97%; Trung Lý 72,88%; Tam Chung 70,22%; Pù Nhi 68,58%...; huyện Thường Xuân vẫn còn 7 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Luận Khê 49,25%; Xuân Chinh 45,73%; Xuân Lộc 41,46%; Xuân Thắng 40,70%... Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo còn diễn ra hàng năm.

Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Chính sách dành cho hộ nghèo rất nhiều nhưng hầu như cấp phát, cho không, vì thế chưa thực sự phát huy hiệu quả. Thực tế, ở nhiều nơi cùng một mảnh đất, người dân từ nơi khác đến định cư thì làm ăn khấm khá, nhưng người dân bản địa vẫn loay hoay mãi không thoát được nghèo. Bên cạnh đó, do có quá nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao. Việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương. Đơn cử như việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn được bố trí kinh phí từ nhiều chương trình, như: 135, nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... khiến nguồn lực từ các chương trình không thể lồng ghép được với nhau do quy định về quản lý, định mức, cơ chế đầu tư của từng chương trình khác nhau. Việc này đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của công trình, địa phương thì không chủ động được việc bố trí nguồn vốn theo nhu cầu...

Giải pháp để giảm nghèo hiệu quả?

Gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Triệu Thành (Triệu Sơn) thuộc hộ nghèo. Cả 2 ông bà đều gần 60 tuổi và có 2 con gái bị tâm thần. Hàng tháng, cả gia đình chỉ sống nhờ vào khoản tiền trợ cấp của 2 con (900.000 đồng). Trước đây, gia đình bà vay 12 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mở cửa hàng tạp hóa. Nhưng vì không biết cách quản lý nên việc kinh doanh thất bại, không có tiền trả nợ. Trong khi đó, gia đình bà Lê Thị Em, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) nhà ở gần quốc lộ và có sức lao động nhưng lại không biết cách làm ăn nên nhiều năm qua bà chỉ biết đi làm thuê. “Xung quanh đây nhà nào cũng làm ăn, buôn bán rất thuận lợi. Nhưng vì tôi không biết cách làm ăn nên nhiều năm vẫn không thoát được nghèo. Giờ đây, tôi rất cần được giúp đỡ về phương thức làm ăn, được vay vốn thì may ra mới thoát được nghèo”, bà Em cho biết.

Tư tưởng trông chờ, ỷ lại của những hộ nghèo vừa kể trên không phải là cá biệt ở các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân... Theo ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo là do trình độ dân trí thấp, cùng với thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Bên cạnh đó, tư tưởng trông chơ, ỷ lại, tự ty mặc cảm, chấp nhận đói nghèo vẫn chưa được xóa bỏ khỏi suy nghĩ của một số người dân. Vì vậy, để giúp những người nghèo thoát nghèo bền vững, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức vươn lên của chính những hộ nghèo; phải xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng “xin làm hộ nghèo” để được nhận sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ngoài ra, Nhà nước nên thực hiện phương thức phân loại hộ nghèo để có những chính sách phù hợp với từng đối tượng. Trước tiên, cần tách riêng những người thuộc diện không có sức lao động như: Người tàn tật, già yếu, ốm đau thường xuyên, mắc bệnh hiểm nghèo. Từ đó, thực hiện cơ chế hỗ trợ trực tiếp, không đưa họ vào diện thực hiện mục tiêu giảm nghèo mà chuyển sang nhóm đối tượng bảo trợ xã hội vì họ đều thuộc hộ nghèo “vĩnh viễn”.

Để đạt mục tiêu mà Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đề ra đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng trung bình của khu vực, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, chế độ, chính sách của Nhà nước mỗi người dân, mỗi hộ nghèo, người nghèo cần phải đổi mới tư duy, cách làm của mình, tự vận động, quyết tâm và có sự bứt phá vươn lên từ trong suy nghĩ về việc làm kinh tế. Tại những vùng đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục giúp bà con tiếp cận cái mới, tận mắt nhìn thấy kết quả để tin và làm theo. Điều này cũng có nghĩa phải tập để hộ nghèo tự tay cầm cái “cần câu” mà Nhà nước đã trao để câu được những “con cá” cho mình. Có như vậy, mới giúp người dân thực sự yên tâm, mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, con đường thoát nghèo cho những người nghèo mới có thể rút ngắn hơn, bền vững hơn bằng chính khả năng của họ, góp phần đáng kể vào việc thực hiện chỉ tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]