(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa nằm giữa miền Bắc và miền Trung, phía Bắc giáp ba tỉnh: Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình; phía Nam giáp tỉnh Nghệ An; phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào) và phía Đông giáp biển Thái Bình Dương. Hiếm có tỉnh nào như Thanh Hóa, vừa có biển, đồng bằng, vừa có rừng và có núi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong tiến trình cách mạng

Thanh Hóa nằm giữa miền Bắc và miền Trung, phía Bắc giáp ba tỉnh: Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình; phía Nam giáp tỉnh Nghệ An; phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào) và phía Đông giáp biển Thái Bình Dương. Hiếm có tỉnh nào như Thanh Hóa, vừa có biển, đồng bằng, vừa có rừng và có núi.

Vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong tiến trình cách mạngThanh Hóa - vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh và truyền thống yêu nước cách mạng. Ảnh: Hiếu Nam

Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Thanh Hóa là vùng đất “phên dậu”, “một vùng đất căn bản”, “đất bản triều”, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế; là căn cứ của nhiều cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và căn cứ cách mạng của nước bạn Lào. Không những vậy, Thanh Hóa là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng lợi thế, đặc điểm riêng mà không phải địa phương nào cũng có, được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”; Thanh Hóa có đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái: trung du - miền núi, đồng bằng và miền biển; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; hệ thống giao thông thuận tiện với đầy đủ các loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không, thuận tiện kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, các tỉnh duyên hải miền Trung; có cửa khẩu quốc tế Na Mèo và cụm cảng nước sâu Nghi Sơn; nguồn lao động dồi dào; nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị như: Di chỉ văn hóa núi Đọ từ thời đồ đá cũ, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, Lê Hoàn; có bờ biển dài 102 km với nhiều bãi biển đẹp, nổi tiếng như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa,... và nhiều danh lam, thắng cảnh như: Vườn Quốc gia Bến En, các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, suối cá Cẩm Lương, thác Mây, thác Ma Hao...

Với vị trí địa chiến lược, nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Thanh Hóa luôn là hậu phương vững chắc, khu vực phòng thủ rộng lớn, có tầm chiến lược trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, để từ đây ông cha ta ra Bắc, vào Nam đánh bại kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Hiểu rõ vị thế chiến lược của xứ Thanh, với tầm nhìn xa rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người luôn dành cho xứ Thanh sự quan tâm và những tình cảm đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Thanh Hóa sau ngày toàn quốc kháng chiến (2-1947), đã khái quát Thanh Hóa có ba lợi thế: “Người đông, đất rộng, của nhiều”. Những lợi thế căn bản này làm cho vị trí, vai trò của Thanh Hóa được nhân lên, trở thành một trong những tỉnh hậu phương lớn nhất, quan trọng nhất, đóng góp hiệu quả nhất cho kháng chiến.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tuy là một tỉnh làm nhiệm vụ chính là hậu phương, nhưng với vị trí chiến lược, quân dân Thanh Hóa còn phải tổ chức chiến đấu chống lại các cuộc tiến công của địch từ hướng Bắc, hướng Tây và hướng Đông, trừ hướng Nam giáp tỉnh Nghệ An.

Sau khi đối phó với cuộc chiến đấu đồng loạt của quân dân các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra, từng bước chiếm đóng các địa bàn đô thị, nông thôn, từ tháng 3-1947, thực dân Pháp tổ chức đánh vào Thanh Hóa từ hướng biển (phía Đông) và miền núi (phía Tây). Các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Thiệu Hóa bị địch xâm nhập và ném bom bắn phá. Thị xã Thanh Hóa, hai bên bờ sông Mã, đập Bái Thượng... phải hứng chịu các cuộc oanh tạc của máy bay Pháp. Các huyện Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh cũng bị địch xuất phát từ đất Lào đánh sang với âm mưu chiếm đóng toàn bộ miền Tây Thanh Hóa, đồng thời uy hiếp vùng đồng bằng của tỉnh, lấy đó làm cơ sở để đánh ra các tỉnh phía Bắc Thanh Hóa thuộc Liên khu 3, nhằm cắt đứt đường liên lạc, vận chuyển từ Liên khu 4, cụ thể là từ Thanh Hóa ra phía Tây Nam Hòa Bình, ra các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc cũng như giữa Thanh Hóa với các tỉnh Thượng Lào.

