(Baothanhhoa.vn) - Đánh bắt nhỏ lẻ, nhiều ngư dân Thanh Hóa trang bị cho mình những chiếc bè mảng để vượt sóng ra khơi. Chở nặng cá, tôm, mực, ốc... sau mỗi lần cập bến, chiếc bè gắn liền với cuộc sống lao động của ngư dân, trở thành nét đẹp bình dị nơi cửa biển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bè mảng – nét bình dị nơi cửa biển

Đánh bắt nhỏ lẻ, nhiều ngư dân Thanh Hóa trang bị cho mình những chiếc bè mảng để vượt sóng ra khơi. Chở nặng cá, tôm, mực, ốc... sau mỗi lần cập bến, chiếc bè gắn liền với cuộc sống lao động của ngư dân, trở thành nét đẹp bình dị nơi cửa biển.

Bè mảng – nét bình dị nơi cửa biển

Bè mảng ở xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn).

Dọc theo các bãi biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Quảng Đại, Vinh Sơn (TP Sầm Sơn)..., nơi tập trung thuyền bè neo đậu, người ta bắt gặp hình ảnh ngư dân ngày ngày tất bật ra khơi đánh cá. Mang ngư cụ và những vật dụng cần thiết lên phương tiện để đi “kiếm cơm”, ai nấy đều hy vọng mỗi lần vào bờ, thuyền mình đều chở nặng “lộc biển”.

Tờ mờ sáng, tại một chợ cá ven biển xã Quảng Đại, tiếng người, tiếng xe gắn máy lẫn tiếng sóng biển xen lẫn vào nhau. Những tiểu thương giọng đặc trưng vùng biển bên chiếc xe chở đầy những thúng, giành tre, sọt nhựa... thi nhau bàn luận về chuyện bán mua, lỗ lãi ở các phiên chợ cá hôm trước. Hôm nay, trời yên biển lặng, ai ai cũng hy vọng mua được nhiều loại hải sản tươi ngon, giá lại rẻ để bù cho những hôm trước đó.

5 giờ, lấp ló từ xa xa, những chiếc bè nhỏ xíu dần xuất hiện, cùng với đó là sự ngó nghiêng, phán đoán thuyền của nhà nọ, bè của nhà kia đã về. Cũng chẳng phải chờ lâu, lần lượt các phương tiện đánh bắt cá theo nhau về bãi. Trên mỗi chiếc bè chỉ có khoảng 4 đến 5 lao động trong đó có không ít phụ nữ là những người đi biển chuyên nghiệp. Họ cùng chồng, cùng con mình nỗ lực vượt sóng, vượt gió trên những chiếc bè mảng thô sơ để đánh bắt tôm cá.

Dừng động cơ, những ngư dân trên bè nhanh chóng xếp các thùng xốp và từng sọt hải sản rồi khom lưng bê chúng lên bờ cát. Chỉ chờ có thế, những tiểu thương xúm xít lại hỏi han, trả giá. Người mua được hàng thì vội vã cân đo rồi chuyển lên xe để về cho kịp buổi chợ sáng, người không mua được thì tiếp tục chờ bè khác trở về. Hàng chục chiếc bè cứ thế mang theo những con cá, con tôm tươi roi rói bán cho tiểu thương rồi neo vào bến bãi khi mặt trời đã lên đến lưng chừng.

