(Baothanhhoa.vn) - Bên cạnh việc tạm dừng tất cả các lễ hội, hoạt động văn hóa, TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, chủ động ứng phó với dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tại các di tích, danh lam thắng cảnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các địa phương, đơn vị tăng cường phòng chống dịch nCoV

Bên cạnh việc tạm dừng tất cả các lễ hội, hoạt động văn hóa, TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, chủ động ứng phó với dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (nCoV) tại các di tích, danh lam thắng cảnh.

Các địa phương, đơn vị tăng cường phòng chống dịch nCoV

Đền Cửa Đặt (huyện Thường Xuân) là một trong những di tích thu hút đông đảo du khách và nhân dân nhất trong tỉnh vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Đây là điểm đến tâm linh có số lượng du khách bình quân trên 100 nghìn lượt người tới đi lễ đầu năm và tham quan, du xuân hằng năm. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý này, thực hiện các chỉ đạo theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, trong những ngày đầu năm mới Canh Tý, huyện Thường Xuân đã chủ động không tổ chức lễ hội như những năm trước, mà chủ yếu tạo điều kiện để nhân dân và du khách tới dâng hương, đi lễ. Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: Dịp Tết Canh Tý này, đền Cửa Đặt chỉ thu hút khoảng 60.000 lượt người tới đi lễ, tham quan du xuân (bằng 1 nửa so với Tết Kỷ Hợi), tập trung trong khoảng thời gian từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tháng giêng. Từ ngày mùng 7 (tức ngày 31-1) đến nay lượng du khách đã giảm đáng kể. Đây cũng là khoảng thời gian huyện Thường Xuân tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi về công tác phòng chống dịch nCoV bằng nhiều hình thức.

*Hà Trung cũng là một trong những địa phương có nhiều di tích, danh thắng và lễ hội. Đồng chí Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết: Lễ khai ấn đền thờ Trần Hưng Đạo tại xã Yên Dương (xã Hà Dương cũ) không tổ chức, hoạt động phát ấn cũng tạm dừng. Ban tổ chức lễ hội đền Trần thông báo rộng rãi bằng hệ thống loa truyền thanh tới đông đảo nhân dân, đồng thời in, treo thông báo tại khu di tích này để du khách được biết. Ngoài ra, huyện cũng đã thành lập đoàn công tác liên ngành, kiểm tra, giám sát hàng ngày việc chấp hành tại các điểm di tích.

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch nCoV, ngày 6-2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch nCoV tại lễ hội, di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tiếp tục thực hiện nghiêm việc dừng tổ chức các hoạt động dâng hương, tế lễ đông người, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhân dân và du khách thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch; tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc quanh khu di tích, danh lam thắng cảnh và khu vực thờ tự. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra việc thực hiện công tác phòng chống dịch nCoV tại các di tích, danh thắng trên địa bàn.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi–rút corona gây ra, để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan dịch bệnh trong trường học, từ ngày 2-2-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trường học trong toàn tỉnh cho học sinh (HS) tạm nghỉ học, đồng thời, triển khai các phương án phòng, chống dịch bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả cán bộ, giáo viên và HS.

Tại TP Thanh Hóa, các trường học đã tổ chức tổng vệ sinh toàn trường, chuẩn bị xà phòng, nước rửa tay cho HS và giáo viên, hướng dẫn HS, giáo viên đeo khẩu trang đúng cách; tăng cường công tác phòng, chống dịch, công tác giám sát. Chủ động, xử lý kịp thời các thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh, tránh gây hoang mang cho HS, phụ huynh HS. Cùng với đó, Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa và các trạm y tế xã, phường đã đồng loạt triển khai phun thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh tại 100% trường học trên địa bàn thành phố. Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Tâm, chia sẻ: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh HS về các biện pháp phòng, chống. Ngay trong sáng 2-2, nhà trường đã phối hợp với y tế xã tổ chức phun hóa chất phòng, chống dịch toàn trường. Đặc biệt, trong thời gian HS nghỉ học nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, phụ trách các lớp thường xuyên liên hệ với phụ huynh HS, nhắn tin qua hệ thống VnEdu nắm bắt thông tin về tình trạng sức khỏe HS. Qua nắm bắt thông tin từ phụ huynh, sức khỏe của các cháu HS nhà trường đến thời điểm hiện tại được bảo đảm.

Tại huyện Quảng Xương, công tác phòng, chống dịch bệnh ở các trường học cũng được ngành chức năng, các nhà trường triển khai tích cực, quyết liệt. Thầy giáo Lê Văn Tính, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Ngọc, cho hay: Trong thời gian HS nghỉ học, để chủ động phòng ngừa dịch bệnh, nhà trường vẫn cử cán bộ, giáo viên trực tại đơn vị, kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch, theo dõi tình hình dịch bệnh báo cáo phòng GD&ĐT huyện và các ngành có liên quan hằng ngày. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh, theo dõi sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và phối hợp với gia đình HS nắm bắt kịp thời khi có biểu hiện nhiễm bệnh để phối hợp với ngành y tế đưa đi khám, điều trị và kiểm soát. Nhà trường cũng đã chuẩn bị các điều kiện để ngành y tế tổ chức phun hóa chất khử trùng khu vực trường học trước thời gian HS trở lại lớp.

