(Baothanhhoa.vn) - Cũng như cả nước, giai đoạn này là những năm đầu nông nghiệp Thanh Hóa bước vào thời kỳ đổi mới. Dấu ấn nổi bật của sự phát triển chưa nhiều và còn nhỏ bé, vì tâm lý xã hội của nền sản xuất bao cấp còn giữ chặt người sản xuất và nhà quản lý, nguồn lực đầu tư còn ít, tư liệu sản xuất như đất đai, công cụ, sức kéo còn do HTX quản lý, cơ chế, chính sách còn mới mẻ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những dấu ấn nổi bật của sự phát triển nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 1989-1999

Cũng như cả nước, giai đoạn này là những năm đầu nông nghiệp Thanh Hóa bước vào thời kỳ đổi mới. Dấu ấn nổi bật của sự phát triển chưa nhiều và còn nhỏ bé, vì tâm lý xã hội của nền sản xuất bao cấp còn giữ chặt người sản xuất và nhà quản lý, nguồn lực đầu tư còn ít, tư liệu sản xuất như đất đai, công cụ, sức kéo còn do HTX quản lý, cơ chế, chính sách còn mới mẻ...

Những dấu ấn nổi bật của sự phát triển nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 1989-1999Mô hình trồng hoa công nghệ cao tại xã Dân Lực (Triệu Sơn). Ảnh: Hương Thơm

Tuy nhiên, đổi mới kinh tế như luồng gió mới, làm cho không khí làm ăn của nông dân bắt đầu sôi động, tạo nên sức bật mới đầy sức sống, triển vọng tốt đẹp. Sự kiện nổi bật đầu tiên nhất thời bấy giờ có hai dấu ấn sâu sắc nhất: một là giao đất ổn định lâu dài cho người nông dân; hai là hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ. “Hàng rào” bao cấp bị bật tung, hai quyền lợi cơ bản của nông dân trong sản xuất nông nghiệp được xác lập.

Ở tỉnh ta, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 08-CT/TU ngày 27-11-1992 về việc giao đất nông nghiệp lâu dài tự chủ cho nông dân. Từ đây nông dân đã là người chủ trực tiếp đối với ruộng đất, chủ động các khâu sản xuất như từ giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch và sử dụng, tiêu thụ sản phẩm. HTX từng bước chuyển sang hoạt động dịch vụ sản xuất.

Sau giao đất, phong trào thi đua sản xuất giỏi khắp các huyện từ đồng bằng, miền núi, ven biển được phát động. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định: Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Một loạt giải pháp thúc đẩy nông nghiệp thâm canh, chuyên canh; khai thác sử dụng mọi nguồn lực trong nông dân, của Nhà nước để có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Trong những năm đầu giai đoạn này, quy hoạch các vùng sản xuất cây chuyên canh được công bố: vùng lúa với trên 200.000 ha gieo trồng, vùng ngô 35.000 ha, vùng lạc 13.000 ha, vùng cói 2.800 ha; đặc biệt một cây trồng mới trong tập đoàn cây nông nghiệp là cây mía 18.000 ha và một số vùng cây trồng khác. Đến đây, “hình hài” nền nông nghiệp những năm đầu đổi mới quy mô lớn, triển vọng của nông nghiệp hàng hóa, thị trường đi liền với quy hoạch vùng chuyên canh là vận động, hướng dẫn ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất với mục tiêu hàng đầu các năm đó là: Thanh Hóa phấn đấu đạt 1 triệu tấn lương thực (lúa, ngô)/năm. Biện pháp khoa học đã được ứng dụng rộng rãi trên đồng ruộng: Bỏ, giảm các giống lúa dài ngày, năng suất thấp, đưa quy trình ứng dụng các loại giống lúa thuần năng suất cao, ngắn ngày; đặc biệt, bằng nhiều biện pháp đưa giống lai vào sản xuất, vào cuối các năm 1997, 1998, 1999 lúa lai chiếm 30% cơ cấu mùa vụ, vụ đông trở thành vụ 3 – vụ sản xuất chính trong năm: (vụ đông, vụ xuân, vụ mùa) chiếm 35% diện tích gieo trồng/năm; phong trào kỹ thuật trồng ngô trên nền đất ướt – sáng kiến của nông dân xứ Thanh đã được nhiều tỉnh phía Bắc tham quan, áp dụng. Hệ thống hạ tầng thủy lợi được tu bổ, xây dựng mới. Đặc biệt chương trình kiên cố hóa kênh mương do Nhà nước và Nhân dân cùng làm; trong 3 năm, hệ thống kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 các huyện trọng điểm lúa được đầu tư. Dẫn đầu là xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) nhân rộng tất cả các huyện trọng điểm lúa. Hệ thống thủy lợi Bái Thượng, sông Chu – Nam sông Mã và các hồ đập đã đảm bảo nước tưới tiêu cơ bản trên 80.000 ha/năm. Đây là sự phát triển ấn tượng. Bằng biện pháp giống mới và tưới tiêu chủ động cùng sự tích cực lao động của bà con nông dân, sau 3 năm, Thanh Hóa đạt 1 triệu tấn lương thực vào giai đoạn này. Những biện pháp này được duy trì, phát triển trong quy trình sản xuất nông nghiệp đến ngày nay.

