(Baothanhhoa.vn) - Sầm Sơn đã khác xưa nhiều lắm. Đó hẳn là ấn tượng chung của nhiều người, khi hơn một lần có duyên gặp gỡ Sầm Sơn. Một diện mạo mới, một tầm vóc mới và một vị thế mới - mang đậm dấu ấn Sầm Sơn - đang dần định hình trên bản đồ du lịch Việt. Người ta có nhiều căn cứ để lý giải cho sự “thay da đổi thịt” kỳ diệu ấy. Song, với chúng tôi, cái căn nguyên ban đầu thôi thúc và tạo đà cho Sầm Sơn “rũ bùn đứng dậy”, có lẽ phải bắt đầu từ một “mùa hè kỳ lạ” của cách đây 30 năm...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gặp lại “công trình sư” hè Sầm Sơn 1989

Sầm Sơn đã khác xưa nhiều lắm. Đó hẳn là ấn tượng chung của nhiều người, khi hơn một lần có duyên gặp gỡ Sầm Sơn. Một diện mạo mới, một tầm vóc mới và một vị thế mới - mang đậm dấu ấn Sầm Sơn - đang dần định hình trên bản đồ du lịch Việt. Người ta có nhiều căn cứ để lý giải cho sự “thay da đổi thịt” kỳ diệu ấy. Song, với chúng tôi, cái căn nguyên ban đầu thôi thúc và tạo đà cho Sầm Sơn “rũ bùn đứng dậy”, có lẽ phải bắt đầu từ một “mùa hè kỳ lạ” của cách đây 30 năm...

Gặp lại “công trình sư” hè Sầm Sơn 1989Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Huy Ngọ, người có nhiều “duyên nợ” với Thanh Hóa.

Lần theo chuyện kể của những người dày dạn thâm niên vốn gắn bó cùng du lịch xứ Thanh, tôi đã tìm gặp “công trình sư” của hè Sầm Sơn 1989: nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1988–1991) Lê Huy Ngọ.

“Vì sao vậy thưa ông, sao không phải là nông nghiệp mà lại là du lịch?” Đó quả thực là điều khiến tôi băn khoăn. Nhưng trước khi “bắt” vào câu chuyện làm du lịch, xin kể lại đôi nét chuyện “về quê” của ông. Vốn dĩ, hai từ “về quê” hàm nghĩa sự thảnh thơi, thậm chí có mấy phần rất... thơ là khác. Nhưng “về quê” giữa năm 1988, bấy giờ Thanh Hóa chẳng khác nào củ khoai lang nóng, đặt xuống không được mà cầm lên cũng không xong; thì quả là một thách thức, thậm chí là một cuộc “đấu trí, đấu tài” vừa công khai, vừa âm thầm. Tình trạng “bó đũa rời” trong lãnh đạo; rồi thì cảnh đói kém, trì trệ... Tất cả đã khiến cho việc “về quê” – dẫu “là hạnh phúc trong đời tôi” như lời ông bộc bạch – thì quả thật đó vừa là duyên nhưng cũng là nợ.

“Vấn đề bức xúc nhất lúc bấy giờ liên quan trực tiếp đến con người – cán bộ. Thế nhưng, công tác tổ chức lại không thể làm vội vàng, vì càng vội lại càng khó, càng phức tạp. Trong khi Thanh Hóa còn nhiều vấn đề cũng không kém phần nóng bỏng, đó là giải quyết nhu cầu lương thực, ổn định đời sống cho Nhân dân”, ông kể. Vậy là, thay vì “đóng cửa” làm tổ chức, ông hướng “mũi nhọn” và mọi sự chú ý vào những công việc cụ thể, mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực. Đồng thời, xem đây là cách để dẫn dắt mọi người vào công việc, lăn mình vào thực tiễn, nhằm tạo ra một “khoảng trống” nhất định, để nhìn nhận lại mọi việc một cách khách quan, thấu đáo và công tâm hơn.

- “Vì vậy nên du lịch chính là “chọn việc để làm”, thưa ông?

- “Thật ra, việc này đến khá là bất ngờ. Đó là một buổi chiều, tôi cùng anh Mai Xuân Minh khi ấy là Chủ tịch UBND tỉnh, đi dọc đường Hồ Xuân Hương lên Hòn Trống Mái. Sầm Sơn đẹp lắm, không những đẹp ở cảnh mà còn quý hơn nhờ “vị thuốc” tự nhiên từ nước biển có tác dụng chữa bệnh. Chả vì thế mà người Pháp trước đó cả thế kỷ, đã chọn Sầm Sơn thay vì Bãi Cháy (Quảng Ninh) hay Đồ Sơn (Hải Phòng) làm điểm nghỉ dưỡng. Tôi đã hỏi anh Minh, rồi anh Bào (Bí thư Thị ủy) rằng “Sầm Sơn tiềm năng là vậy nhưng sao ít khách quá, hàng quán lẻ tẻ quá?”. Câu trả lời là Sầm Sơn vừa không đủ tầm, vừa không đủ sức để vực dậy du lịch”.