Nhằm bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức phun hóa chất khử trùng 32/32 trường học thuộc các cấp học trong toàn huyện. Ngoài các phòng học, bàn ghế, sàn nhà, nhà vệ sinh, các cánh cửa, lan can hành lang các trường học cũng là khu vực được đặc biệt chú ý khi làm vệ sinh vì có nguy cơ tiềm ẩn nhiều vi khuẩn.

Thực hiện Công văn số 1361/UBND-VX của UBND tỉnh, ngày 7-2-2020, Sở GD&ĐT tiếp tục ban hành Công văn số 202/SGDĐT-CTTT hướng dẫn các đơn vị trường tiếp tục cho HS nghỉ học đến ngày 15-2. Việc cho HS nghỉ học kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của nhiều gia đình, đặc biệt là quản lý HS tại nhà; ảnh hưởng đến khung thời gian giảng dạy của năm học. Song, đây là động thái tích cực nhằm bảo đảm sự an toàn cho giáo viên và HS, tránh sự lây lan, bùng phát dịch bệnh trong trường học và cộng đồng. Ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Từ khi ban hành công văn hướng dẫn các nhà trường cho HS tạm nghỉ học, Sở GD&ĐT liên tục cử đoàn kiểm tra việc thực hiện các nội dung công văn và công tác phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị trường học. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị trường học đã thực hiện nghiêm túc những nội dung, yêu cầu mà ngành giáo dục đề ra, đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh HS trong việc HS nghỉ học tạm thời để chống dịch, vệ sinh trường lớp, bảo đảm sức khỏe cho các em. Mục tiêu của ngành là không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong trường học. Tính đến cuối giờ chiều ngày 7-2, toàn tỉnh đã có 1.959 trường học thực hiện phun hóa chất khử trùng khuôn viên trường, lớp học, diệt khuẩn đồ chơi, dụng cụ học tập... Về việc HS nghỉ kéo dài, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường, cán bộ, giáo viên tuyệt đối không tập trung số đông HS để tổ chức ôn tập; khuyến khích các nhà trường, giáo viên thực hiện ôn tập tại nhà cho HS bằng cách giao bài tập cho các em theo hình thức online, qua mạng Internet. Sở cũng sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn các trường xây dựng phương án học bù bảo đảm chất lượng, nội dung chương trình, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến khung thời gian biên chế năm học. Đồng thời, động viên các thầy, cô giáo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian dạy bù.

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang diễn biến phức tạp, huyện Quan Hóa đã chủ động triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào địa bàn.

Xác định phòng, chống dịch bệnh nCoV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, vì vậy cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã khẩn trương tổ chức triển khai kế hoạch và tổ chức kịp thời, đồng bộ, quyết liệt công tác phòng chống dịch theo từng cấp độ, chủ động ứng phó và xử lý kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Huyện ủy đã có công văn về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra; thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra trên địa bàn huyện Quan Hóa. Đồng thời triển khai các hoạt động phòng chống dịch nCoV đến mạng lưới y tế, các ngành, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn. Tổ chức tập huấn công tác phòng chống, giám sát và điều trị nCoV cho 118 cán bộ trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa, trạm y tế xã; cử cán bộ trung tâm y tế huyện xuống chỉ đạo trạm y tế xã tham mưu cho UBND các xã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng chống dịch. Trung tâm y tế huyện đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng như: Trung tâm văn hóa thông tin và du lịch huyện làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng từ huyện đến các xã, thị trấn để nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Trung tâm y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã rà soát, theo dõi các đối tượng đến từ vùng có dịch, các đối tượng có nguy cơ. Đến thời điểm hiện tại số người đến từ vùng có dịch được rà soát có 12 người Việt Nam từ Trung Quốc về nước; 5 người đi lao động ở Trung Quốc; 3 người từ Trung Quốc đến Việt Nam hiện tại đang tạm trú trên địa bàn. Số đối tượng trên đang được theo dõi thường xuyên, hiện tại chưa phát hiện triệu chứng của nCoV, tình trạng sức khỏe vẫn bình thường, các đối tượng và người nhà đã được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn cách phòng bệnh, cách ly tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Hóa, cho biết: Để chủ động phòng chống dịch bệnh do nCoV, hiện nay bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, thuốc men, hóa chất khử khuẩn... Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã chuẩn bị 10 giường bệnh ở khoa truyền nhiễm, để đề phòng có người nghi nhiễm vi-rút nCoV vào viện điều trị.

Thầy giáo Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa, cho biết: Từ 6-2, trung tâm y tế huyện đã phối hợp với nhà trường tiến hành phun hóa chất cloraminB trong tất cả các lớp học, khu nhà hiệu bộ, khu vệ sinh, sân trường. Do cơ sở vật chất của nhà trường khá nhiều, phòng học, diện tích sân trường, khu vực vệ sinh, nhà hiệu bộ... rộng lớn, nên nhà trường đề nghị với ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh huyện Quan Hóa và trung tâm y tế huyện bố trí nhân lực phun hóa chất khử khuẩn cho nhà trường sớm hơn dự kiến.

Mạnh Cường, Phong Sắc và Tô Hà


Mạnh Cường, Phong Sắc Và Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]