(Baothanhhoa.vn) - Xứ Quảng vốn là mảnh đất của văn hóa - lịch sử, với vô vàn những huyền tích và hoài niệm. Bởi vậy mà trong ấn tượng của nhiều người, xứ Quảng luôn ánh lên sắc vàng rạng rỡ của tháp cổ dưới bình minh và cũng đầy bí ẩn dưới chiều tà. Hay xứ Quảng đầy rêu phong nếp cũ và phảng phất màu hoài cổ nơi phố Hội. Song, xứ Quảng còn đậm đà những “mảng màu” ký ức, đầy hào hùng, ngưỡng vọng và đáng tự hào; nhưng cũng tận cùng đau thương, uất nghẹn và trắc ẩn. Để rồi, hai sắc thái cảm xúc đối lập ấy, đều có thể tìm thấy ở một địa danh lịch sử: Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Quảng Nam: Nơi ghi tạc huyền thoại Mẹ

Xứ Quảng vốn là mảnh đất của văn hóa - lịch sử, với vô vàn những huyền tích và hoài niệm. Bởi vậy mà trong ấn tượng của nhiều người, xứ Quảng luôn ánh lên sắc vàng rạng rỡ của tháp cổ dưới bình minh và cũng đầy bí ẩn dưới chiều tà. Hay xứ Quảng đầy rêu phong nếp cũ và phảng phất màu hoài cổ nơi phố Hội. Song, xứ Quảng còn đậm đà những “mảng màu” ký ức, đầy hào hùng, ngưỡng vọng và đáng tự hào; nhưng cũng tận cùng đau thương, uất nghẹn và trắc ẩn. Để rồi, hai sắc thái cảm xúc đối lập ấy, đều có thể tìm thấy ở một địa danh lịch sử: Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Quảng Nam: Nơi ghi tạc huyền thoại Mẹ

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Quảng Nam - công trình có ý nghĩa lịch sử - văn hóa to lớn.

Tọa lạc trên đỉnh núi Cấm (thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), khối tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng ngay lập tức gây ấn tượng mạnh với người nhìn, bằng kiến trúc đá sa thạch, có chiều cao 18,5m và chiều rộng theo đường cong lên tới 117m. Phía trước tượng đài là quảng trường tiền môn, với 30 ô thảm cỏ, tượng trưng cho 30 năm trường kỳ kháng chiến. Hai bên tượng đài bố trí hai thảm hoa lớn (diện tích 600m2), với các họa tiết trang trí, được lấy cảm hứng từ sắc thái văn hóa, của 54 dân tộc sống trên dải đất Việt Nam. Khối tượng đài chính còn gắn kết với hồ nước rộng khoảng 1.000m2. Phía sau tượng đài là bãi cỏ rộng và một vườn đá. Bên cạnh đó, quần thể kiến trúc có tổng diện tích 150.000m2 này, còn có 8 trụ huyền thoại, mỗi trụ cao 9m, đường kính bình quân 1,2m và được dựng bằng đá sa thạch. Người ta đã khắc lên mỗi trụ đá, công lao của các Mẹ Việt Nam Anh hùng đối với Tổ quốc. Thêm một điểm nhấn đặc biệt của khối kiến trúc này là tượng đài được làm rỗng. Trong lòng khối tượng là không gian rộng 1.800m2, nơi trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và công lao của hàng nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp cả nước

Cách đây 16 năm (2004), ý tưởng về việc xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã được hình thành. Nhưng phải chờ 7 năm sau (2011), công trình mới hoàn thành, với tổng kinh phí 411 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn xã hội hóa, cùng với ngân sách Nhà nước. Tượng đài được đánh giá là lớn nhất cả nước, thậm chí là lớn nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Song, điều đáng nói hơn về công trình này là giá trị lịch sử - văn hóa và tính biểu tượng cao của nó. Ý tưởng xây dựng dựa trên hình tượng Mẹ: “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh mẽ cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”! Nguyên mẫu tuyệt vời và vĩ đại nhất, có thể hóa thân trọn vẹn vào Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, không ai khác là mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, Điện Bàn).