Sau chuyến khảo sát bất ngờ ấy, cùng những trăn trở muốn “tháo ngòi trì trệ” cho Sầm Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung, đã thôi thúc ông đưa ra quyết định táo bạo. Đó là xây dựng đề án phát triển du lịch Sầm Sơn và kỳ vọng, đề án này thành công sẽ tạo ra sự đột phá hình ảnh về một Thanh Hóa mới và là tiền đề phát triển kinh tế biển. Sau nhiều hội thảo, tham vấn ý kiến giới chuyên gia, nhà quản lý và kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp du lịch, ý tưởng ban đầu về một hè Sầm Sơn đổi mới đã dần định hình. Đặc biệt, nhiều bộ, ngành Trung ương khi nhận thấy quyết tâm đổi mới và phát triển của Thanh Hóa, cũng đã chia sẻ và ủng hộ tỉnh. Vì thời gian gấp gáp (từ tháng 9-1988 đến tháng 4-1989), nên việc phân công, phân nhiệm, họp hành giao ban, đốc thúc công việc... được thực hiện cụ thể, thường xuyên. Đồng thời, vì là việc mới nên phải vừa làm, vừa khắc phục khó khăn, vừa điều chỉnh cho phù hợp. Ông nhớ lại: “Khó khăn thì nhiều lắm. Chẳng hạn, phải sửa sang và thông tuyến đường dài 16 cây số từ TP Thanh Hóa xuống Sầm Sơn và đường Hồ Xuân Hương ven biển, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn; chấn chỉnh lại hoạt động của các nhà hàng, khách sạn; chỉnh trang cảnh quan môi trường và các điểm di tích; phải kết nối, mời gọi được bạn bè từ Hà Nội... Song, khó nhất là làm thế nào tìm được tiếng nói đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ. Để anh em cùng xắn tay vào làm, đoàn kết để làm cho tốt, làm vì quê hương mình cả”.

- “Nói như vậy thì khi ông quyết định chọn du lịch làm “khâu đột phá”, nhằm giúp Thanh Hóa mở rộng cánh cửa với bạn bè, dẫu được đa số đồng tình, nhưng hẳn là sự hoài nghi và áp lực không phải không có?”

- “Có chứ. Thậm chí, có những chuyện “cười ra nước mắt”, chuyện đùa như thật ấy. Nhưng cũng có những sự hoài nghi tích cực, giúp mình nhìn nhận sự việc một cách khách quan, rõ ràng, tránh ảo tưởng và điều chỉnh cách làm cho phù hợp”.

Vậy là, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của hoàn cảnh lịch sử và cả những định kiến ràng buộc; đồng thời, hội tụ được cả 3 yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa, Thanh Hóa đã khai trường hè Sầm Sơn 1989: “Sầm Sơn sức khỏe – kinh tế - bạn bè”. Một slogan tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất phù hợp. Bởi theo lời ông thì “Nhân dân, du khách, bạn bè về với Sầm Sơn để có sức khỏe. Khách đông thì tạo ra thu nhập, phát triển kinh tế. Từ sự thân thiện, mến khách và chất lượng dịch vụ, Thanh Hóa sẽ cải thiện được hình ảnh và hấp dẫn bạn bè”. Dẫu rằng, cách đây 30 năm, “kinh tế du lịch” vẫn còn là khái niệm chưa định hình rõ nội hàm. Thế nhưng, với slogan của hè 1989, khái niệm “kinh tế du lịch” đã bước đầu được đề cập. Đồng thời, tạo tiền đề để sau này, Sầm Sơn tiếp tục định hướng truyền thông, định vị thương hiệu và khẳng định giá trị điểm đến.

Gặp lại “công trình sư” hè Sầm Sơn 1989Diện mạo đô thị du lịch Sầm Sơn ngày càng hiện đại.

Đến đây, hẳn có người sẽ thắc mắc rằng, vì sao hè 1989 lại là “mùa hè kỳ lạ”? Không “kỳ lạ” sao được, khi mà trong bối cảnh bao cấp – tem phiếu, mọi việc đều được đưa lên cân đong đo đếm chi li, thì du lịch trở thành điều gì đó xa xỉ với không ít người. Càng “kỳ lạ” hơn là giữa rất nhiều “hướng gió” làm dao động, thậm chí là lung lay niềm tin; thì cơn gió mùa hè thổi từ Sầm Sơn, dường như đã làm dịu đi bầu không khí ngột ngạt, bức bối. Để rồi, từ “mùa hè kỳ lạ” - với những trăn trở, hoài nghi và cả sự quyết tâm chưa từng có - đã trở thành “mùa hè kỳ diệu”. Có thể kể ra đây một vài dẫn chứng, cụ thể là 350 gian hàng đã tham gia hội chợ du lịch hè Sầm Sơn 1989; khoảng 3 vạn người dự lễ khai trương và khoảng 95 nghìn lượt khách lưu trú; rồi hàng chục hợp đồng kinh tế đã được ký kết... Cuối cùng là con số 5,5 tỷ đồng doanh thu, chiếm 2/3 tổng thu toàn thị xã Sầm Sơn năm 1989.