Có mặt tại chợ cá Hải Tiến, nơi tập trung khá nhiều chiếc bè mảng của ngư dân các xã Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Trường (Hoằng Hóa) neo đậu, trong lúc chờ bè vào bờ, chúng tôi có dịp trò chuyện với những ngư dân “gốc” mà cả cuộc đời họ gắn với nghề đi biển trên những chiếc bè mảng đơn sơ. Ông Lê Văn Thịnh, một ngư dân có nhiều năm làm nghề đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cũng bằng ấy năm ông tham gia đóng bè mảng, cho biết: “Gia đình tôi có 6 lao động đều sống bằng nghề chài lưới. Không có điều kiện để sắm tàu thuyền công suất lớn, chúng tôi chỉ sử dụng những chiếc bè tự chế để làm phương tiện đánh bắt mà thôi. Ở xã tôi có tổ thợ chuyên làm bè mảng cho các nhà dân có nhu cầu. Họ sẽ đến tận nơi, cùng những người đàn ông trong gia đình tập trung công việc đóng bè. Nguyên vật liệu được sử dụng rất đơn giản và gần gũi với nhiều miền quê, gồm những cây luồng hoặc tre. Luồng, tre làm bè phải chọn loại thật già, thẳng đều, ít tì vết, rồi dùng dao thật sắc gọt lớp vỏ, hơ trên lửa định hình, uốn cong một đầu để tạo lườn, sau đó dùng loại cước lớn ghép các cây lại với nhau. Muốn bè vững chãi suốt 4 mùa trong năm, các ngư dân ghép 3 - 4 cây mỗi bên để làm mạn, dùng thêm một lớp xốp bọt biển ở đáy giúp phương tiện thêm chắc chắn, chịu được sức ép của sóng to, gió lớn. Ngoài ra, kỹ thuật cân chỉnh cho bè cân, “lướt” nhẹ, êm khi xuống nước cũng được đặc biệt chú ý. Trước kia kinh tế khó khăn, người đóng bè ít vốn đầu tư, nguyên vật liệu hạn chế, mỗi chiếc bè thiết kế đơn giản, chỉ có một cột buồm, đôi mái chèo tay, năng suất đánh bắt kém hiệu quả. Ngày nay, chúng tôi vẫn áp dụng những kỹ thuật truyền thống, nhưng sử dụng nhiều nguyên liệu hơn để làm nên những chiếc bè có kích thước lớn hơn và sử dụng động cơ để tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động cho người đi biển, tạo sự chính xác hơn cho sản phẩm. Mỗi chiếc bè mảng thường được làm từ 20 cây luồng, có chiều rộng trên 2m, dài từ 7 - 10m, có mái che mưa, nắng cho ngư dân khi lao động trên biển”.

Chia sẻ về nghề đi biển gắn với chiếc bè của gia đình, bà Lê Thị Hòa, 58 tuổi, quê ở xã Hoằng Thanh, cho biết: “Vợ chồng tôi cùng gia đình cậu con trai dùng chung một chiếc bè. Hôm nào khỏe, tôi sẽ dậy sớm cùng chồng ra khơi đánh cá từ 1 - 2 giờ sáng, còn nếu không thì cứ khoảng 8 giờ sáng tôi ra biển chờ bè của nhà vào để đưa hải sản lên bán cho khách. Nghề đi biển vất vả và nguy hiểm lắm. Công việc thả lưới, kéo lưới về bè rất nặng nhọc, tất cả đều làm bằng đôi tay và sức người chứ chưa có thiết bị máy móc nào hỗ trợ. Đặc biệt người đi bè chúng tôi dù trời mưa hay tạnh ráo cũng thường xuyên phải mặc những bộ áo mưa để che đi những đợt sóng táp nước vào người, chưa nói đến những đợt mưa gió hay biển động thì nguy hiểm luôn rình rập”.

Với ngư dân bè mảng, dù vẫn còn nhiều nỗi vất vả, cuộc sống mưu sinh phụ thuộc vào mênh mang sóng nước nhưng mỗi chuyến đi đều đong đầy niềm tin, niềm hy vọng vào những mẻ lưới đầy ắp cá tôm. Và sau hàng giờ lênh đênh ngoài biển cả, những chiếc bè lại thảnh thơi phơi mình trên bờ cát tạo nên không gian và nhịp sống bình dị ở nhiều làng biển xứ Thanh.

Bài và ảnh: Thu Hà


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]