Cuộc đời mẹ Thứ là một huyền thoại, hay mẹ đã hóa thân thành huyền thoại. Đó là huyền thoại được tạo tác từ những tháng năm ròng rã đau thương, thầm lặng hy sinh, song cũng rất đỗi kiên trung, can trường. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, 4 người con của mẹ đã nằm lại khắp các chiến trường. Riêng năm 1948, mẹ lần lượt nhận tin hy sinh của 3 con trai. Rồi suốt 21 năm chống Mỹ, 5 người con của mẹ cũng vĩnh viễn ngã xuống; mà đau đớn nhất là sự hy sinh của người con trai Lê Tự Chuyển, vào đúng thời khắc Sài Gòn rợp cờ hoa giải phóng 30-4. Không gian trưng bày những hình ảnh, hiện vật về mẹ Thứ, luôn khiến người xem xúc động và để lại ấn tượng sâu đậm. Nhưng, ám ảnh ghê gớm hơn cả có lẽ là bức hình mẹ ngồi ôm di ảnh con, đôi mắt nhòe không dời bát hương cháy dở và xung quanh bát hương là 9 cái bát, 9 đôi đũa. Mẹ ngồi đó, bên mâm cơm vắng lặng, mường tượng rằng 9 người con vẫn quây quần như những ngày thơ dại, cùng giành nhau phần cơm độn sắn độn khoai.

Trong hồi tưởng của người con gái đầu về mẹ, từng nhắc đến hình ảnh đầy day dứt này. “Lúc mẹ còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hay ngày Tết Nguyên đán, ngày Thương binh liệt sĩ, mẹ thường lọ mọ chống gậy tìm đến bàn thờ, thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa lên mâm cơm, để gọi các con về với mẹ... Lại có những đêm thiếp đi trong cơn mê, mẹ như thấy các con về. Mẹ choàng tỉnh dậy, nước mắt lưng tròng đến trước bàn thờ gọi tên từng người con yêu quý và thắp 9 nén hương để tưởng nhớ các con...”. Vậy mới nói, chẳng thể có tình yêu thương nào cao cả, vĩ đại và không phai nhạt theo năm tháng, lại có thể sánh với tình yêu của mẹ dành cho con.

Đất nước đau thương, nhọc nhằn và nghèo khó. Tài sản lớn nhất và duy nhất của mẹ là những đứa con. Nhưng mẹ sẵn sàng gửi gắm tất cả máu thịt, yêu thương và hy vọng ấy cho Tổ quốc. Vậy mà cả 9 người không một ai trở về với mẹ. Thân các anh nằm lại chiến trường, chỉ có mảnh giấy báo tử ố vàng và nỗi đau đớn khôn cùng, gửi về cho mẹ. Mẹ đã sống chặng cuối cuộc đời trong nỗi nhớ, nỗi buồn, niềm đau, cùng những hoài vọng đã lắng kết, đã chôn chặt vào sâu thẳm cõi lòng. Ví như qua thời gian, tất cả dần phẳng lặng như mặt hồ, nhưng sâu dưới đáy, nước vẫn cuộn không ngừng. Mà nào đã hết, không chỉ mất đi 9 người con trai, mẹ còn gánh thêm nỗi đau hy sinh của người con rể và 2 cháu ngoại. Để rồi, người con gái đầu của mẹ cũng là Mẹ Việt Nam Anh hùng (mẹ Lê Thị Trị). Hiếm gặp trong một gia đình mà cả mẹ và con gái đều là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Song, điều đáng kinh ngạc được xác lập từ tột cùng đau thương không gì bù đắp nổi ấy, lại khiến ta nhìn nhận lại giới hạn của nỗi đau và sức chịu đựng của con người.

Không chỉ “cho đi” những đứa con của mình, nhiều mẹ còn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để cầm súng ra trận, để nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, đào hầm hào, chèo đò, dân công... Câu chuyện về Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Quang Mẫn là một điển hình cho tinh thần quả cảm, kiên trung của phụ nữ Việt Nam. Ở tuổi 17, cô gái Trần Thị Sáu (tên thật của mẹ Mẫn) đã cắt phăng mái tóc dài duyên dáng và phơi cho sạm đen làn da trắng của người con gái Rạch Giá miền Tây, quyết cải trang thành nam nhi, để được ra chiến trường. Cô Sáu trở thành “anh” Mẫn mưu trí, dũng cảm không kém cạnh bất kỳ đấng nam nhi nào. Ngay cả khi bị địch bắt và rồi bị tù đày khắp các nhà tù Rạch Giá, Chí Hòa, Côn Đảo... mẹ vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu và khí tiết người cách mạng. Nhưng có lẽ mọi sự tra tấn, dụ dỗ của kẻ thù, cũng không thể sánh được một phần nỗi đau khi chồng và người con trai duy nhất vừa tròn 15 tuổi của mẹ hy sinh. Vượt lên tất cả, đóa “Mộc Lan thép” vẫn kiên cường chiến đấu cho ngày nước nhà độc lập, Bắc - Nam thống nhất. Đến sau cùng, mẹ trở về cuộc sống bình lặng, khi đã nếm trải tất cả sự khốc liệt cùng đau thương chiến tranh.

