(Baothanhhoa.vn) - Ngôi nhà của ông nằm ngay bên Quốc lộ 1A cũ thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, yên bình, êm ả. Ẩn sau dáng vẻ của người đàn ông điềm đạm, từng trải ấy là cả pho lịch sử. Ông là người cựu binh từng tham gia trận đầu đánh thắng không quân Mỹ tại Thanh Hóa. Ông cũng có mặt trong chiến dịch  81 ngày đêm gian khổ chiến đấu giữ từng tấc đất Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông và đồng đội đã được giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng là đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) VŨ TRUNG THƯỚNG. Trò chuyện với chúng tôi, những ký ức hào hùng về những trận chiến đấu, những tên đất, những đồng đội thân yêu bỗng ùa về trong ông...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Âm vang một thời hoa lửa

Ngôi nhà của ông nằm ngay bên Quốc lộ 1A cũ thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, yên bình, êm ả. Ẩn sau dáng vẻ của người đàn ông điềm đạm, từng trải ấy là cả pho lịch sử. Ông là người cựu binh từng tham gia trận đầu đánh thắng không quân Mỹ tại Thanh Hóa. Ông cũng có mặt trong chiến dịch 81 ngày đêm gian khổ chiến đấu giữ từng tấc đất Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông và đồng đội đã được giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng là đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) VŨ TRUNG THƯỚNG. Trò chuyện với chúng tôi, những ký ức hào hùng về những trận chiến đấu, những tên đất, những đồng đội thân yêu bỗng ùa về trong ông...

Âm vang một thời hoa lửa

Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng ôn lại kỷ niệm chiến trường.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

Phóng viên: Ông và những người đồng đội đã bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc như thế nào, thưa ông?

Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng: Tôi sinh năm 1944, trên mảnh đất An Mỹ, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội. Cũng như bao thanh niên trai tráng thời ấy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1961 tôi xung phong lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 38, Sư đoàn 308 thuộc tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ. Những ngày huấn luyện, với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, tôi được cấp trên giao làm khẩu đội trưởng và được cử đi học Trường sĩ quan pháo binh 400 ở Sơn Tây. Cuối năm 1964, sau khi “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại thảm hại, nhằm cứu vãn nguy sơ sụp đổ hoàn toàn, Mỹ đã tiến hành “Chiến tranh cục bộ” đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam và tiến hành “Chiến tranh phá hoại” ra miền Bắc. Đơn vị tôi được điều động đi chiến đấu bảo vệ các mục tiêu trọng yếu tại Thanh Hóa - một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.

Phóng viên: Như thế, có thể coi mặt trận Thanh Hóa là cuộc thử lửa ác liệt đầu tiên mà ông và các đồng đội trong đơn vị được tham gia?

Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng: Đúng vậy, đây là nơi diễn ra những trận chiến đấu ác liệt nhưng cũng rất oanh liệt mà những chàng trai trẻ chúng tôi lần đầu được thử sức. Tháng 2-1966, tôi được tham gia trận đánh đầu tiên tại vùng biển các xã Quảng Thái, Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Hòa, Hải Ninh (Tĩnh Gia), Quảng Cư (Quảng Xương) nay thuộc TP Sầm Sơn, Hoằng Phụ, Hoằng Thanh (Hoằng Hóa). Lúc này, tôi là cán bộ Trung đội thuộc Tiểu đoàn 13, quân khu Hữu Ngạn. Tham gia trận đánh tại Thanh Hóa, trung đội được giao 2 khẩu pháo để bắn trả tàu khu trục hạ của đế quốc Mỹ. Quá trình chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, pháo từ Hạm đội 7 của Mỹ ngoài biển bắn vào, các loại máy bay F4, F8, F105 chi viện cùng đánh vào trận địa của quân ta. Được sự hỗ trợ của các đơn vị phòng không, lực lượng pháo bờ biển của quân đội ta đã bắn cháy 3 tàu khu trục hạ của đế quốc Mỹ. Tại trận địa Hải Hòa (Tĩnh Gia), quân ta dùng súng trung liên, súng AK bắn cháy một chiếc trực thăng của Mỹ vào cứu phi công. Đây là chiến công đầu tiên của trung đội khi tham gia cùng cả cụm pháo tại vùng biển Thanh Hóa.