Một ấn tượng phát triển nông nghiệp đặc sắc là cây mía và công nghiệp mía đường làm nổi danh nông nghiệp Thanh Hóa. Đến năm 1999, Thanh Hóa hình thành các vùng chuyên canh mía gắn với 3 nhà máy đường: Lam Sơn, Việt Đài, Nông Cống với hàng vạn tấn đường/năm. Vùng mía đường là vùng sáng nông thôn đổi mới, xóa đói, giảm nghèo; Nhà máy Đường Lam Sơn nay là Công ty CP Mía đường Lam Sơn. “tướng mía đường Lê Văn Tam” trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trồng trọt phát triển, chăn nuôi cũng phát triển đầy ấn tượng. Theo hướng chăn nuôi hàng hóa, chất lượng cao, ngành chăn nuôi đã có hàng loạt biện pháp đổi mới để phát triển. Giống lợn lai F1, lợn ngoại tỷ lệ thịt nạc cao, tăng trọng nhanh thay thế đàn lợn ỉ “truyền thống” vì nhỏ con. Bò lai sind thịt ngon, trọng lượng cao thay thế dần bò vàng Thanh Hóa; gà, vịt thịt ngon thay dần gà, vịt trọng lượng thấp. Phong trào “móng cái – hóa” đàn lợn, “sind hóa” đàn bò luôn được nông dân gắn với phong trào thi đua chăn nuôi giỏi. Các trại giống Nhà nước là “bà đỡ” cho giống gia súc của nông dân, các xí nghiệp thức ăn hỗn hợp lần lượt ra đời; xí nghiệp chế biến thịt lợn bắt đầu hoạt động và Thanh Hóa là tỉnh xuất khẩu thịt lợn sớm nhất các tỉnh thời kỳ đầu đổi mới. Chăn nuôi giỏi là khẩu hiệu thi đua của nông nghiệp và nông dân Thanh Hóa từ thời bấy giờ.

Nông nghiệp Thanh Hóa không thể không nói đến rừng. Diện tích rừng và đất rừng chiếm trên 50% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Dân sống cùng rừng trên 1 triệu người, nhưng trước thời đổi mới diện tích rừng che phủ chỉ chiếm 27%. Rừng luôn là đề tài trăn trở của các nhà lãnh đạo, vì càng bàn về rừng thì rừng càng cạn kiệt. Rừng luôn là nỗi “xoay sở” cuộc sống của đồng bào vì đời sống thu được từ rừng rất khó khăn. Nhưng đến nay ai đi từ Dốc Xây (Bỉm Sơn) đến Khe Nước Lạnh (Tĩnh Gia), ai đi từ Sầm Sơn ngược lên Quan Sơn, Mường Lát đã thấy tít tắp màu xanh của rừng. Những vùng đất dốc, những đồi trọc đất bạc trắng đến nhức mắt đã được phủ xanh. Quang cảnh đó đã phản ánh ấn tượng tốt đẹp của phát triển rừng, của lâm nghiệp quê Thanh. Nhiều cơ sở chế biến từ nguyên liệu rừng đã ra đời, Thanh Hóa đã có gỗ xuất khẩu, cốt pha xây dựng của hàng chục vạn mái nhà mỗi năm do rừng luồng gánh vác. Vì rừng đã có chủ với 97.117 hộ dân được giao làm chủ rừng; chương trình bảo vệ rừng và trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ được tỉnh ta thực hiện từ hồi đó đến nay; Chương trình, dự án PAM phòng hộ ven biển, Chương trình 327 phủ xanh đất trống, đồi trọc của Chính phủ hoàn thành xuất sắc. Các khu bảo tồn thiên nhiên ra đời và hoạt động tốt với hàng chục ngàn ha, không những bảo vệ thiên nhiên quý giá còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng hiện nay như Pù Hu, Pù Luông (Quan Hóa – Bá Thước), Xuân Liên (Thường Xuân) và Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh). Tỷ lệ che phủ rừng chiếm đến 50% diện tích đất rừng đến nay.

Cùng với ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp có bước phát triển đầy ấn tượng của thời kỳ đổi mới. Ngành thủy sản cũng có những bước phát triển dấu ấn đẹp, tạo điều kiện cho các bước phát triển kế tiếp:

- Mở mang thủy sản đa thành phần: quốc doanh, tập thể HTX, tư nhân, gia đình thu hút thêm nhiều lao động.

- Mở mang nhiều phương tiện đánh bắt, tăng cường đa nghề biển gần để tăng sản lượng. Khuyến khích mua sắm, đóng mới các thuyền công suất cao 45 – 90 CV để ra khơi đánh bắt.

- Mở cơ sở chế biến, nhất là các hộ tư nhân.

- Thành lập công ty Nhà nước chế biến, xuất khẩu tôm, mực, cá; mở nghề mới nuôi ngao quy mô lớn các vùng Quảng Xương, Hậu Lộc với hàng vạn tấn ngao sử dụng nội địa và xuất khẩu.

- Thành công lớn nhất là nghề mới nuôi tôm sú xuất khẩu: học tập kinh nghiệm từ Đà Nẵng, Quảng Nam: hợp đồng mua giống hàng năm, sau 3 năm thành lập Trung tâm Giống tôm sú. Phát động chăn nuôi tôm sú, hàng loạt hộ xây vùng trang trại nuôi tôm sú... và tôm sú là sản phẩm xuất khẩu lớn của hải sản Thanh Hóa.

- Mở mới các cảng cá Lạch Bạng (Tĩnh Gia), cửa Hới (Sầm Sơn), nơi neo đậu tàu thuyền để mở mang dịch vụ đánh bắt, thu mua, chế biến, nơi hội tụ tàu thuyền không chỉ của Thanh Hóa mà hàng nghìn tàu thuyền, ngư dân các tỉnh bạn cư trú ngày đêm tại đây, một thị trường tấp nập kinh doanh đầy hứa hẹn cho đến nay.

Ông Nguyễn Văn Thát,

Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]