- “Dường như, “cái được” của Sầm Sơn hè 1989 không chỉ là những con số kể trên, thưa ông?”.

- “Những gì làm được từ Sầm Sơn năm ấy, đã để lại nhiều bài học quý giá. Đó là lấy công việc để đánh giá cán bộ và lấy Sầm Sơn để chứng minh Thanh Hóa có đủ cơ sở để vượt qua khó khăn. Đồng thời, sự đoàn kết và hội tụ Nhân tâm từ sự kiện Sầm Sơn đã cho thấy, chúng ta sẵn sàng “gác bỏ mặc cảm” để hướng về phía trước. Từ đó, vun đắp lòng tin của Nhân dân, của bạn bè. Và hơn hết, bài học từ Sầm Sơn là bài học thực tiễn chứ không phải bài học trên giấy tờ. Đó là bài học của việc biến thách thức thành cơ hội, bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để “thông thoáng bên trong, mở cửa bên ngoài”, cũng là mở ra cánh cửa phát triển cho Thanh Hóa”.

Có ai đó đã nói rằng, “lý thuyết là tốt, nhưng một cuộc thực nghiệm tốt sẽ tồn tại mãi mãi”. Đặt trong bối cảnh Thanh Hóa lúc bấy giờ để thấy, cái kết của câu chuyện hè Sầm Sơn 1989 là một “cuộc thực nghiệm” chưa từng có. Cũng nhờ cái kết ấy đã truyền nguồn cảm hứng mới để Sầm Sơn “rũ bùn đứng dậy”! Bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng, cho nên không thể so sánh Sầm Sơn của năm 1989, với Sầm Sơn của những năm gần đây, về các chỉ số tăng trưởng, tốc độ phát triển hay thu hút đầu tư... Song, có một điều luôn cần được khẳng định, rằng Sầm Sơn của những năm 89, 90 của thế kỷ trước là những mùa hè “dò đường”, để tìm hướng cho du lịch Sầm Sơn phát triển. Đồng thời, cũng là mở ra cánh cửa để Thanh Hóa bước gần hơn với bạn bè và thoát khỏi sự kìm hãm, trói buộc của những định kiến vốn đã o bế sự phát triển của xứ sở này suốt một thời gian dài.

...

Giữa những ngày nắng oi ả, đường Hồ Xuân Hương vẫn như dải lụa mềm mại, thả mình uốn lượn cạnh chân sóng. Dạo bước trên con đường thơ mộng ấy, tôi chợt nghĩ, nếu ở thời điểm này của 30 năm trước, ông Bí thư Tỉnh ủy không có cảm hứng xuôi về Sầm Sơn ngắm trời, ngắm biển; thì có lẽ hè Sầm Sơn 1989 cũng sẽ như bao mùa hè trước, vẫn yên ắng và đìu hiu khách. Để rồi, mọi vẻ nên thơ, lãng mạn và hấp dẫn của vụng biển xinh đẹp này, biết đâu đấy, vẫn sẽ bị giấu kín vào trong “chiếc áo du lịch” đã bạc phếch và lỗi thời?

Nói như ai đó, người trí tuệ bàn về ý tưởng và giá trị của một ý tưởng lại ở cách sử dụng nó. Vậy nên, thật may mắn làm sao, giữa buổi chiều miên man nắng gió và thư thả hiếm hoi ấy, đã nhen lên ý tưởng và thôi thúc “ông bí thư chân đất” hiện thực hóa nó. Dẫu rằng, chuyện của 30 năm trước có thể đã khép lại, để trở thành một phần quá khứ của Sầm Sơn. “Nhưng với chúng tôi, tất cả đã trở thành một phần ký ức khắc sâu trong tâm khảm”, ông tâm sự. Con đường bắt đầu từ đôi chân và con đường cũng chính là cuộc sống. Ở mỗi một ngã rẽ, có thể có nhiều hơn một sự lựa chọn và đầy các khả năng. Mỗi một lựa chọn hay một khả năng, sẽ mang đến những đáp án khác. Để rồi, lựa chọn ra sao lại tùy thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn của mỗi người. Nhìn một Sầm Sơn rạng rỡ và căng tràn sức sống, lại thầm cảm ơn ý tưởng và sự lựa chọn của “ông bí thư chân đất” ngày ấy. Để cho hôm nay, Sầm Sơn có động lực viết tiếp câu chuyện cổ tích của thời đại mới.

Ghi chép của Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]