(Baothanhhoa.vn) - Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 115) hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đều bắt buộc phải đóng BHXH. Tuy được đánh giá là một chính sách góp phần bảo đảm an sinh cho người lao động, nhưng thực tế doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng trong vai trò người thu BHXH hộ, còn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không muốn tham gia BHXH bắt buộc...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo hiểm xã hội cho lao động xuất khẩu: Chính sách ưu việt nhưng khó đi vào cuộc sống

Theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 115) hướng dẫn thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đều bắt buộc phải đóng BHXH. Tuy được đánh giá là một chính sách góp phần bảo đảm an sinh cho người lao động, nhưng thực tế doanh nghiệp xuất khẩu lúng túng trong vai trò người thu BHXH hộ, còn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không muốn tham gia BHXH bắt buộc...

Tư vấn xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội).

Lao động xuất khẩu “thờ ơ”

Khi nghe về quy định người lao động xuất khẩu phải thực hiện BHXH bắt buộc, anh Trần Duy Khánh, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) không khỏi lo lắng: “Thu nhập của người lao động ở Đài Loan không cao như đi Hàn Quốc, chỉ bằng khoảng 1/2 hoặc 2/3. Tôi làm việc ở Công ty Điện tử Kính Bằng (Đài Bắc), lương tháng khoảng 19.900 Đài tệ, tương đương với 600 USD. Trừ các khoản chi phí sinh hoạt, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm thân thể... tại công ty, tôi chỉ còn khoảng 2/3 thu nhập, nghĩa là khoảng 400 USD. Đó là chưa kể phải tiết kiệm tiền để trả nợ khoản chi phí đi ban đầu khoảng 5.000 USD; rồi những lúc ốm đau, rủi ro không biết bấu víu, nhờ cậy ai, phải bỏ số tiền lớn để trang trải. Nay ở nhà còn “gánh” thêm khoản BHXH bắt buộc nữa thì tôi cảm thấy quá sức”.

Mặt khác, anh lo lắng rằng nếu đóng BHXH ở Việt Nam, thì khi anh bị tai nạn, ốm đau ở nước ngoài, bảo hiểm ở Việt Nam có chi trả được hay không? Anh Khánh cho rằng, nhiều người bạn cùng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) với anh cũng có suy nghĩ như vậy, với số tiền kiếm được cũng chỉ mong tích góp được chừng nào tốt chừng ấy mang về quê trả nợ, xây nhà, không mong nghĩ xa xôi về lương hưu hay các chế độ bảo hiểm gì khác. Cũng giống như anh Khánh, anh Nguyễn Hoài Nam, xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa) hiện đang làm trong một công ty môi trường tại Xơ-un (Hàn Quốc) chia sẻ: Tôi đi XKLĐ được gần ba năm, nhưng trước đây ở nhà tôi chỉ là lao động tự do cho nên không tham gia đóng BHXH, nay thời hạn lao động sắp hết nếu có đóng BHXH bắt buộc theo quy định cũng không biết để làm gì? Chỗ làm của tôi có gần chục lao động người Việt Nam, có người mới sang, có người được gia hạn lần hai, nhưng cũng chưa thấy ai tham gia BHXH...