Khi quê hương vẫn chưa một ngày im tiếng súng; khi những thành quả cách mạng đã phải đánh đổi bằng máu xương bị đe dọa; khi nhiều mẹ, nhiều chị, nhiều em vẫn còn phải ngã xuống, hay vẫn bị đánh đập, giam cầm, đày đọa, vẫn bị xúc phạm nhân phẩm, lương tâm...; thì khi ấy, các mẹ vẫn sẵn sàng xông lên tuyến đầu trong các cuộc đấu tranh chính trị, binh vận, vũ trang. Hậu thế sẽ không bao giờ quên tinh thần chiến đấu quả cảm của nữ dân quân Nam Ngạn - Hàm Rồng, Hoa Lộc xứ Thanh, đã nhằm thẳng máy bay giặc mà bắn và dìm chúng xuống đáy sông. Hậu thế cũng chưa bao giờ quên sự dũng cảm của các mẹ, các chị xứ Quảng, những người đã vượt qua vành đai giặc để tải thương, để bám giữ chốt và đánh bật hàng chục đợt tấn công của kẻ thù; hay các mẹ, các chị người dân tộc gùi con phía trước, mang nửa tạ hàng phía sau, đi phục vụ tiền tuyến suốt nhiều tháng trời. Và hậu thế càng không được phép quên những mẹ, những chị trên khắp chiến trường miền Nam, đã dũng khí xông lên chặn hàng đàn xe bọc thép Mỹ, chống lại lũ giặc cày xới quê hương, mồ mả tổ tiên và xả thân mình bảo vệ, nuôi giấu cán bộ cách mạng... Tấm lòng, đức hy sinh, tinh thần kiên cường, bất khuất của các mẹ, các chị có thể ví như gan vàng. Để khi gan vàng đọ cùng đạn sắt, sắt cũng phải chảy, phải mềm.

Câu chuyện cuộc đời mẹ Thứ, mẹ Mẫn và hàng ngàn hàng vạn bà mẹ trên dải đất Tổ quốc này, đã kết thành huyền thoại bất tử mang tên Mẹ Việt Nam Anh hùng. Tất cả được tái hiện đầy cô đọng, súc tích, nhưng không kém phần hào hùng, đậm âm hưởng ngợi ca, tại địa danh lịch sử Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, sẽ là chưa đủ nếu chỉ nói về mẹ ở khía cạnh của sự vĩ đại, với đức hy sinh không giới hạn và tinh thần quật cường, dũng cảm; ở sự nhân hậu, bao dung và sự cần cù, chịu thương chịu khó... Bởi, ở một khía cạnh khác, trong một hoàn cảnh khác, ta chợt nhận ra rằng, mẹ cũng từng có ước mơ cho riêng mình, từng có tuổi xuân và thời tuổi trẻ trôi qua rất vội; hay cũng có những nỗi niềm suy tư, khắc khoải bị chôn vùi. Cũng bởi, mẹ là con người, cho nên, dẫu có là Mẹ Việt Nam Anh hùng đi chăng nữa, thì mẹ cũng đau nỗi đau rất con người. Cho nên, sự vĩ đại của mẹ mang đậm tính nhân bản, tinh thần nhân văn và càng đúng với chân lý đã được người xưa đúc kết, rằng “Tâm hồn lớn lao của người phụ nữ giống như một dòng sông, nó luôn tạo nên cuộc sống tươi xanh ở hai bờ, nhưng bản thân lại hướng ra biển cả”!

Bài và ảnh: Khôi Nguyên


Bài Và Ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]