Mùa hè rực lửa năm 1972

Phóng viên: Được biết trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Trung đoàn 48 là một trong những “tấm lá chắn” quan trọng, vậy cụ thể hơn, nhiệm vụ mà ông và các đồng đội được giao là làm gì?

Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Thanh Hóa, cả đơn vị tôi chuyển về Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B đóng tại tỉnh Hòa Bình làm nhiệm vụ huấn luyện, tăng cường để đi B. Năm 1971, Trung đoàn 48 chuyển về huyện Nông Cống (Thanh Hóa) để hoạt động. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn vô cùng cam go và ác liệt, Trung đoàn 48 được lệnh chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị. Tôi lúc ấy là Chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B. Trong cuộc chiến quyết liệt chống trả lại sự tàn phá của kẻ thù, thực hiện phương châm đánh chắc, tiến chắc, Trung đoàn 48 cùng các lực lượng của quân đội ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị vào ngày 1-5-1972. Nhận định mất Quảng Trị là mất miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã huy động tối đa hỏa lực cùng các đơn vị tinh nhuệ tái chiếm tỉnh Quảng Trị. Trung đoàn 48 lại được lệnh xây dựng trận địa phòng ngự tại thị xã Quảng Trị và các vùng phụ cận để đánh địch bảo vệ Thành cổ. Đại đội tôi được giao nhiệm vụ chốt chặt tại ngã ba Long Hưng. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Để giữ vững tinh thần chiến đấu của đơn vị, đại đội đã nêu cao quyết tâm sắt đá “Còn người còn trận địa, còn người còn tiến công. Quyết không cho địch bước qua ngã ba Long Hưng”. Sau nhiều trận đánh khốc liệt, lúc bấy giờ Đại đội 5 chỉ còn 57 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã đánh thắng một tiểu đoàn dù tăng cường hơn 500 quân địch. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đặc biệt là 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa”, ngày 19-12-1972, Trung đoàn 48 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngay tại chiến trường Quảng Trị. Bản thân tôi cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 23-9-1973.

Thần tốc, thần tốc hơn nữa

Phóng viên: Sau cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông và các đồng đội đã chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như thế nào?

Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng: Đầu năm 1975, Sư đoàn 320B được điều đi đắp đê ở sông Đáy (Ninh Bình). Vẫn biết đắp đê là nhiệm vụ quan trọng nhưng trong lúc các chiến trường đang sôi động mà phải làm một việc “phi chiến đấu” ở hậu phương thật vô cùng sốt ruột. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thắc mắc nhưng mãi về sau chúng tôi mới hiểu đó là cách dùng binh của Tổng hành dinh, cần giữ bí mật ý đồ chiến lược. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút, tôi lúc ấy là Phó Chính ủy Trung đoàn 48 được lệnh cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực hiện mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, Trung đoàn 48 hành quân thần tốc từ Ninh Bình vào Sài Gòn, từng đoàn xe cơ giới hành quân rầm rập không kể ngày đêm. Khi đến đường Đông Trường Sơn thì trời mưa rát mặt, đơn vị phải chuyển sang đường Tây Trường Sơn để tiếp tục hành quân thì nắng nóng gay gắt, bụi bay mù mịt, cách 5 - 10m là không thể nhìn rõ nhau. Thế nhưng anh em ai cũng vui vì chưa bao giờ Trung đoàn 48 được chiến đấu trong một chiến dịch quy mô lớn như chiến dịch Hồ Chí Minh. Các binh chủng bộ binh, pháo binh, xe tăng thiết giáp, phòng không, đặc công... được trải đều trên một địa bàn rộng lớn.

Phóng viên: Vậy Trung đoàn 48 đã tham gia vào mũi tiến công nào, thưa ông?

Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng: Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 48 được giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng là thọc sâu đánh thẳng vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Cả trung đoàn phấn chấn hẳn lên vì vinh dự lớn lao được cấp trên giao phó. Sau 16 ngày hành quân thần tốc, đơn vị đã vượt gần 2.000 km và có mặt tại đồn điền cao su Phú Riềng, tỉnh Phước Long để chuẩn bị cho chiến dịch. Ngày 27-4, toàn đơn vị hành quân vào chiến khu D thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 29-4, Trung đoàn 48 có 1 tiểu đoàn bộ binh đánh vào quận lỵ Tân Uyên để mở cửa tiến vào Sài Gòn. Ngày 30-4, Trung đoàn 48 đã đánh chiếm cầu Bình Triệu, tiêu diệt nhiều quân địch, bắt sống Thiết đoàn 18 - xe tăng của Ngụy do Lý Văn Tòng làm Thiết đoàn trưởng. Sau đó, tôi yêu cầu Lý Văn Tòng và quân Ngụy lái xe tăng dẫn đường tiến vào Bộ Tổng tham mưu. Mục đích là nhằm tạo ra lực lượng phản chiến để cùng với quân giải phóng đánh vào Sài Gòn. 8 giờ sáng ngày 30-4, Trung đoàn 48 với các xe tăng và thiết giáp chiếm được của địch quyết định tấn công đồng thời vào 3 cổng của Bộ Tổng tham mưu, trong đó cuộc tấn công vào cổng 1 ác liệt nhất. Hơn 9 giờ sáng ngày 30-4, cả 3 mũi tấn công đã gặp nhau ở chân cột cờ trong sân Bộ Tổng tham mưu, lính địch quăng súng, cởi áo mũ, dẫm đạp lên nhau bỏ chạy. Tổ cắm cờ gồm các đồng chí Lại Đức Lưu - Đại đội trưởng Đại đội 5, chính trị viên Trần Đình Ất là người Thanh Hóa và 3 đồng chí khác đã tiến lên cắm được lá cờ giải phóng trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu lúc 10 giờ 30 phút trong tiếng reo hò của quân ta và nhân dân trong khu vực. Cùng lúc đó, các cánh quân khác của ta cũng đồng loạt tiến công vào những mục tiêu trọng yếu của địch. 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

Phóng viên: Ông còn nhớ được điều gì về thời khắc quan trọng ấy?

Anh hùng LLVTND Vũ Trung Thướng: Tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc vỡ òa trong niềm vui của ngày chiến thắng. Lúc Sài Gòn toàn thắng, lính Ngụy là người Việt Nam có hỏi tôi rằng “Thế các ông bắt chúng tôi tù ở đâu”?. Tôi đáp trả “Toàn bộ anh em cởi hết quần áo, mũ, giầy, súng vứt trên đường, người nhà nào về nhà đó, không bắt bỏ tù nữa, đất nước mình giải phóng rồi. Khi về địa phương không chống lại cách mạng sẽ được khoan hồng, còn nếu tiếp tục chống lại cách mạng thì sẽ bị cách mạng xử bỏ tù”. Được trở về đoàn tụ với gia đình, thoát được cảnh chết chóc, đám đông tù binh nhảy lên reo hò sung sướng lắm. Còn với nhân dân, khi quân giải phóng đánh đến đâu, người dân tràn ra các đường phố vui sướng cầm cờ chào đón, hoan hô quân giải phóng, nhiều người cầm ảnh Bác Hồ và hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm”. Tôi là người may mắn được chứng kiến thời khắc chiến thắng huy hoàng của dân tộc. Thật sự xúc động và hạnh phúc vô cùng.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các chiến trường, tôi được cử đi học, rồi về làm Sư đoàn phó - Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 tại thị xã Bỉm Sơn năm 1980. Sau đó, tôi đưa gia đình về sinh sống tại đây. Một thời tuổi trẻ, một thời hoa lửa, tôi thấy mình thật may mắn khi được sống, được chiến đấu cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông, chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc!

Thu Vui (thực hiện)


Thu Vui (Thực Hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]