Ngoài việc lao động xuất khẩu không mặn mà với chính sách BHXH, nhiều doanh nghiệp, công ty XKLĐ đều cho rằng, việc thu BHXH bắt buộc đối với lao động xuất khẩu là rất khó. Bởi, đa số người lao động trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là lao động tự do hoặc nghề nghiệp không ổn định nên không tham gia đóng BHXH. Mặt khác, không ít người băn khoăn vì thời hạn người lao động đi xuất khẩu chỉ khoảng 3-5 năm, số ít là 8-10 năm. Bên cạnh đó, ở một số quốc gia người lao động Việt Nam sang làm việc, như Malaysia thì họ không hưởng chế độ hưu hay chế độ tuất mà chỉ được hưởng chế độ ngắn hạn như tai nạn lao động và ốm đau, đặc biệt là còn không được hưởng chế độ thai sản cho nên thường những người lao động Việt Nam khi gặp trường hợp thai sản là buộc phải về nước và như vậy sẽ không công bằng. Ngoài ra, các doanh nghiệp đưa người đi XKLĐ cũng đang rất lúng túng trong việc thu bao nhiêu? thu như thế nào? doanh nghiệp tuyển dụng có phải làm nhiệm vụ thu tính vào chi phí đưa người đi XKLĐ hay không lại chưa có hướng dẫn khiến cả lao động lẫn doanh nghiệp đều đang rất mơ hồ. Mặt khác, doanh nghiệp cũng chưa rõ là người lao động sẽ được hưởng quyền lợi gì khi tham gia BHXH nên khó có thể giải thích cho người lao động hiểu. Do đó, một số doanh nghiệp chia sẻ, dù Nghị định 115 đã có hiệu lực thi hành hơn 2 năm, nhưng trong quá trình tư vấn, họ vẫn ngần ngại chưa nêu và giải thích cho người lao động về quy định BHXH bắt buộc.

Chính sách khó đi vào cuộc sống

Theo Nghị định 115/2015 hướng dẫn thực hiện Luật BHXH 2014, người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH từ ngày 1-1-2016. Theo đó, các đối tượng người lao động này gồm: Đi làm việc theo hợp đồng với công ty dịch vụ XKLĐ, tổ chức sự nghiệp; đi làm việc với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài; đi thực tập nâng cao tay nghề; đi theo hợp đồng cá nhân.

Nghị định này cũng ghi rõ, trừ người lao động đi làm với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ở nước ngoài phải tham gia tất cả hình thức BHXH bắt buộc, 3 nhóm lao động còn lại chỉ đóng BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất. Mức đóng hàng tháng được xác định bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa đóng BHXH bắt buộc hoặc đã đóng BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần. Người lao động có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn hợp đồng. Về hình thức đóng, người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú trước khi đi hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử.

Ngay sau khi Nghị định 115 có hiệu lực, BHXH tỉnh đã có công văn, đồng thời làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp XKLĐ thuộc tỉnh quản lý để hướng dẫn doanh nghiệp tư vấn cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 2 năm kể từ ngày Nghị định 115 có hiệu lực, BHXH tỉnh vẫn chưa thu được BHXH của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định. Đại diện cơ quan BHXH cho rằng: Người lao động không nên lo lắng về việc sau khi hết hạn lao động, trở về quê hương, BHXH sẽ bị “đứt gánh giữa đường”. Bởi khi trở về nước, người lao động có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện với mức lựa chọn phù hợp với khả năng để khi hết tuổi lao động có đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Hoặc, nếu về nước người lao động không muốn và không có khả năng đóng tiếp BHXH tự nguyện thì họ có thể nhận BHXH một lần.

Theo ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội): Chính sách này nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động. Tuy nhiên, việc thu BHXH đối với đối tượng này là rất khó. Bởi, người lao động đi làm việc ở nhiều nước nên thu nhập, quyền lợi, nghĩa vụ ở nước sở tại cũng khác nhau, dẫn đến điều kiện tham gia bảo hiểm cũng khác nhau. Chẳng hạn, lao động đi xuất khẩu ở các nước thuộc khu vực Trung Đông, hoặc Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc... đều được doanh nghiệp sử dụng lao động đóng bảo hiểm. Số tiền đóng doanh nghiệp và người lao động cùng chi trả. Còn ở một số nước như Nhật Bản, doanh nghiệp sử dụng lao động không có nghĩa vụ phải thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động nước ngoài. Từ sự khác biệt này dẫn đến nhu cầu, mong muốn, định hướng tương lai của người lao động cũng khác nhau, nên việc này theo tôi không nên bắt buộc, mà chỉ nên là BHXH tự nguyện thì phù hợp với thực tế hơn.

Quy định người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH là chính sách ưu việt, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội, đảm bảo lợi ích lâu dài cho người lao động và đúng với lộ trình mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Để thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp giữa ngành BHXH và ngành lao động-thương binh và xã hội, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, làm rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH.


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]