Nhận thức rõ vị trí quan trọng cùng những thuận lợi và khó khăn của tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã tổ chức các đội vũ trang tuyên truyền phối hợp cùng các đơn vị tập trung của tỉnh vừa chiến đấu ngăn chặn địch, vừa gây dựng, phát triển cơ sở kháng chiến và bảo vệ địa bàn. Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đã chủ động cử bộ đội chủ lực tỉnh phối hợp cùng với các đơn vị thuộc Liên khu 4, Liên khu 3 và Liên khu 10 đánh địch ở Sầm Nưa (Lào).

Cũng từ vị trí chiến lược của miền Tây Thanh Hóa đối với sự an toàn của cả vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh, sự ổn định và phát triển của hậu phương Thanh Hóa cũng như hỗ trợ hiệu quả cho cách mạng Lào, Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban hành chính đặc biệt miền Thượng du Thanh Hóa.

Tầm quan trọng của miền Tây Thanh Hóa trong những năm tháng kháng chiến được đúc kết thành 6 chữ “Thượng du thắng - Thanh Hóa thắng”. Nhận thức rõ vai trò của vùng đất này, lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo Liên khu 4 đã tập trung cán bộ, lực lượng và chỉ đạo sát sao các hoạt động kháng chiến tại đây. Bộ Tư lệnh Liên khu 4 quyết định thành lập Ban chỉ huy mặt trận miền Tây Thanh Hóa, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Liên khu 4 và Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa. Tiếp sau đó, từ đầu năm 1950, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 quyết định thành lập và trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy Mặt trận Thanh Hóa. Địa bàn Thanh Hóa được chia thành 5 khu vực tác chiến, các lực lượng vũ trang tỉnh luôn sẵn sàng chiến đấu và đã tổ chức phối hợp chiến đấu với các đơn vị của Liên khu 3 đánh địch xâm nhập từ phía Bắc và từ phía biển vào, từ phía Tây sang, góp phần phá vỡ phòng tuyến sông Mã của địch, tiêu diệt, bức rút, bức hàng nhiều đồn bốt, giải phóng hoàn toàn miền Tây Thanh Hóa.

Trong những năm chống Mỹ, với địa thế là cầu nối giữa Bắc bộ và Trung bộ, Thanh Hóa là huyết mạch giao thông quan trọng của miền Bắc. Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, Thanh Hóa trở thành địa bàn chiến lược trọng yếu. Giặc Mỹ đã chọn hơn 60 mục tiêu đánh phá hòng làm tê liệt hoạt động giao thông của ta. Với quyết tâm cao, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động sáng tạo lập “bốn đường ra”, “ba đường vào”, mở nhiều điểm vượt sông, nhiều đường tránh rẽ, làm cầu phao luồng, cầu phao liên hợp... huy động sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng để những đoàn xe, đoàn thuyền nan nối đuôi nhau chở hàng hóa, vũ khí phục vụ chiến trường...

Ngày nay, Thanh Hóa vẫn là một tỉnh lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước. Về dân số đứng thứ ba và diện tích đất đai đứng thứ năm. Với vị trí chiến lược, Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự đầu tư mạnh mẽ của những nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên diện mạo Thanh Hóa ngày càng văn minh, giàu đẹp. Điều đó càng khẳng định vị trí chiến lược của tỉnh trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trách nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa hôm nay là tiếp tục phát huy vị thế chiến lược của mình, xây dựng Thanh Hóa trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời, góp phần xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ngô Hoàng Nam

(Viện Lịch sử Đảng, Học viện CTQG Hồ Chí Minh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]